TTCK Việt Nam sẽ không có sự điều chỉnh sâu từ đây đến cuối năm

09/11/2007 11:25 GMT+7

(TNO) Đó là nhận định của các chuyên gia trong buổi giao lưu trực tuyến do báo Thanh Niên và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tổ chức vào chiều qua 12.11 trên Thanhnien Online. >> Bấm vào đây để xem video

Tại buổi giao lưu, các khách mời là ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên chương trình kinh tế Fullbright và ông Đoàn Đức Vịnh - Trưởng Ban cố vấn chiến lược Công ty chứng khoán u Việt đã giải đáp rất nhiều thắc mắc của bạn đọc về TTCK Việt Nam, cung cấp thêm các thông tin liên quan cũng như dự báo xu hướng phát triển của thị trường từ đây đến cuối năm... Dưới đây là toàn bộ nội dung buổi giao lưu trực tuyến:

* Cho tôi hỏi số lượng cổ phiếu có ảnh hưởng nhiều đến giá của cổ phiếu đó không, và nếu có ảnh hưởng thì xin ông cho biết nó ảnh hưởng trên những mặt cụ thể nào? Tuần vừa qua trên thị trường có niêm yết thêm mã cổ phiếu DPM (đạm Phú Mỹ)với khối lượng lớn nhất từ trước tới nay và nhiều người cho rằng CP này giảm giá đã kéo theo rất nhiều CP khác cũng giảm giá theo, vậy theo ông điều này có đúng không, ông có thể nói rõ hơn về tác động của CP DPM lên thị trường hiện nay? Xin cảm ơn! (Nguyễn Mạnh Tuân, 29 tuổi, Nam, HCM, kinh doanh)

- Ông Đoàn Đức Vịnh - Trưởng ban cố vấn Công ty CP Chứng khoán u Việt: Như các bạn đã biết, số lượng CP IPO và phát hành riêng lẻ trên thị trường quá nhiều, sức cung tăng mạnh hơn cầu khiến giá của thị trường chắc chắn bị ảnh hưởng. Một ví dụ điển hình: CP của Đạm Phú Mỹ trong đợt vừa qua được niêm yết trên TTCK TP.HCM tạo ra lượng cung lớn trong khi đó những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của Đạm Phú Mỹ phần đông cũng là cổ đông của các công ty liên quan đến ngành dầu khí. Đến thời điểm đóng tiền của PVFC họ buộc phải bán bớt một phần cổ phiếu để đúng thời hạn nộp tiền. Chính vì vậy giá CP Đạm Phú Mỹ cũng giảm theo.

Nguyên nhân khác khi IPO của Đạm Phú Mỹ có giá trúng thầu bình quân rất thấp, chỉ khoảng 53.000 đồng/cp. Đến nay giá thị trường của CP ĐPM đã đạt 84.000 - 85.000đồng/cp. Nhà đầu tư đã đạt được mức kỳ vọng. Trong bối cảnh thị trường thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng không lạc quan lắm, việc bán bớt cổ phần để đạt mục đích kinh doanh là việc hiển nhiên.

Khối lượng giao dịch của CP ĐPM từ ngày niêm yết rất lớn. Vì vậy ảnh hưởng một phần đến VN-Index. Giá CP ĐPM tăng hay giảm sẽ có tác động đến việc tăng hoặc giảm đến các CP khác (theo yếu tố tâm lý).

* Tôi là nhà đầu tư ngắn hạn, hiện nay là sinh viên nên số tiền giao dịch vẫn còn hạn chế, chính vì vậy những biến động trên thị trường chứng khoán đều khiến tôi rất lo lắng, thị trường trong các phiên gần đây liên tục giảm khiến tôi đang phân vân. Tôi muốn biết ý kiến của các chuyên gia về thị trường sắp tới, cũng như dự đoán cho những tháng cuối năm. (Nguyễn Chí Hoanh, 21 tuổi, Nam, Đà Nẵng, Sinh Viên)

- Ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên chương trình kinh tế Fullbright: Chúng ta cùng xem thử sự lên xuống của giá chứng khoán (CK) trong thời gian qua là do nguyên nhân gì. Có phải là các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả với những con số công bố khả quan tác động làm cho giá CK tăng liên tục trong một thời gian để chỉ số VN-Index quay trở lại trên 1.100 điểm và sau đó, những thông tin không tốt từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lại làm cho CK đảo chiều. Điều này có vẻ như không đúng với thực tế. Theo quan sát của tôi, sự dao động của giá CK được tác động của tin đồn nhiều hơn là từ kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì điều này làm cho việc phân tích và dự báo xu hướng của chỉ số thị trường nói chung và từng CK riêng lẻ nói riêng là rất khó.

Câu trả lời từ nay đến cuối năm chỉ số VN-Index sẽ diễn biến như thế nào là rất khó trả lời. Trong trường hợp có một số thông tin nào đó được xem là tốt tác động đến kỳ vọng tích cực của các nhà đầu tư thì khả năng giá CK sẽ tăng, ngược lại giá CK sẽ giảm. Câu chuyện ở đây là thông tin như thế nào được xem là tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào những người công bố và diễn giải nó. Nếu trên một thị trường lành mạnh, việc bóp méo thông tin là điều rất khó nhưng rất tiếc, thị trường của chúng ta có vẻ như chưa đạt được mức độ như vậy.

Lời khuyên đối với các nhà đầu tư là tùy thuộc vào mục đích nắm giữ cổ phiếu của mình. Nếu muốn đầu tư chênh lệch giá thì cần theo sát những diễn biến của thị trường để thực hiện chiến lược mua thấp bán cao. Ngược lại, nếu vì mục tiêu đầu tư dài hạn cần phân tích kỹ "sức khỏe" của doanh nghiệp và chỉ mua những loại cổ phiếu có giá hợp lý với khả năng sinh lời của doanh nghiệp mà không quan tâm đến những biến động nhất thời của giá cổ phiếu.

Các khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh Đào Ngọc Thạch

* Theo em biet duoc du luat thue thu nhap sap duoc thong qua o quoc hoi se bao gom viec danh thue 25% doi voi viec chuyen nhuong co phieu va 5% tren loi tuc co phieu. Em xin hoi lieu de xuat nay co kha nang duoc thong qua hay khong? Va khi de xuat nay duoc dua ra thi da duoc tham khao o cac quoc gia khac chua? (Chuong, 27 tuổi, Nam, Q. Binh Thanh, ky su)

- Ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên chương trình kinh tế Fullbright: Việc có thông qua hay không thông qua dự luật này với những điều khoản như dự thảo của nó là điều tôi không thể biết được. Nhưng việc đánh thuế trên thu nhập từ kinh doanh CK hay các nguồn thu nhập khác về nguyên tắc là cần thiết. Câu chuyện bây giờ là thuế suất bao nhiêu thì hợp lý. Ở đây, có 2 vấn đề đáng quan tâm:

- Thứ nhất, theo tôi, việc phân biệt thuế suất 5% đối với cổ tức và 25% từ lợi vốn là không hợp lý. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang khuyến khích các doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng sản xuất góp phần tăng trưởng kinh tế. Nếu nhà nước quy định mức thuế suất như vậy, chẳng khác nào khuyến khích doanh nghiệp chia hết lợi nhuận có được cho các cổ đông vì làm như vậy, phần thu nhập này chỉ chịu thuế 5%, trong khi nếu lợi nhuận được giữ lại, giá cổ phiếu sẽ tăng khi bán đi nhà đầu tư phải chịu thuế đến 25%.

- Thứ hai, theo tôi, việc đặt ra thuế suất đối với phần lợi vốn lên đến 25% là quá cao, điều này không khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu chính thức để tạo ra một thị trường CK lành mạnh mà họ chỉ để cổ phiếu của mình được giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC). Đây là điều không muốn đối với các nhà quản lý và cũng không tốt cho nền kinh tế.

Tóm lại, theo kinh nghiệm từ các nước, cần thiết phải đánh thuế các khoản thu nhập từ kinh doanh CK, nhưng cần phải chọn một mức thuế suất phải chăng và 2 loại thu nhập nêu trên chỉ phải chịu một thuế suất như nhau. Có như vậy, mới có thể tăng nguồn thu quốc gia, đồng thời giúp cho thị trường CK phát triển lành mạnh.

* Nha dau tu nuoc ngoai co vai tro gi trong TTCK VN? Toi co cam giac ho dang la nguoi dieu khien san choi nay? TTCK dang di xuong, yeu to nao co the lam TTCK VN khoi sac tro lai vao cuoi nam? (Lan Anh, 27 tuổi, Nữ, Da Nang, Nhan vien)

- Ông Đoàn Đức Vịnh - Trưởng ban cố vấn Công ty CP Chứng khoán u Việt: Nhà đầu tư nước ngoài thường có công cụ phân tích hiện đại, nguồn tài chính dồi dào, và kinh nghiệm đầu tư. Khi họ tham gia vào thị trường Việt Nam còn non trẻ, nhà đầu tư Việt Nam còn giới hạn về nguồn vốn, thông tin, và kinh nghiệm đầu tư thì chắc chắn nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò khá quan trọng vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi họ không phải là những nhà điều khiển sân chơi trên thị trường chứng khoán. Điều này đã được chứng mình thực tế trong thời gian qua, xu hướng thị trường đi ngược lại với những những phân tích và nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức nước ngoài.

Năm 2007 thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng sớm hơn so với năm trước. VN-Index tăng từ 900 điểm lên hơn 1.150 điểm trong tháng 9 và đầu tháng 10, vì vậy thị trường cũng điều chỉnh sớm hơn. Và chính lúc này là giai đoạn thị trường đang điều chỉnh.

Theo tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc hơn vào cuối năm phụ thuộc một phần vào tình hình thị trường thế giới (đặc biệt là thị trường Mỹ). Thứ hai là kế hoạch IPO của các doanh nghiệp lớn như Vietcombank, MHB, BIDV, Incombank, Mobilfone, Vinaphone... có lộ trình cụ thể và kế hoạch thực hiện đúng cam kết. Kế đến, các chính sách kinh tế vĩ mô được công bố có lợi cho sự phát triển của thị trường (VD: thuế thu nhập cá nhân, thuế kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản). Cuối cùng là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vào cuối năm, và kế hoạch của năm tiếp theo.

* Hai tuần nay thị trường liên tục giảm, theo ông Vịnh xu hướng giảm có tiếp tục diễn ra trong tuần này và tuần sau không? VN-Index có thể trở về 900 điểm không? (Dinh Quang Nhut, 32 tuổi, Nam, 168 Duong so 10, F.4, Q.8, TP HCM , Kỹ sư )

- Ông Đoàn Đức Vịnh - Trưởng ban cố vấn Công ty CP Chứng khoán u Việt: Thị trường đã giảm 6 ngày liên tục. Theo tôi, xu hướng của thị trường có thể giảm nhưng biên độ sẽ không cao. Trong vài phiên giao dịch tới, chắc chắn sẽ khởi sắc trở lại.

Theo tôi, VN-Index không thể trở về mức 900 điểm trong năm nay vì với mức VN-Index tại thời điểm hiện tại đã là cơ hội để mua vào cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Ông Đoàn Đức Vịnh (giữa) đang trả lời các câu hỏi của bạn đọc.
Ảnh Ngọc Thạch

* Vui lòng cho tôi được hỏi ông Đoàn Đức Vịnh một vấn đề như sau: Được biết Công ty Cổ phần chứng khoán u Việt có thế mạnh trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán. Theo ông dưới góc nhìn của 1 nhà đầu tư ông đánh giá như thế nào là một cổ phiếu tốt? (Nguyễn Thị Thu, 30 tuổi, Nữ, 1A Đường 22, Phường BÌnh Trưng Tây, Quận 2, TP.HCM, Nhân viên văn phòng)

- Ông Đoàn Đức Vịnh - Trưởng ban cố vấn Công ty CP Chứng khoán u Việt: Theo tôi, để đánh giá một cổ phiếu tốt có nhiều tiêu chí khác nhau. Với kinh nghiệm của mình, tôi xin chia sẻ với các bạn tiêu chí đầu tư của u Việt:

1. Cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Đây là yếu tố tối ưu nhất.

2. Cổ phiếu thuộc những ngành nghề tăng trưởng mạnh, có vai trò chi phối trong nền kinh tế. Ví dụ: Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán, Bất động sản...

3. Cổ phiếu của công ty có Ban lãnh đạo và tập thể nhân viên có trình độ, quan hệ và kinh nghiệm chuyên môn cao.

4. Các chỉ số tài chính cơ bản như: PE, EPS, ROE, lượng hàng tồn, dòng tiền... phải tốt.

5. Cổ phiếu của công ty có kế hoạch kinh doanh và chiến lược ngắn - dài hạn thực tế và rõ ràng.

* Được biết tình hình thị trường vốn, tài chính đang có dấu hiệu đi xuống, và có vẻ như nguồn vốn bắt đầu chảy từ thị trường chứng khoán sang thị trường bất động sản. Việc đi xuống của thị trường có thể do một số chính sách của Nhà Nước như chỉ thị 03, đánh thuế vào thu nhập chứng khoán... và điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn. Vậy theo anh thì nhà đầu tư cần phải làm gì để tránh những rủi ro trong thời gian này. (Thắng, 34 tuổi, Nam, Trần Hưng Đạo, Cán bộ)

- Ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên chương trình kinh tế Fullbright: Theo sự hiểu biết của tôi, dường như có sự tương quan thuận chiều giữa TTCK và thị trường bất động sản hơn là tương quan trái chiều như bạn nêu. Chỉ cần quan sát 2 thị trường này trong vòng một năm qua là có thể thấy rõ điều này.

Nhiều người đổ tội cho chỉ thị 03 làm cho thị trường chứng khoán đi xuống. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, việc đi xuống của thị trường là do bản chất của nó khi mà nhiều loại cổ phiếu bị đẩy lên một cái giá quá cao so với giá trị thực của nó, và một phần không nhỏ nguồn vốn dùng để mua cổ phiếu là từ vốn vay. Khi áp lực nợ vay và lãi đến hạn ngày một gia tăng đã tạo ra sức ép phải bán bớt CK để có tiền trả nợ làm cho giá cổ phiếu quay lại với giá trị thực của nó là điều dễ hiểu.

Việc can thiệp vào thị trường để cho nó phát triển lành mạnh là điều cần thiết. Nhưng những can thiệp quá đột ngột sẽ gây sốc cho thị trường, tạo ra sự đổ vỡ không cần thiết. Trong những trường hợp như vậy, những chính sách mềm dẻo, linh hoạt với cái nhìn dài hạn sẽ có nhiều tác dụng hơn.

Đối với các nhà đầu tư, khi môi trường kinh doanh không chắc chắn, có nhiều biến động, việc đi vay nợ sẽ rất rủi ro. Trong những tình huống này, các nhà đầu tư nên "liệu cơm gắp mắm", chỉ nên đầu tư trong giới hạn vốn tự có của mình. Nếu đi vay, thì chỉ nên vay ở một giới hạn kiểm soát được để không phải ra đường trong những trường hợp xấu nhất.

Ông Huỳnh Thế Du (phải) đang trả lời các câu hỏi của bạn đọc.
Ảnh Ngọc Thạch

* Vui lòng cho tôi được hỏi ông Đoàn Đức Vịnh: Theo tôi được biết, ông là một nhà đầu tư CP chưa niêm yết (OTC) lão luyện. Theo ông trong thời điểm hiện nay đầu tư vào CP OTC ở lĩnh vực nào là hiệu quả? TT CP OTC sắp tới sẽ được UBCK quản lý. Theo ông thị trường sẽ phát triển theo hướng nào? (Nguyễn Lan Hương, 25 tuổi, Nữ, 28B/6 Dương Bá Trạc, Quận 8, Tp.HCM, Nhân viên văn phòng)

- Ông Đoàn Đức Vịnh - Trưởng ban cố vấn Công ty CP Chứng khoán u Việt: Cám ơn bạn đã có lời khen. Tôi tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ những ngày đầu, đã trải qua nhiều thăng trầm, nên ít nhiều tôi hiểu về thị trường OTC. Tôi ví quá trình đầu tư CP OTC như là quá trình cấy lúa của một nông dân. Từ lúc chọn giống lúa, gieo mạ, cấy lúa, vun đắp cho lúa trổ đòng rồi gặt hái. Trên sự ví von này, lĩnh vực bạn có thể chọn giống để gieo trồng, đầu tư là lĩnh vực tài chính - ngân hàng - chứng khoán, bất động sản và hạ tầng.

Khi được UBCK quản lý, thị trường OTC chắc chắn sẽ đi vào quy củ, hoạt động minh bạch hơn. Nhà đầu tư, thứ nhất sẽ có cơ sở pháp lý đảm bảo để hạn chế rủi ro trong quá trình mua bán, chuyển nhượng; thứ hai, có thông tin đầy đủ, chính thống về doanh nghiệp mà mình cần đầu tư.

* Xin hỏi thầy Du, thầy dự báo thế nào về tương lai chứng khoán Việt Nam trong năm 2008, và một số so sánh cơ bản với TTCK Thái Lan trong những năm qua? Khi nào chỉ số chứng khoán Việt Nam đuổi kịp chỉ số hiện tại của TTCK Thái Lan? (Đào Hiền Đạo, 38 tuổi, Nam, Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, kinh doanh)

- Ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên chương trình kinh tế Fullbright: Nếu xét về chỉ số thị trường, hiện nay VN-Index đang ở ngưỡng 1.000 điểm, cao hơn nhiều so với chỉ số CK của Thái Lan (đang dao động ở mức 800 điểm), thị trường đã ra đời trước TTCK Việt Nam 20 năm. Dựa vào thông số này, thị trường Việt Nam tốt hơn Thái Lan. Tuy nhiên, nếu xét về quy mô thị trường và quy mô các công ty niêm yết thì TTCK Việt Nam còn thua xa Thái Lan. Theo tôi được biết, Thái Lan không thành công trong việc phát triển TTCK của mình vì họ đã phải trả giá cho những sai lầm cũng như việc ban hành những chính sách tạo ra những kỳ vọng bất hợp lý cho các nhà đầu tư, dẫn đến tình trạng nhiều lần thị trường xuống dốc nghiêm trọng. Do vậy, TTCK Thái Lan không phải là hình mẫu tốt để Việt Nam học tập. Vấn đề đặt ra lúc này là Việt Nam cần tham khảo kỹ những bài học đắt giá mà Thái Lan cũng như các nước khác đã trải qua để có được những chính sách hợp lý, không tạo ra những kỳ vọng bất hợp lý của công chúng dẫn đến đổ bể khi mà sự phi lý trở nên quá mức.

Về triển vọng của TTCK Việt Nam trong năm 2008, theo tôi, có thể trong thời gian cuối năm 2007 và đầu năm 2008 thị trường sẽ điều chỉnh để rồi sau đó sẽ phát triển ở một mức độ cao hơn và ổn định hơn. Lúc này, quy mô thị trường sẽ lớn hơn và sự dao động thất thường quá mức sẽ ít xảy ra hơn. Hy vọng rằng, trong một vài năm tới, TTCK của chúng ta sẽ phát triển lành mạnh và trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Ảnh Ngọc Thạch

* Vì sao hầu hết các công ty tính đến nay đều đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu đề ra, tình hình kinh doanh tiến triển tốt mà cổ phiếu của họ lại không tăng giá, thậm chí giảm mạnh!? Xu hướng của thị trường từ nay đến cuối năm sẽ ra sao? (Nguyennhucong, 30 tuổi, Nam, 5 Nguyen Sieu, makerting)

- Ông Đoàn Đức Vịnh - Trưởng ban cố vấn Công ty CP Chứng khoán u Việt: Theo tôi, có những lý do sau đây: Thứ nhất: do bối cảnh chung của TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh. Thứ hai: Kết quả kinh doanh này là những thông tin đã được nhà đầu tư dự đoán trước, nên thị trường đã có phản ứng bằng sự tăng giá vào tháng 9 và đầu tháng 10. Vì vậy hiện nay, kết quả này không còn là động cơ để tăng giá nữa. Thứ ba: Do lộ trình IPO của các công ty như Vietcombank, BIDV, Incombank... không diễn ra đúng như cam kết, mà các bạn đã biết cổ phiếu của ngành tài chính, ngân hàng thường dẫn dắt thị trường trong thời gian qua. Sự trì hoãn này làm cho các cổ phiếu ngân hàng như ACB, STB, Đông Á, Eximbank... không tăng giá được, làm ảnh hưởng đến giá cả chung của các CP trên thị trường.

Theo tôi, xu hướng của thị trường từ nay đến cuối năm sẽ không có sự điều chỉnh sâu. VN-Index sẽ dao động quanh mức 1.050 điểm.

* Theo hai ông, hiện tại nhà đầu tư nhỏ nên đầu tư vào đâu để chờ đợi sự khởi sắc của TTCK Việt Nam? (Thông, 25 tuổi, Nam, 17/15 gò dầu, nhân viên)

- Ông Đoàn Đức Vịnh - Trưởng ban cố vấn Công ty CP Chứng khoán u Việt: Nhà đầu tư nhỏ hay nhà đầu tư lớn đều là nhà đầu tư, nên bạn có thể chọn mua CP theo tiêu chí đầu tư của mình, ngắn, trung hoặc dài hạn tùy theo năng lực tài chính của mình. Để chờ đợi sự khởi sắc lại của thị trường, nhà đầu tư nên nghĩ dài hạn hơn. Theo tôi, trong bối cảnh TTCK như hiện nay thì nên đầu tư vào những CP trên sàn niêm yết, vì tính thanh khoản và sự minh bạch cao, chọn CP có PE còn thấp, kế hoạch và định hướng kinh doanh tốt.

* Thủ tục tặng, cho CP của các thành viên HĐQT hiện nay là quá dễ dàng và không phải chịu thuế, phí. Làm cách nào để hạn chế tối đa hiện tượng này, để tránh tình trạng các thành viên HĐQT tranh thủ kiếm riêng cho mình rồi bỏ bê doanh nghiệp?  (tong duc khai, 45 tuổi, Nam, Phường 12, Q.10, TP.HCM, Buôn bán)

- Ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên chương trình kinh tế Fullbright: Đây là vấn đề muôn thuở của mô hình công ty cổ phần. Người ta gọi đây là hiện tượng mâu thuẫn giữa người sở hữu và người điều hành. Người ở vị trí bất lợi nhất là các cổ đông thiểu số - những người có ít thông tin nhất. Các cổ đông thiểu số ủy quyền cho HĐQT đưa ra các quyết định nhằm làm gia tăng phần vốn góp vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều khi HĐQT lại đưa ra những quyết định có lợi cho các thành viên của HĐQT và làm tổn hại lợi ích của những cổ đông còn lại. Vấn đề bạn nêu là một ví dụ điển hình. Để giải quyết vấn đề này cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú ý đến 2 khía cạnh:

- Thứ nhất, doanh nghiệp cần có một danh sách các điều lệ rõ ràng, trong đó quy định chặt chẽ quyền hạn và nghĩa vụ của HĐQT, Ban điều hành. Tuy nhiên, đây là điều không dễ dàng trong điều kiện hiện nay, khi mà các nhà đầu tư thiểu số không có đủ khả năng và nguồn lực để tìm hiểu kỹ vấn đề này. Khi có một vấn đề gì đó xảy ra, cách duy nhất mà những người thất thế có thể làm là thực hiện quyền "bỏ phiếu bằng chân" của mình, có nghĩa là bán cổ phần của mình đang nắm giữ ở doanh nghiệp đó.

- Thứ hai, các nhà đầu tư thiểu số chính là đối tượng được bảo vệ bởi luật pháp và các cơ quan quản lý. Nếu quyền lợi của đối tượng này được bảo đảm càng tốt thì mức độ lành mạnh và phát triển của TTCK càng cao. Chính vì vậy, Việt Nam cần thiết kế một cơ sở pháp lý đầy đủ và chặt chẽ cho hoạt động của TTCK, trong đó đặc biệt chú ý đến việc xử lý các giao dịch nội gián và những hành vi gây thiệt hại cho các cổ đông thiểu số của những người có nhiều thông tin hơn. Mặc khác, cần tạo cho cơ quan quản lý thị trường (UBCKNN) một mức độ độc lập và quyền năng cần thiết để cơ quan này có thể điều hành thị trường, bảo đảm tính minh bạch và công bằng của nó.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh Ngọc Thạch

* Cach xu ly truong hop cong ty cong bo thong tin ma so giao dich chung khoan kiem tra sai gay hau qua cho nha dau tu nhu the nao? Nguoi dung dau phai truc tiep chiu trach nhiem, sau do moi quy trach nhiem tung ca nhan phai khong? (TRAN LONG, 32 tuổi, Nam, USA, Ke toan)

* Ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên chương trình kinh tế Fullbright: Về nguyên tắc, ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm chính và những người liên đới cũng phải chịu trách nhiệm cho phần liên đới của mình. Theo văn hóa ứng xử chung, khi có một sự cố xảy ra, người đứng đầu thường đứng ra chịu trách nhiệm trước công chúng mà ở mức độ cao nhất là từ chức. Trong trường hợp của TTCK Việt Nam, theo tôi được biết, việc xảy ra sai sót có thể do nhiều nguyên nhân, chủ quan có, khách quan có. Một trong những nguyên nhân chính là sự quá tải của cơ quan quản lý khi mà có quá nhiều việc phải làm. Nếu quan sát trên thị trường sẽ thấy những lỗi lầm được công bố rất thường xuyên. Trong trường hợp này, nếu mỗi sự kiện xảy ra, người đứng đầu cơ quan hay bộ phận tuyên bố từ chức thì đến nay chắc không còn ai làm việc ở các cơ quan này và thị trường cũng không hoạt động được.

Vấn đề ở đây là UBCK hay Sở giao dịch CK chỉ nên làm những việc thuộc phạm vi của mình mà không nên ôm đồm hay lấn sân sang phần việc của các công ty CK hay các tổ chức khác trong điều kiện nguồn nhân lực rất khan hiếm và luôn bị chảy máu chất xám. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần quy định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi vị trí thực sự rõ ràng, tránh tình trạng đổ lỗi cho nhau và không tìm ra người chịu trách nhiệm chính. Có như vậy, những lỗi lầm sẽ ít xảy ra hơn và những người bị thiệt hại sẽ ít hơn, các cơ quan quản lý và Sở giao dịch CK sẽ làm tốt vai trò của mình hơn.

Trong trường hợp này, công chúng cũng nên thông cảm ở giai đoạn thị trường bùng nổ quá mức như hiện nay. Tuy nhiên, sự chịu đựng của các nhà đầu tư cũng chỉ có giới hạn, nếu không có điều chỉnh kịp thời từ cơ quan quản lý và điều hành thị trường.

* Chào ông Đoàn Đức Vịnh, tôi xin hỏi một số câu: 1. Thị trường chứng khoán VN là mội thị trường non trẻ, do vậy rất dễ bị tác động bởi những thông tin nhạy cảm như những thông tin có tính đầu cơ hoặc định hướng thị trường (trên thực tế đã có nhiều dạng thông tin kiểu này). Vậy theo ông thì các nhà đầu tư cá nhân cần phải ứng xử thế nào và Ủy ban Chứng khoán phải làm gì đối với thông tin đó? 2. Qua thực tế thị trường cho thấy các nhà đầu tư cá nhân VN thường có xu hướng theo chân các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông các cơ chế quản lý của ta có đảm bảo được rằng các nhà đầu tư lớn nước ngoài không thể núp danh nhà đầu tư trong nước? 3. Xin ông giải thích rõ các tiêu chuẩn để cổ phiếu được xếp vào danh sách bluechip. (Bùi Quốc Hiệu, 32 tuổi, Nam, P510b_A2_Thanh Công_Ba Đình HN, ktv)

- Ông Đoàn Đức Vịnh - Trưởng ban cố vấn Công ty CP Chứng khoán u Việt: 1. Theo tôi, trong trường hợp này, nhà đầu tư phải có tiêu chí đầu tư riêng cho mình, lắng nghe đa chiều, tổng hợp, phân tích và tự chủ trước các thông tin "nhạy cảm" để tránh bị lôi kéo theo tâm lý số đông. Để thành công trên TTCK, điều kiện cần và đủ cơ bản cho nhà đầu tư là: Thông tin, kinh nghiệm và nguồn vốn. UBCK hiện đã và đang thực hiện kiểm soát các thông tin dạng này. Tuy nhiên, để hạn chế đến mức cao hơn các thông tin có tính chất đầu cơ, UBCK cần có các hình thức chế tài cao hơn và có thông tư hướng dẫn cụ thể đến tất cả các tổ chức cũng như cá nhân trong và ngoài nước.

2. Thực tế có một lượng không nhỏ các nhà đầu tư trong nước mua bán theo quyết định mua bán của các nhà đầu tư nước ngoài. Yếu tố nước ngoài tham gia cũng được xem là một tiêu chuẩn đầu tư với kỳ vọng giá tăng. Nhà đầu tư nước ngoài có thể "núp bóng" nhà đầu tư trong nước, theo tôi, khả năng xảy ra lớn nhất nằm ở lý do một số công ty đã hết room dành cho nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy nhà đầu tư nước ngoài ủy thác cho nhà đầu tư trong nước mua bán CP. Việc này thì cơ quan quản lý có thể kiểm soát được.

3. Một cổ phiếu được gọi là bluechip dưới cách nhìn của tôi là: Cổ phiếu có tính thanh khoản cao và thị giá cao; có khối lượng CP niêm yết lớn và khối lượng giao dịch cao, ảnh hưởng đến VN-Index. Tuy nhiên khái niệm này chưa được định nghĩa đúng. Các tiêu chí để xem xét chưa có hệ thống. VD các CP như SSI, STB, PPC, DPM, PVD... cũng có thể gọi là bluechip.

Thanhnien Online
(thực hiện)

CHƯƠNG TRÌNH ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.