Trung Quốc tự định vị mình là người bảo vệ thương mại toàn cầu bằng cách nào?

13/04/2018 14:24 GMT+7

Mỹ vốn được xem là 'kiến trúc sư' kiến tạo nên các quy tắc chi phối kinh tế toàn cầu, nhưng bây giờ Trung Quốc đang tự định vị mình như người bảo vệ hệ thống thương mại tự do.

Khi Tổng thống Donald Trump gây áp lực buộc Trung Quốc phải thay đổi chính sách kinh doanh không công bằng đối với các doanh nghiệp nước ngoài, Bắc Kinh đã miêu tả hành động của Mỹ như một cuộc tấn công vào toàn bộ hệ thống thương mại quốc tế.
“Rõ ràng xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ là mâu thuẫn giữa tự do thương mại và chủ nghĩa bảo hộ. Nhiều quốc gia không thể chịu được cách hành động đơn phương của Mỹ trong vấn đề này”, trích trong một bài viết đăng trên tờ Nhân dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 10.4.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại nói rằng đó là một tình huống kỳ quái khi Trung Quốc tự cho mình là người bảo vệ thương mại, trong khi thực tế hành động của nước này dường như lại cho thấy điều ngược lại.
“Trung Quốc đang tìm cách để tự cho mình là người bảo vệ hệ thống thương mại dựa trên luật lệ, nhưng những hành vi của họ trong quá khứ đã làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu họ sẽ làm cách nào để thực sự theo đuổi tinh thần của luật pháp, chứ không phải chỉ là lời nói suông”, Mark Wu, giáo sư tại Trường Luật Harvard, nói.
Theo CNN, những nỗ lực của Bắc Kinh để khẳng định vai trò này lại được “phô diễn” lần thứ ba khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu về lợi ích của thương mại tự do và toàn cầu hóa đối với Trung Quốc cũng như toàn thế giới. Ông Tập nói các nước cần phải làm việc cùng nhau để thúc đẩy tự do thương mại và hỗ trợ “hệ thống thương mại đa phương”.
Trung Quốc lợi dụng các quy tắc của hệ thống
Trung Quốc có lý do chính đáng để bảo vệ nguyên trạng bối cảnh thương mại hiện tại. Như ông Tập đã nói trong bài phát biểu của mình, việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngoạn mục và giúp cho hàng triệu người dân nước này thoát khỏi đói nghèo.
Tuy nhiên, ông Trump thấy rằng lợi ích mà quốc gia châu Á có được cũng chính là mất mát của Mỹ. Tuần trước, trong động thái chỉ trích nhằm vào cơ quan quản lý quy tắc thương mại quốc tế, ông Trump nói rằng WTO đã mang lại “những đặc quyền to lớn” cho Trung Quốc và “không công bằng” đối với Mỹ.
Theo các chuyên gia, khi Trung Quốc ngày càng trở nên hội nhập hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu, nước này đã phải đi cùng với nhiều yêu cầu, song không phải tất cả. Ông Scott Kennedy, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington cho biết Bắc Kinh vẫn thường xuyên phá vỡ một số cam kết của mình và sử dụng những điểm còn chưa chặt chẽ trong hệ thống để tránh khỏi việc bị kiện cáo.
Mỹ phá bỏ các quy tắc của hệ thống
Rất nhiều lời chỉ trích của ông Trump đối với Trung Quốc đã phản ánh rõ nét những khiếu nại, phàn nàn từ phía các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài khi họ tham gia vào thị trường đông dân nhất thế giới. Nhưng thay vì xây dựng một liên minh rộng lớn, ông Trump lại quyết định không làm theo các thủ tục của WTO, từ bỏ nền tảng pháp lý cao, đơn phương đối phó với Bắc Kinh.
“Mặc dù Trung Quốc đã vi phạm mạnh mẽ các nghĩa vụ của họ đối với Mỹ dựa trên quy tắc của WTO trong suốt 16 năm qua, nhưng ông Trump đã đưa ra biện pháp xử lý những vi phạm của Trung Quốc chỉ trong vài ngày bằng cách áp đặt thuế nhôm, thép và đe dọa đánh thuế trừng phạt hàng hóa của nước này. Song, dù sao thì những động thái này đã phá bỏ hệ thống quy tắc của WTO”, Matt Gold, chuyên gia thương mại quốc tế tại Fordham University School of Law, cho hay.
Ông Trump cũng gây ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ trong thương mại tự do khi quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đe dọa sẽ chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
“Cách tiếp cận gay gắt của ông Trump có thể làm cho Trung Quốc thu hút thêm nhiều sự thông cảm”, ông Kennedy nhận định.
WTO “không trang bị” để đối phó với Trung Quốc
Chính quyền ông Trump mới đây đã gây áp lực lên WTO bằng cách định các cuộc gặp mới với tòa án tối cao của cơ quan này.
“Đó là cách để tấn công hệ thống, bạn đòi quyền thực thi luật để trừng phạt những người phá luật và bạn tấn công tòa án”, Chin Leng Lim, giáo sư luật chuyên về thương mại quốc tế tại Chinese University of Hong Kong, cho biết.
Một số chuyên gia cho rằng hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay thực sự không còn hiệu quả nữa.
“Vấn đề nằm ở chỗ các quy tắc hiện tại của WTO không được trang bị để đối phó với cấu trúc kinh tế của Trung Quốc, trong đó sự liên kết giữa nhà nước, Đảng Cộng sản Trung Quốc, các doanh nghiệp nhà nước và các công ty tư nhân không rõ ràng”, ông Wu nói.
Tuy nhiên, việc sửa đổi lại các quy tắc thương mại toàn cầu là nhiệm vụ rất khó vì nó đòi hỏi các thành viên WTO phải đạt được một thỏa thuận mới, điều mà họ đã không thể làm được trong suốt 16 năm qua.
Các nước khác “không muốn gây xáo trộn” thương mại
Tăng trưởng ngày càng tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phần nào giúp Trung Quốc chống lại những lời chỉ trích.
“Mặc dù các quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài bị hạn chế về nhập khẩu và đầu tư của Trung Quốc, nhưng quy mô, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nước này vẫn tạo ra rất nhiều cơ hội. Chính quyền Bắc Kinh cũng sẵn sàng ủng hộ những ai phù hợp với sự phát triển của nước họ. Do đó, hầu hết các chính phủ và công ty nước ngoài không muốn gây xáo trộn thương mại”, ông Kennedy nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để xây dựng sự tin cậy cho tuyên bố bảo vệ thương mại tự do.
“Trung Quốc vẫn bị tụt lại phía sau các cường quốc thương mại quan trọng khác trong việc giảm thuế quan và tự do hóa đầu tư. Nếu các hành động của Trung Quốc không nhất quán với lời nói, thì rất khó để thế giới hình dung ra viễn cảnh Trung Quốc thay thế Mỹ trong việc bảo vệ thương mại tự do dựa trên luật lệ”, ông Wu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.