Trung Quốc thúc đẩy thỏa thuận thương mại châu Á - Thái Bình Dương

10/11/2016 21:02 GMT+7

Động thái này đến sau khi chiến thắng của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump xóa tan hy vọng về sự hình thành của thỏa thuận thương mại do Mỹ dẫn đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Reuters, Bắc Kinh sẽ tìm kiếm sự ủng hộ cho một khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương do Trung Quốc dẫn đầu tại hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra ở Peru. Đây là nội dung thông báo được giới chức Đại lục đưa ra.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump thể hiện lập trường bảo hộ trong các vấn đề về thương mại. Ông gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama đang bảo vệ là “thảm họa”. Giờ đây, có rất ít cơ hội để TPP được xem xét thông qua ở Washington trước khi tỉ phú bất động sản nhậm chức vào tháng 1.
Ông Obama cho biết TPP, thỏa thuận thương mại không bao gồm Trung Quốc, là nỗ lực viết trước các quy tắc thương mại châu Á trước khi Bắc Kinh hành động. TPP là dấu hiệu thể hiện vị trí lãnh đạo kinh tế của Mỹ trong khu vực, là một phần “trục châu Á” của Tổng thống Obama.
Trong thông cáo sơ lược trước chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Peru vào ngày 19 và 20.11, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Li Baodong cảnh báo về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, cho hay khu vực hiện rất cần một thỏa thuận thương mại tự do và cần sớm nhất có thể.
“Chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đầu tư đang ngóc đầu dậy, châu Á - Thái Bình Dương đối mặt với đà tăng trưởng khu vực chưa hiệu quả cùng nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy cải cách. Trung Quốc tin rằng chúng ta cần sớm thiết lập kế hoạch làm việc mới, thực tế để tích cực ứng phó với sự kỳ vọng của ngành công nghiệp, duy trì đà tăng trưởng, thiết lập khu vực thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương”, ông Lý nói.
Ngoài Peru, ông Tập cũng có chuyến thăm nhà nước đến Chile và Ecuador trong đợt công du Mỹ La tinh kéo dài một tuần. Peru và Chile đều tham gia vào hiệp định đang đứng trước nguy cơ bất thành là TPP.
Trung Quốc từng đề xuất Khu vực Thương mại Tự do châu Á Thái Bình Dương (FTAAP) và thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hai yếu tố mà một số nhà quan sát cho là đối thủ cạnh tranh với TPP. RCEP có sự góp mặt của 10 nước thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, song không có Mỹ.
Bắc Kinh đã và đang lo ngại rằng Mỹ  sẽ dùng TPP để buộc nước này mở cửa các thị trường bằng cách ký tên tham gia, hoặc cô lập họ khỏi các nền kinh tế khác trong khu vực. Một số chuyên gia cho rằng chiến thắng bất ngờ của ông Trump, vốn khiến thỏa thuận TPP có nguy cơ lớn bất thành, là cơ hội Bắc Kinh nổi lên. Việc tỉ phú bất động sản đắc cử cũng mang đến sự thiếu chắc chắn lớn cho quan hệ Mỹ - Trung và sự cân bằng quyền lực trong khu vực.

tin liên quan

'Hãy giúp lao động Mỹ. Hãy thông qua TPP'
Bài viết dưới đây là góc nhìn của Michael R. Bloomberg và Thomas J. Donohue. Ông Michael R. Bloomberg là cựu Thị trưởng thành phố New York, nhà sáng lập kiêm chủ sở hữu phần lớn Bloomberg LP, công ty mẹ hãng tin Bloomberg.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.