Trung Quốc mua cảng lớn nhất Hy Lạp

12/08/2016 07:53 GMT+7

Doanh nghiệp Trung Quốc COSCO Shipping vừa hoàn thành thương vụ mua 51% cảng Hy Lạp Piraeus, trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát. Đây là cột mốc quan trọng trong sáng kiến Con đường tơ lụa mới.

Theo Russia Today, COSCO Shipping trả 311 triệu USD cho cổ phần đa số của họ tại cảng Piraeus, và có kế hoạch nâng số cổ phần nắm giữ lên 67% trong 5 năm tới. COSCO Shipping theo đó sẽ tiếp quản hoạt động và quản lý Piraeus.
“Dự án Piraeus đại diện cột mốc quan trọng trong dự án Một vành đai, Một con đường (phát kiến của Bắc Kinh nhằm tăng cường liên kết vận tải, thương mại với châu Âu) và sự phát triển, thịnh vượng của cảng sẽ thúc đẩy kinh tế đi lên ở cả Trung Quốc và Hy Lạp, mở ra kỷ nguyên mới của hợp tác thương mại, trao đổi văn hóa giữa phương Tây và phương Đông”, CEO COSCO Shipping Wan Min cho hay.
Cảng Piraeus là cửa ngõ vào châu Á, Đông Âu và Bắc Phi. Cảng phục vụ 16,8 triệu hành khách và 3,6 triệu container trong năm 2014. Chủ tịch hãng tư nhân hóa Hellenic Republic Asset Development Fund, ông Stergios Pitsiorlas, cho biết chuyện chốt thỏa thuận trên là một “thời điểm quan trọng”.
“Sự hợp tác tại cảng Piraeus không chỉ là sự hợp tác kinh tế mà còn có đặc điểm chiến lược. Hy Lạp, thông qua cảng Piraeus, thực sự có thể trở thành cửa ngõ vào châu Âu của Trung Quốc và cửa ngõ dẫn đến lợi ích của cả Trung Quốc và Hy Lạp”, ông Pitsiorlas nói với Tân Hoa xã.
Thỏa thuận bán hoạt động cảng Piraeus cho COSCO Shipping được ký ở Athens hồi tháng 4, trở thành đợt tư nhân hóa lớn thứ hai ở đất nước châu Âu kể từ năm ngoái.
Công ty nhà nước COSCO Shipping sẽ trả khoản phí vận hành cảng hằng năm cho Hy Lạp. Doanh nghiệp này hiện quản lý hoạt động của cảng container ở Piraeus theo thỏa thuận chuyển nhượng 35 năm mà hãng đã đạt vào năm 2009. Công ty đang đầu tư 230 triệu EUR để xây dựng cảng container thứ hai tại Piraeus, nơi được dự kiến trở thành trung tâm logistics cho hàng nhập khẩu Đại lục vào châu Âu.
Việc bán Piraeus là một phần trong những yêu cầu mà các chủ nợ của Hy Lạp đòi trước khi cung cấp gói cứu trợ 86 tỉ USD. Tuy nhiên, động thái này đi ngược với lời hứa tiền bầu cử của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, rằng sẽ không tư nhân hóa cơ sở hạ tầng quốc gia.
Tháng 8 năm ngoái, Athens thông qua thỏa thuận bàn giao hoạt động 14 sân bay khu vực cho một doanh nghiệp Đức. Hợp đồng 40 năm này có giá 1,23 tỉ USD, được trao cho hãng Fraport vốn đang vận hành sân bay Frankfurt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.