Trung Quốc có nhiều hơn một 'Thung lũng Silicon'

19/08/2017 09:43 GMT+7

Trung Quốc đã xây dựng 17 trung tâm công nghệ trên toàn quốc để chuyển đổi từ một nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất sang nền kinh tế công nghệ và đổi mới.

Khi Ben Hu và đối tác cũ của ông, người từng làm việc ở Google, muốn xây dựng một sản phẩm sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để phá vỡ hoàn toàn việc giảng dạy ngôn ngữ theo lối truyền thống, Hu đã không tìm đến Thung lũng Silicon của Mỹ, thay vào đó ông lựa chọn Thượng Hải để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Vào thời điểm đó, tại đô thị phát triển ở phía đông của Trung Quốc, Hu đã nhìn thấy viễn cảnh ứng dụng Liulishuo sử dụng AI để giúp học sinh học tiếng Anh theo nhu cầu của ông phát triển lớn mạnh và có được 600.000 người dùng trả phí, chỉ bốn năm sau khi nó được tung ra thị trường vào năm 2013.
Một sản phẩm điện toán đám mây của CloudMinds, một công ty công nghệ khởi nghiệp của Trung Quốc được giới thiệu tại một hội nghị ở Bắc Kinh Ảnh: Reuters
“Tôi thực sự tin tưởng vào công nghệ trí thông minh nhân tạo, đặc biệt khi Trung Quốc cung cấp cho các doanh nhân một cơ hội lớn để nhảy vọt so với các công ty ở Thung lũng Silicon”, ông Hu nói.
Thung lũng Silicon từ lâu được xem là thủ đô công nghệ của thế giới, nơi có những công ty công nghệ hùng mạnh nhất trên thế giới đặt trụ sở hoạt động như Facebook, Apple, Google, Netflix... Trong khi đó, Trung Quốc tuy không có một “Thung lũng Silicon” tập trung trong khuôn viên hơn 4.801km2  như ở Mỹ, nhưng họ đang rất tự tin vào 17 trung tâm công nghệ hiện nằm rải rác tại nhiều thành phố lớn trên khắp cả nước, trong đó đi đầu là Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến.
Theo Jenny Lee, quản lý đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm GGV Capital, trong khi chính phủ Mỹ không có nhiều sự can thiệp đối với Thung lũng Silicon, thì Bắc Kinh lại ra sức đưa ra các chính sách và biện pháp nhằm tạo ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghệ, nhất là trong những lĩnh vực đang có xu hướng nổi lên mạnh mẽ nhưng không được kiểm soát như xe tự lái, robot tự động hoặc máy bay không người lái.
“Ngoài các chính sách đã được quy định, hầu hết những người tham gia vào AI, không giới hạn từ chuyên gia cho đến người mới bắt đầu ở Trung Quốc đều nhận được sự hỗ trợ thường xuyên”, bà Lee nói.
Trung Quốc cũng đã tạo ra hơn 1.600 vườn ươm công nghệ cao trên khắp đất nước và hơn 20% của Quỹ An sinh Xã hội Quốc gia được phân bổ cho vốn đầu tư mạo hiểm và đầu tư cổ phần tư nhân. Matthew Graham, một nhà cố vấn đầu tư mạo hiểm, nói rằng chính những biện pháp của chính phủ đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi để Trung Quốc từ một nhà máy của thế giới dần trở thành cường quốc công nghệ cao.
Cùng với nhau, các “ông lớn” công nghệ của Đại lục bao gồm Baidu, Alibaba, Tencent và JD đã đạt số vốn hóa thị trường 950,35 tỉ USD, vượt qua tổng giá trị 665 tỉ USD của các công ty công nghệ toàn cầu như Intel, Cisco, Oracle và IBM. Nhóm các công ty tư nhân có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đã phát triển theo cấp số nhân trong vòng ba năm qua.
“Người ta có thể tranh luận về việc liệu Trung Quốc có sao chép Thung lũng Silicon hay không, nhưng những nỗ lực để xây dựng ngành công nghệ của nước này là không thể phủ nhận”, Tim Zanni, Chủ tịch Hiệp hội công nghệ và truyền thông KPMG, nhận xét.
Song, việc các công ty internet hàng đầu của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ trên sân nhà đang là nguyên nhân khiến cho hầu hết sản phẩm dịch vụ từ các công ty công nghệ khổng lồ ở Thung lũng Silicon bị chặn bởi “bức tường lửa”, đồng thời họ còn bị ép buộc phải hoạt động theo những quy tắc không giống với bất kỳ nước nào khác trên thế giới.
Theo South China Morning Post, một số nhà đầu tư mạo hiểm cho biết việc Trung Quốc tiếp tục hạn chế quyền truy cập và lưu lượng thông tin miễn phí trên internet, cũng như tình trạng thiếu các nghiên cứu khoa học chuyên sâu, điều rất cần thiết cho sự đổi mới công nghệ, có thể khiến cho nhiều doanh nhân và các chuyên gia trên toàn cầu e ngại bước vào một thị trường, nơi mà lợi thế sân chơi chỉ nghiêng về phía các doanh nghiệp địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.