Trồng nấm ở làng biển

05/01/2016 05:48 GMT+7

Nhờ chịu khó học hỏi, Lê Anh Quốc (27 tuổi) đã trồng thành công nấm ở làng chài ven biển, thu nhập ổn định 7 - 8 triệu đồng/tháng.

Nhờ chịu khó học hỏi, Lê Anh Quốc (27 tuổi) đã trồng thành công nấm ở làng chài ven biển, thu nhập ổn định 7 - 8 triệu đồng/tháng.

Anh Quốc giới thiệu về quy trình trồng nấm - Ảnh: Hoàng TrọngAnh Quốc giới thiệu về quy trình trồng nấm - Ảnh: Hoàng Trọng
Quê anh Quốc ở làng chài Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam, H.Hoài Nhơn, Bình Định. Đam mê từ khi còn đi học, nên năm 2010, khi vừa tốt nghiệp đại học ngành công nghệ sinh học, anh xin vào làm thuê cho một doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm. Một năm sau, anh về làng mượn của gia đình hơn 50 triệu đồng để đầu tư trồng nấm.
“Thời tiết, khí hậu mỗi nơi mỗi khác, nếu áp dụng quy trình của người ta vào làm nấm rơm trong điều kiện ở làng biển thì rất khó thành công. Phải qua vài lần làm nấm tôi mới rút ra được kinh nghiệm hấp rơm, cấy phôi nấm cho phù hợp điều kiện ở quê mình”, anh Quốc nói.
Sau hơn một năm vừa trồng nấm vừa học hỏi kinh nghiệm, anh Quốc quyết định chỉ trồng nấm rơm vào mùa nắng, còn mùa mưa thì chuyển sang nấm bào ngư. Cũng dùng nguyên liệu từ rơm khô nhưng quy trình trồng nấm bào ngư dễ hơn, không cần tự tạo phôi như nấm rơm mà mua phôi làm sẵn về cấy. Anh cũng chuyển sản xuất nấm từ ngoài trời vào trong nhà để ổn định nhiệt độ.
“Muốn làm nấm rơm, nấm bào ngư thành công thì phải chú trọng khâu chọn rơm. Nên chọn loại rơm khô, chưa lần nào bị ướt, bị úng, mốc. Nguồn nước tưới trong quá trình ủ rơm không nhiễm phèn, nhiễm mặn và ủ với tỷ lệ vôi hợp lý. Chọn nơi cung cấp phôi nấm đáng tin cậy, chất lượng đảm bảo”, anh Quốc chia sẻ và cho biết không hấp mà ủ rơm bằng vôi, nhiệt độ cao hơn sẽ khiến rơm mau mục và khử trùng trong rơm. Sau đó, ủ chất đống, khoảng 3 ngày thì đảo rơm 1 lần, nếu thấy rơm khô thì tưới thêm nước. Đến ngày thứ 10 - 12 thì tơi rơm, rồi cho vào bịch và cấy phôi nấm, dùng ni lông ủ lại. Khoảng 6 - 7 ngày sau thì dỡ ni lông ra, nếu thấy nước, nhiệt độ, độ ẩm không đạt thì tưới sương nước. Khoảng 1 tuần sau nữa thì nấm bắt đầu ra.
Mỗi năm anh Quốc làm 4 đợt nấm rơm và nấm bào ngư, bình quân mỗi đợt khoảng 2.000 bịch, thu hoạch khoảng 0,5 kg nấm/bịch. Với giá nấm rơm bán tại nhà bình quân 50.000 - 60.000 đồng/kg, nấm bào ngư 20.000 - 25.000 đồng/kg, mỗi tháng anh Quốc thu tối thiểu 7 - 8 triệu đồng. “Tuy nhu cầu tiêu dùng nấm rất lớn nhưng gia đình tôi chỉ làm nấm bán cho đầu mối nhỏ và bán lẻ nên chưa dám mở rộng sản xuất. Tôi đang tính làm bịch hút chân không để thời gian bảo quản nấm rơm, nấm bào ngư lâu hơn, có thể bán đi xa hơn. Trước mắt, tôi sẽ làm thêm nấm linh chi và mộc nhĩ vì hai loại này có thể phơi khô, giá thành cũng cao hơn”, anh Quốc cho biết.
Bài học về lập nhiệp
Theo anh Nguyễn Văn Minh, Bí thư Chi đoàn thôn Cửu Lợi Nam, Tam Quan Nam là xã ven biển, hầu hết thanh niên đều làm nghề đánh bắt hải sản, đi làm thuê nên mức thu nhập từ trồng nấm ổn định như của anh Quốc là điều mơ ước của nhiều người. “Ngoài số thanh niên đi biển, ở các làng chài còn có nhiều thanh niên tốt nghiệp ĐH, CĐ nhưng không xin được việc làm đúng chuyên ngành, phải đi làm thuê, làm công nhân... Vì vậy, việc anh Quốc mạnh dạn chọn hướng đi mới cho mình cũng là điều để các thanh niên khác học hỏi, suy nghĩ lại con đường tạo lập kinh tế”, anh Minh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.