Trên con đương xây dựng thương hiệu

20/12/2006 09:48 GMT+7

Ở Đà Nẵng, hầu hết doanh nghiệp (DN) ở dạng vừa và nhỏ, sản xuất và kinh doanh trong phạm vi hẹp. Hầu như có rất ít DN có đủ khả năng để xây dựng được hình ảnh riêng đối với người tiêu dùng (NTD), hầu như khái niệm hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn rất mơ hồ. Đa số mặt hàng xuất khẩu đều xuất qua nhà phân phối và sản phẩm mang nhãn mác của nhà phân phối hoặc xuất qua trung gian dưới dạng thô và gia công cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.

Đối với thị trường trong nước, DN Đà Nẵng chưa có nhiều thương hiệu mạnh để có thể cạnh tranh với hai đầu đất nước. Một số thương hiệu của Đà Nẵng tuy đã khẳng định được tên tuổi, được NTD cả nước biết đến như sản phẩm DRC, Hachiba, Danapha, Hotexco... chất lượng sản phẩm không thua kém các thương hiệu nổi tiếng khác, nhưng mức độ thâm nhập - ngay cả ở thị trường Đà Nẵng - vẫn chưa nhiều.

Một trong những nguyên nhân là do sự quảng bá thương hiệu chưa được quan tâm hoặc đầu tư đúng hướng. Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Phước Tiến thừa nhận : “Doanh số xuất khẩu của công ty mỗi năm đạt đến 7 triệu USD nhưng chúng tôi chưa có một quy trình xây dựng thương hiệu một cách chuyên nghiệp, bài bản. Bây giờ, để thâm nhập thị trường nội địa, chắc chắn, chúng tôi phải có kế hoạch để xây dựng được tên tuổi của công ty trong tâm trí NTD”.

Xây dựng thương hiệu theo kiểu giật gấu vá vai

Dù sản xuất kinh doanh trong nước hay xuất đi nước ngoài, bất cứ DN nào cũng đều ý thức rất rõ sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Song, việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi có sự đầu tư rất lớn về con người, thời gian và đặc biệt là tiền bạc. Với quy mô và năng lực hiện tại, các DN ở Đà Nẵng dù rất ý thức, rất quan tâm, thậm chí rất ‘nóng ruột” nhưng việc xây dựng và phát triển thương hiệu đều theo kiểu “giật gấu vá vai”.

Một thực tế khác: Khi chuyển qua cổ phần, DN phải đổi tên, điều đó, đồng nghĩa với việc bao công sức xây dựng hình ảnh, tên tuổi của công ty xem như đã “đổ sông, đổ biển”. Tên của công ty trước đây cứ chiếu theo chức năng, nhiệm vụ mà đặt, với những tên gọi đại loại như công ty dịch vụ phân bón, công ty sản xuất khoáng sản...Nghĩa là trong tâm trí NTD, một thương hiệu cho một sản phẩm cụ thể vẫn chưa  được cố công tạo dựng trong quá khứ.

Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, một tín hiệu vui

Việc xây dựng, phát triển thương hiệu của DN phải do DN tự làm và chỉ có DN làm mới thành công. Tuy nhiên, từ thực tế đặc thù, các DN ở Đà Nẵng cần rất nhiều sự hỗ trợ trên con đường xây dựng thương hiệu của mình. Đó là sự hỗ trợ trong việc đào tạo, huấn luyện, cung cấp thông tin, tư vấn cho DN về xây dựng và quảng bá thương hiệu. Hỗ trợ những DN đã có quy mô sản xuất ổn định để quảng bá hình ảnh chung sản phẩm của Đà Nẵng, thông qua việc tổ chức hỗ trợ DN tham gia các hội chợ triển lãm dưới hình thức khu vực hay gian hàng chung, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm của Đà Nẵng. Đặc biệt, là hỗ trợ quảng bá, khuyếch trương thương hiệu ngay tại thị trường Đà Nẵng và các tỉnh bạn. Khi sản phẩm của Đà Nẵng đã “chắc chân” tại thị trường nội địa, việc xuất khẩu các sản phẩm chủ lực sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, thành phố nên hỗ trợ DN tham gia vào Chương trình thương hiệu Quốc gia do Cục Xúc tiến chủ trì.

Một tín hiệu vui là vừa qua, Trung tâm Thông tin xúc tiến thương mại đã phối hợp với Sở Công Nghiệp làm việc với 4 DN được thành phố phê duyệt tham gia chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Mục đích của chương trình là tìm cách thức hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu cho các DN Đà Nẵng và mong muốn có những sản phẩm chủ lực.

Trong bối cảnh hội nhập, để xây dựng một thương hiệu có khả năng đứng vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi DN phải có cái nhìn chiến lược về xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu ngay từ thị trường trong nước, tiến tới một chiến lược tiếp cận bài bản, vươn ra thị trường thế giới.

Thu Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.