Tránh phải khiếu nại khi vay tiêu dùng

22/02/2016 07:00 GMT+7

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), năm 2015 tranh chấp về dịch vụ tín dụng tiêu dùng là một trong những nội dung khiếu nại được tiếp nhận nhiều và tiếp tục có xu hướng tăng cao.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), năm 2015 tranh chấp về dịch vụ tín dụng tiêu dùng là một trong những nội dung khiếu nại được tiếp nhận nhiều và tiếp tục có xu hướng tăng cao.

Vay tiêu dùng xảy ra nhiều tranh chấp - Ảnh: Ngọc ThắngVay tiêu dùng xảy ra nhiều tranh chấp - Ảnh: Ngọc Thắng
Nhập nhèm thông tin lãi suất
Cục Quản lý cạnh tranh nhận định, những hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (NTD) bao gồm nhân viên tư vấn có dấu hiệu cung cấp thông tin gây nhầm lẫn. Ví dụ, tư vấn mời chào ký hợp đồng với lãi suất thấp; có thể thanh lý hợp đồng bất kỳ thời điểm nào; thủ tục thanh lý đơn giản… trong khi thực tế không đúng như vậy, dẫn đến ra tranh chấp khi thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó, một số phản ánh của NTD cho thấy khi ký kết, nhân viên thường giải thích qua loa nội dung hợp đồng, sau đó nhanh chóng đề nghị NTD ký và hợp đồng sẽ được gửi qua địa chỉ bưu điện cho khách. Thậm chí theo một số khách hàng, trên hợp đồng đưa ký trước để trống phần lãi suất, đến khi được cung cấp hợp đồng sau khi đã ký họ mới phát hiện thông tin về mức lãi suất thường từ 6 - 6,5%/tháng, thay vì từ 1 - 2%/tháng như tư vấn ban đầu.
Những điều khoản cần đặc biệt lưu ý khi ký hợp đồng vay tiêu dùng là lãi suất vay; các khoản phí, chi phí khác như phí mua bảo hiểm cho khoản vay; lãi phạt; thời hạn trả nợ và phương thức trả nợ; điều kiện thanh lý hợp đồng hoặc hủy hợp đồng...

Đặc biệt, khi xảy ra tranh chấp, việc liên hệ và phản ánh tới đơn vị cung cấp dịch vụ rất khó khăn và tốn kém như tổng đài liên tục bận, lời thoại hướng dẫn rất dài, chỉ tiếp nhận phản ánh qua điện thoại, không hỗ trợ tiếp nhận trực tiếp tại văn phòng hoặc email… Việc kéo dài thời gian giải quyết như vậy sẽ phát sinh nhiều phức tạp, trong một số vụ việc làm tăng số tiền phạt mà người vay phải nộp. Đồng thời khi xảy ra tranh chấp, bản thân khách hàng, thậm chí là người thân, đồng nghiệp liên tục bị các số máy lạ gọi điện, nhắn tin từ sáng tới khuya để giục đóng tiền nợ. Rất nhiều cuộc gọi điện, nhắn tin bao gồm cả việc sử dụng từ ngữ "chợ búa", giang hồ để thách thức NTD...
Cân nhắc khi vay trả góp
Để tránh vướng phải kiện tụng, Cục Quản lý cạnh tranh lưu ý NTD cần cân nhắc trước khi tham gia vay tiêu dùng trả góp. Đồng thời lưu ý trước khi ký hợp đồng và lưu ý sau khi ký hợp đồng. Cụ thể, cân nhắc, tham khảo thông tin từ nhiều nguồn để lựa chọn đơn vị cho vay tiêu dùng. Hiện nay, có nhiều công ty tài chính cung cấp khoản vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản, thời gian nhanh gọn… Trước khi lựa chọn đơn vị cho vay, NTD có thể tham khảo thông tin về hoạt động của đơn vị thông qua website hoặc qua người thân, bạn bè. Đặc biệt, trước khi đặt bút ký hợp đồng vay tiền, NTD nên làm rõ những nội dung để đảm bảo đã hiểu rõ hợp đồng, tránh các trường hợp nhầm lẫn, bị tư vấn thông tin chưa đầy đủ, chính xác.
Một khi đã ký hợp đồng, các điều khoản, điều kiện quy định tại hợp đồng sẽ có giá trị ràng buộc trách nhiệm của NTD. Trong đó, một số điều khoản cần đặc biệt lưu ý như lãi suất vay; các khoản phí, chi phí khác như phí mua bảo hiểm cho khoản vay; lãi phạt; thời hạn trả nợ và phương thức trả nợ; điều kiện thanh lý hợp đồng hoặc hủy hợp đồng… Ngoài ra, sau khi ký hợp đồng, NTD nên kiểm tra lại các nội dung để nếu có gì sai thông báo ngay và thực hiện quyền hủy hợp đồng cũng như lưu giữ tất cả các hóa đơn, tài liệu chứng minh nghĩa vụ thanh toán nợ...
Liên hệ tổng đài miễn phí
Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định khi phát sinh tranh chấp, NTD có quyền yêu cầu bên cho vay giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại tại Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hoặc có thể liên hệ Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng miễn phí thuộc Cục Quản lý cạnh tranh: 18006838 để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.