Tranh cãi quy định về dự án nhà ở thương mại

08/05/2021 07:18 GMT+7

Trong khi Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và các doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ ách tắc cho dự án nhà ở thương mại sau khi Nghị định 30/2021 được ban hành, thì lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng quy định không gây khó.

Hiệp hội kêu tắc

Cuối tháng 4, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA) có công văn gửi Bộ Xây dựng kiến nghị khẩn trương tháo gỡ ách tắc đối với tất cả dự án nhà ở thương mại và dự án nhà ở xã hội, để tăng nguồn cung và kéo giảm giá nhà.
Theo đó, HoREA cho rằng Nghị định 99/2015 quy định chỉ có các trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất ở”, hoặc có đất khác nhưng “dính” với đất ở (bao gồm các trường hợp nhà đầu tư có 100% đất ở, hoặc có đất ở và các loại đất khác) thì mới được công nhận chủ đầu tư dự án.
Như vậy, trường hợp chủ đầu tư có hàng chục, hàng trăm héc ta đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, nhưng chỉ cần có “dính” theo vài chục mét vuông đất ở, thì cũng được công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở. Còn lại, tất cả các chủ đầu tư có quyền sử dụng đất khác, nhưng không “dính” với đất ở (như trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc đất phi nông nghiệp không có đất ở) thì không có quy định thủ tục lựa chọn chủ đầu tư.
“Một số quy định của pháp luật về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã cản trở sự phát triển bình thường của thị trường BĐS và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong 5 năm qua. Điều đó khiến cho hàng trăm dự án nhà ở thương mại trong cả nước không được công nhận chủ đầu tư do không có 100% đất ở, gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp từ khi luật Nhà ở có hiệu lực 1.7.2015 đến nay. Riêng TP.HCM tính đến tháng 9.2018 đã có 126 dự án nhà ở thương mại không được công nhận chủ đầu tư do không có 100% đất ở. Số lượng dự án bị “ách tắc” trên thực tế còn lớn hơn.
“Và đây cũng là một nguyên nhân làm sụt giảm nguồn cung dự án nhà ở, làm thiếu hụt sản phẩm nhà ở, giá nhà bị đẩy lên cao khiến người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư càng khó tạo lập nhà ở hơn”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng nói không!

Sau kiến nghị của HoREA, khi trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, lại khẳng định Nghị định 30 hoàn toàn không gây khó khăn hay cản trở doanh nghiệp, trái lại còn tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực tế khi phát triển nhà ở thương mại.
Theo ông Khởi, Nghị định 30 có 4 điểm mới được sửa đổi đáng ghi nhận gồm: các vấn đề liên quan đến phát triển nhà ở; quản lý nhà ở mà nổi bật là phí bảo trì; quản lý việc bán nhà thuộc sở hữu của nhà nước và thủ tục hành chính… quy định rất rõ về các trường hợp lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở… Không đồng tình với ý kiến này, HoREA ngày 3.5 tiếp tục gửi công văn đến Bộ Xây dựng khẳng định một số ý kiến của ông Khởi có tính chủ quan, tự suy diễn và chưa căn cứ đầy đủ các quy định của luật Đất đai 2013, luật Đầu tư 2020, luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, luật Kinh doanh BĐS 2014 và đã không thấu hiểu, không thấy hết các khó khăn, vướng mắc, ách tắc mà cộng đồng doanh nghiệp BĐS đã phải vất vả gánh chịu trong hơn 5 năm qua. HoREA đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến về việc ông Khởi cho rằng “Nghị định 30 giúp thanh lọc doanh nghiệp”, hay đây chỉ là ý kiến của cá nhân?
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhấn mạnh: Ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng “Nghị định 30 giúp thanh lọc doanh nghiệp” là không chuẩn xác. Chính thị trường sẽ thanh lọc các doanh nghiệp không có năng lực, không có uy tín thương hiệu, không có sức bền để chống chịu rủi ro. Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng có chính kiến không tán thành ý kiến rằng Nghị định 30 giúp thanh lọc doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.