'Trần nợ công quan trọng nhưng không phải tất cả'

22/10/2016 13:35 GMT+7

Trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội sáng 22.10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: ' trần nợ công quan trọng nhưng không phải tất cả. Khả năng trả nợ mới là quan trọng'.

Thưa Phó thủ tướng, trong đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ không đưa ra con số cụ thể cho bức tranh tái cơ cấu, nhưng trong đề án 2016 - 2020 đã định lượng khá cụ thể là cần 10 triệu tỉ đồng để thực hiện. Vì sao lần này có thể xác định rõ được như vậy?
Lần này chúng ta định lượng được, tất nhiên tất cả định lượng cũng là dự báo, cũng như kể cả đầu tư công, kế hoạch tài chính cũng là định hướng thôi, do chúng ta làm theo luật Đầu tư công, luật Ngân sách và làm kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Như vậy, cân đối được tổng thể hơn và có điều kiện để cân đối tổng thể. Còn trước đây chúng ta tính toán theo từng năm, bây giờ cân đối được cả 5 năm thì ước tính thuận lợi hơn.
Có thực tế là chúng ta tính toán, dự toán như thế nhưng hầu hết các dự án công trình đầu tư đều có vấn đề đội vốn rất lớn so với dự toán ban đầu. Chúng ta có lường trước tình huống này để tính vào chi phí đầu tư công không?
Từ trước đến nay và đặc biệt sau khi có Chỉ thị 1792 của Thủ tướng về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ (2011) thì Nhà nước, kể cả T.Ư và địa phương chỉ chịu trách nhiệm với phần nguồn vốn đã được duyệt, còn phần làm đội vốn thì người nào quyết định đầu tư người đó phải chịu trách nhiệm. Kỷ luật kỷ cương tài chính phải được xiết chặt.
Dứt khoát không nới trần nợ công
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển có nói về việc Chính phủ đề xuất khả năng phải nới trần nợ công lên 70% GDP vì chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% là quá sức?
Việc nới trần nợ công đã được bàn thảo khá nhiều trong các nhà quản lý và cả giới chuyên gia. Theo nguyên lý chung là nhà đã nghèo, đất nước đang khó khăn chưa có nhiều của ăn của để, thì phải đi vay để phát triển. Nhiều người cũng nói rằng các nước phát triển tỷ lệ nợ công lên tới 100%, thậm chí 200% mà tại sao Việt Nam cứ chốt 65%?
Việc này Chính phủ đã tính toán kỹ. Đúng là trần nợ công quan trọng nhưng không phải tất cả. Khả năng trả nợ mới là quan trọng. Thực tế theo thông lệ quốc tế, tỷ trọng nghĩa vụ của ngân sách nhà nước trên thu ngân sách 25% là giới hạn đã rất khó khăn. 2015 con số này là 27,4% kể cả phần trực tiếp chi trả nợ phần vay để đảo nợ, vì năm 2016 - 2017 là đỉnh nợ. Nếu anh nới trần nợ thì áp lực trả nợ sẽ lớn hơn rất nhiều. Do vậy để đảm bảo an toàn, bền vững nợ công thì dứt khoát chúng ta phải khống chế trần nợ công không được quá 65%, nợ chính phủ không được quá 55%, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% cho đến tận 2020. Đó là quyết tâm của Chính phủ và Chính phủ cũng trình Quốc hội quyết tâm như vậy. Dứt khoát không nới trần nợ công.
Để đảm bảo được nhu cầu phát triển phải có cơ chế huy động cao độ nguồn lực của xã hội. Mọi người vẫn nói kiều hối về vẫn nhiều, người dân tự kinh doanh cũng nhiều, vàng trong dân cũng còn lắm. Chính phủ đang đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Doanh nghiệp thành đạt nhiều lên thì đầu tư vào nhiều hơn. Môi trường kinh doanh tốt hơn thì người dân sẵn sàng bỏ vốn ra đầu tư kinh doanh. Làm sao để người dân yên tâm bỏ tiền ra kinh doanh. Một đồng Nhà nước bỏ ra chỉ có tác dụng đầu tư mồi thôi.
Tái cơ cấu đầu tư công phải nằm trong tái đầu tư thu chi ngân sách và bảo đảm bền vững an toàn nợ công và muốn như thế, ngân sách đầu tư của Nhà nước phải đầu tư vào những vấn đề thiết yếu quan trọng và thứ hai có tính chất làm mồi. Phải phấn đấu làm sao tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội giảm xuống thì đấy mới đạt mục tiêu tái đầu tư công. Thứ hai nữa là ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) cũng giảm, tức là hiệu quả đầu tư tăng lên.
Đó là hai mục tiêu đặt ra trong thời gian tới. Thứ hai là phải coi tiết kiệm là quốc sách, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Chúng ta cố gắng phấn đấu tăng thu để tăng chi nhưng chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế chứ không được để lại nợ cho đời sau. Vay nợ là trong khả năng trả nợ nên dứt khoát không nới trần nợ công.
Theo Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, việc chi vẫn thực hiện theo dự báo tăng trưởng, nhưng thực tế tăng trưởng lại dưới kịch bản nên nợ công vẫn tăng lên. Vấn đề này sẽ được khắc phục như thế nào?
Thực tế bội chi như năm nay Chính phủ đã chủ động đưa xuống mức rất thấp là 3,5%. Như vậy tổng nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản sẽ không được như các bộ ngành, địa phương mong muốn đâu. Chính phủ quyết tâm kiểm soát tổng bội chi tuyệt đối theo đúng con số Quốc hội đã quyết định, không được vượt số này.
Nhưng đúng như Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã nêu, nếu tổng số bội chi vẫn trong số Quốc hội quyết định nhưng tăng trưởng không đạt được thì là vấn đề. Hiện nay chúng ta dự báo là 4,6 triệu tỉ đồng (số GDP tuyệt đối) nhưng thực tế sẽ ở dưới con số đó. Do đó còn nguyên tắc bổ sung là nếu các địa phương mà giảm thu thì phải điều chỉnh giảm chi, cắt giảm những khoản chi không cần thiết.
Thứ hai là trong thời gian tới cũng phải phấn đấu tăng thêm ngân sách kể cả thu nội địa và thu thuế quan. Phải xiết chặt giá tính thuế thuế quan nhập khẩu, còn thu nội địa mở rộng cơ sở thuế bằng cách nâng dần tỷ trọng kinh tế phi chính thức đưa lên thành chính thức. Các hộ kinh doanh sẽ khuyến khích họ thành lập doanh nghiệp, tăng cường chế độ hoá đơn, chính từ trong lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.