Tràn ngập thuốc bảo vệ thực vật Trung Quốc ngoài danh mục

02/06/2009 00:35 GMT+7

TS Bùi Sỹ Doanh - Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, qua các đợt thanh tra đã phát hiện nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngoài danh mục cho phép sử dụng. Trong đó hầu hết là thuốc BVTV có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhãn mác được ghi bằng chữ Trung Quốc. Mời nghe đọc bài

TS Doanh cho biết: “Các loại thuốc đó không có hướng dẫn bằng tiếng Việt, không đưa ra liều lượng cụ thể, không có chỉ định sử dụng với cây trồng nào, sử dụng ở giai đoạn sinh trưởng và phát triển nào của cây hoặc hoa quả nên người nông dân sử dụng không đúng, sử dụng bừa bãi. Vì vậy, có thể để lại tồn dư gây ảnh hưởng tới nông sản đó và người tiêu dùng. Trong khi đó, nếu dùng thuốc ngoài danh mục cho phép sử dụng thì mức độ gây hại sẽ tăng lên không chỉ đối với cây trồng, nông dân phun rải thuốc, người sử dụng nông sản, mà cả với một số vi sinh vật và môi trường”.

Trong tháng 4.2009, TS Nguyễn Văn Khải (Hà Nội) đã tham gia một cuộc khảo sát về thuốc BVTV đang bày bán trên thị trường. Kết quả cho thấy, tại một số cửa hàng được khảo sát, có tới 30 - 70% lượng hàng là thuốc của Trung Quốc. TS Khải lưu ý: “Có nhiều loại thuốc mang tên Việt Nam nhưng trên thực tế chúng ta chưa sản xuất. Thực chất đó là thuốc BVTV sản xuất tại Trung Quốc”.

Nếu dùng thuốc ngoài danh mục cho phép sử dụng thì mức độ gây hại sẽ tăng lên không chỉ đối với cây trồng, nông dân phun rải thuốc, người sử dụng nông sản, mà cả với một số vi sinh vật và môi trường.
TS Bùi Sỹ Doanh

Báo cáo công tác thanh tra chuyên ngành của Cục BVTV năm 2008 chỉ rõ: qua kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV trên rau của 8.200 hộ thì có tới 1.458 hộ vi phạm. Trong đó, 3,56% số hộ sử dụng thuốc ngoài danh mục; 0,34% số hộ sử dụng thuốc cấm, 2,46% số hộ sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các nhà khoa học đã cảnh báo: việc sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép sử dụng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ là mối nguy hại lớn đối với sức khỏe con người và môi trường.

Hiện cả nước có trên 70 xưởng gia công, 150 doanh nghiệp kinh doanh, trên 20.000 cửa hàng buôn bán thuốc BVTV (trung bình mỗi tỉnh có từ 300 - 350 cửa hàng, tỉnh nhiều nhất có trên 1.000 cửa hàng) rải đều trên diện rộng, ở các xã, phường; vùng sâu, vùng xa nên việc quản lý rất khó khăn. Trong đó, riêng tại TP.HCM có quy mô lớn nhất nước, với 42 cơ sở gia công, sang chai, đóng gói, 275 cơ sở kinh doanh, thuốc BVTV chủ yếu nhập ngoại.

GS Lê Thị Nhâm Tuyết - Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển, dẫn kết quả điều tra do một nhóm các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cả nước có khoảng 15 - 20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc BVTV và 70% trong số này có triệu chứng ngộ độc. “Vụ Y tế dự phòng (Bộ Y tế) kết luận, ngộ độc thuốc BVTV là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại các bệnh viện, chỉ sau các bệnh cao huyết áp, bệnh phổi và tai nạn giao thông”, bà Tuyết nói.

Theo số liệu thống kê, nguồn thuốc trừ sâu được nhập khẩu nhiều nhất là: Trung Quốc trị giá trên 16 triệu USD, tiếp theo là Đức: 4,9 triệu USD, Thụy Sĩ: 4,8 triệu USD... Trong nhiều năm nay, thuốc BVTV nhập khẩu từ Trung Quốc luôn đứng đầu danh sách về số lượng, chưa kể các loại thuốc nhập lậu. Trong năm 2008, các tỉnh phía Nam đã thu giữ và đợi tiêu hủy gần 7 tấn và trên 2.600 lít thuốc BVTV độc hại. Ông Nguyễn Văn Thiệu - Phó chánh Thanh tra Cục BVTV - cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thuốc và nguyên liệu từ Trung Quốc để về chế biến, đóng gói lại, nên rất khó có thể thống kê thuốc của Trung Quốc chiếm lĩnh bao nhiêu trên thị trường”.

Trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia trong lĩnh vực thuốc BVTV chia sẻ: “Thuốc Trung Quốc chia ra làm 2 dạng, một là thuốc chính hãng của các công ty lớn có nhà máy tại Trung Quốc, hai là các loại thuốc giả, thuốc nhái từ các cơ sở khác của Trung Quốc nhập khẩu vào VN. Vì là thuốc giả nên giá cả rất rẻ, chất lượng lại không thể kiểm soát nên dễ dàng chiếm thị phần lớn ở VN”. Đại diện một công ty sản xuất, phân phối thuốc BVTV lớn ở TP.HCM cũng tiết lộ: “Tại thị trường các tỉnh phía Bắc, nông dân ham rẻ nên sử dụng thuốc Trung Quốc khá phổ biến. Mặc dù vậy, đối với các loại nông sản có giá trị cao thì nông dân không dám sử dụng thuốc Trung Quốc, ví dụ như đối với hoa, nếu sử dụng thuốc của Trung Quốc thì hoa héo rất nhanh”.

Xịt sâu, chết luôn khoai

Nông dân thấy rẻ thì mua

Trong nhiều ngày qua, tại khu vực thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, An Giang) xuất hiện nhiều xe đẩy, xe mô tô bán dạo thuốc BVTV với giá khá rẻ. Ông Lê Văn Năm (ngụ khu vực chợ Ba Chúc) nói: “Mấy người bán mặc áo có in tên mấy công ty thuốc trừ sâu, tự giới thiệu là người của công ty gì đó ở TP.HCM xuống bán thuốc sâu với giá ưu đãi, lại có tặng quà nữa. Họ còn cho thử thuốc với sâu, vừa bỏ thuốc vào là sâu chết liền nên chúng tôi mới mua vài bịch về xài”. Hỏi về nhãn mác thuốc, ông chỉ nhớ mập mờ rằng đó là chữ tiếng Tàu hay... chữ gì đó.

Thuốc BVTV có nguồn gốc từ Trung Quốc có thể gây hại lớn đến sức khỏe người nông dân - Ảnh: Tiến Trình


Ông Lê Công Tâm - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bạc Liêu - cho biết ở tỉnh này có nhiều đại lý bán “chui” một số loại thuốc BVTV có nguồn gốc từ Trung Quốc. Phổ biến nhất là thuốc diệt chuột và một số loại thuốc kích thích rau màu tăng trưởng nhanh. Năm 2008, tỉnh Bạc Liêu tung lực lượng kiểm tra liên tục và đã phát hiện, tịch thu một lượng lớn thuốc BVTV Trung Quốc không đảm bảo chất lượng, bị cấm nhập khẩu. Sau thời gian tạm lắng, nay thuốc BVTV Trung Quốc lại được người dân sử dụng tràn lan trên thị trường. Ông Tâm cũng thừa nhận, việc kiểm tra các cơ sở, đại lý kinh doanh thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, do nhiều người hám lợi đã lén lút mua, vận chuyển bằng đường thủy vào địa phương để bán.

Mới đây nhất, tại huyện Châu Phú, 24 hộ nông dân xã Mỹ Đức đã phát sốt sau khi phun thuốc trị bệnh đạo ôn cho lúa. Còn tại xã Đa Phước (huyện An Phú), nhiều nông dân trồng khoai cao cũng đã khốn đốn khi phun thuốc trừ bệnh nhưng kết quả là... diệt cả khoai. Tại ruộng của nông dân Nguyễn Văn Tạo (ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Đức, Châu Phú), sau khi tiến hành phun thuốc trừ bệnh đạo ôn cháy lá thì lúa bị vươn lóng cao gấp đôi so lúa bình thường, có thể gây thiệt hại về năng suất.

Ông Nguyễn Văn Thao, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú (An Giang), nói: “Thuốc BVTV sản xuất từ nguyên liệu nhập của Trung Quốc có giá rẻ, diệt nhanh, nên thời gian qua nông dân mình đã sử dụng nhiều. Nhưng vấn đề tôi lo ngại là các dư lượng thuốc hóa học để lại trên nông sản, trên người sử dụng, ở môi trường”.

Giá nào cũng có

Theo ông Đào Ngọc Trúc, Giám đốc marketing Công ty cổ phần hóa nông Lúa Vàng thì đa phần các công ty của Việt Nam hoạt động theo hai cách. Thứ nhất là một số công ty lớn có uy tín, họ nhập nguyên liệu về để pha chế lại. Số còn lại (chiếm đa số) do chưa đầu tư dây chuyền sản xuất nên chủ yếu nhập bán thành phẩm (thuốc đã được pha chế sẵn). Thuốc nhập về được chứa trong thùng phuy, chỉ cần vô chai, lọ rồi dán nhãn mác của mình lên và tung ra thị trường. “Thuốc BVTV Trung Quốc được sử dụng phổ biến ở thị trường trong nước vì “có đủ các mặt hàng, đáp ứng mọi mức giá”, ông Trúc giải thích. Cùng là thuốc Abamectin 2% nhưng giá trên thị trường dao động từ 12.000 đồng – 25.000 đồng/chai (100 cc). Nhiều công ty chiết khấu hoa hồng cho đại lý cấp 2 đến 30% – 50% giá sản phẩm; từ 10% – 15% cho đại lý cấp 1. Cần biết là có đến trên 60% quyết định mua hàng của nông dân là theo tư vấn của đại lý.

Anh N.V.H, một người kinh doanh thuốc BVTV (đề nghị giấu tên), cho biết: “Một số doanh nghiệp thậm chí còn khoán trắng cho các công ty nước ngoài. Họ gửi mẫu chai, lọ, nhãn, mác... của mình ra nước ngoài cho đối tác đóng chai luôn rồi nhập về”.

Chí Nhân - Trần Thanh Phong - Minh Tâm

Bùi trần - Quang Thuần

>> Những mối nguy từ hàng Trung Quốc 
>> Trái cây Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam
>> Tràn lan hàng thực phẩm không rõ hạn sử dụng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.