Trái cây Thái Lan nhập ồ ạt vào VN?

15/09/2017 08:03 GMT+7

Bộ Công thương cảnh báo trái cây nhập khẩu từ Thái Lan tăng mạnh, song Bộ NN-PTNT lại cho rằng có đến 90% lượng hoa quả Thái Lan nhập khẩu là tái xuất sang Trung Quốc.

18.000 tỉ đồng nhập trái cây Thái Lan?
Số liệu mới công bố của Bộ NN-PTNT cho thấy, giá trị nhập khẩu rau quả trong 8 tháng năm nay đạt 1,02 tỉ USD, tăng gần 94% so cùng kỳ. Đáng lưu ý, giá trị nhập khẩu rau quả từ Thái Lan tăng gấp 3,2 lần với tổng giá trị lên đến 18.000 tỉ đồng, chiếm hơn 60% tổng giá trị rau quả nhập vào VN.
Cần chấm dứt tình trạng mạnh bộ nào công bố số liệu riêng của bộ đó, sẽ khiến chính sách quản lý bị rối
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh

Lý giải nguyên nhân rau quả Thái Lan gia tăng vào VN, ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), cho rằng hàng hóa của Thái Lan và VN có sự tương đồng về cơ cấu, song sức cạnh tranh của VN kém hơn. “Việc giảm thuế nhập khẩu rau quả về 0% theo cam kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN đang gây áp lực lớn lên trái cây VN. Nhưng nếu nhiều mặt hàng trong nước có thể sản xuất được mà nhập khẩu lại tăng mạnh thì cơ quan quản lý cần chú tâm hơn”, ông Phương nhấn mạnh.
Tuy nhiên trong cuộc họp thường kỳ mới đây do Bộ NN-PTNT tổ chức vào đầu tháng 9, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng qua kiểm tra số liệu đầu nhập khẩu vào và đầu xuất khẩu đi qua các cửa khẩu phía nam và Lạng Sơn, cơ quan này nhận thấy lượng trái cây Thái Lan nhập vào VN như bòn bon, nhãn, măng cụt, mít, xoài... chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất. “90% lượng trái cây này chỉ tạm nhập từ Thái Lan vào VN để tái xuất sang thị trường Trung Quốc. Đó là lý do vì sao lượng hoa quả tươi từ Thái Lan sang VN tăng vọt trong thời gian gần đây”, ông Hoàng Trung nói.
Số liệu mỗi bộ mỗi khác
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng có sự nhầm lẫn về cách hiểu hay cách tính số liệu nhập khẩu ở đây. Bởi hàng hóa tạm nhập tái xuất không thể tính bao gồm trong số liệu hàng nhập. Cần phân định rõ, hàng nhập khẩu vào VN là dùng để sản xuất, chế biến ra thành phẩm để tiêu thụ trong nước và để xuất khẩu. Còn hàng tạm nhập tái xuất chỉ là quá cảnh tại VN, không đưa vào tiêu thụ trong nước, nên nói trái cây Thái Lan nhập khẩu mạnh vào VN mà có đến 90% được tái xuất là không đúng. Nếu nhập, chế biến, đóng hộp rồi xuất khẩu vẫn coi như hàng nhập khẩu. Còn nhập để tái xuất không phải là hàng nhập.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, nếu gộp hàng hóa tạm nhập tái xuất vào số liệu hàng nhập khẩu thì chúng ta giải thích thế nào về số liệu xuất khẩu hàng rau quả sang các nước. Đơn cử lượng hàng rau quả từ VN xuất đi Trung Quốc liệu có bao gồm rau quả của Thái Lan được tạm nhập vào VN không? Nếu theo cách tính số liệu hàng nhập như trên thì số liệu sẽ “lộn tùng phèo”, gây nguy hại cho công tác dự báo và quản lý thị trường xuất nhập khẩu rau quả. Ông Trinh cảnh báo, số liệu tính toán của các bộ hiện nay được công bố theo kiểu mạnh ai nấy làm là vô cùng nguy hiểm, thậm chí có không ít con số được “làm đẹp” cho báo cáo.
Ông Bùi Trinh đề nghị nên quy về một mối là Tổng cục Thống kê. Bởi nếu để Chính phủ tham khảo từng con số khác nhau của các bộ, rất khó có quyết sách đúng đắn. Chưa kể, nhiều cơ quan tính giá trị xuất nhập khẩu cũng khác nhau, chỉ theo một mức giá, không phân định là giá xuất phải theo giá FOB, nhập theo giá CIF...
Dẫn con số Thống kê xuất nhập khẩu giữa VN và Trung Quốc chênh nhau đến 20 tỉ USD được phát hiện cách đây 2 năm, chuyên gia Bùi Trinh nói thêm: “Cần có quy tắc thống kê riêng cho các bộ. Từ đó, cơ quan thống kê họp với các bộ, đưa ra con số cuối cùng để Chính phủ tham khảo. Cần chấm dứt tình trạng mạnh bộ nào công bố số liệu riêng của bộ đó, sẽ khiến chính sách quản lý bị rối và nguy hiểm hơn là chính sách được ban hành từ những số liệu không đúng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.