TP.HCM yêu cầu công an điều tra hành vi sử dụng tiền ảo

29/12/2017 17:10 GMT+7

Chiều 29.12, UBND TP.HCM phát đi thông báo về những chỉ đạo liên quan đến hành vi sử dụng các đồng tiền ảo thanh toán trên địa bàn…

Theo đó, chỉ đạo Công an thành phố phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công tác điều tra, phòng, chống các hành vi liên quan đến sử dụng các đồng tiền ảo trong thanh toán trên địa bàn.
Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Du lịch, Sở Giáo dục Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực phụ trách có liên quan đến việc sử dụng tiền ảo trong thanh toán; phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM; Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM có trách nhiệm phối hợp Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố chịu trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan đến việc sử dụng các đồng tiền ảo trong thanh toán trên địa bàn thành phố; thực hiện thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về thanh toán không dùng tiền mặt, không hợp pháp, bị cấm phát hành, cung ứng và sử dụng theo quy định; cập nhật và tham mưu UBND thành phố triển khai kịp thời các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc văn bản ban hành mới liên quan đến quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều thông tin đề cập đến bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác). Thực tế, dù không được xem là phương tiện thanh toán, nhưng với sự tăng/giảm giá liên tục trong thời gian ngắn đã thu hút sự quan tâm của nhiều người và có thể ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống xã hội của người dân.
UBND TP.HCM khuyến cáo người dân và doanh nghiệp nắm/hiểu rõ, hạn chế tối đa những rủi ro bất lợi ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Các tổ chức tín dụng, cũng như các đơn vị cung ứng dịch vụ không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Hiện nay, việc nghiên cứu và đề xuất ban hành các quy định pháp lý liên quan đến quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo đã được Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp thực hiện. Thời hạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ là tháng 8.2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.