TP.HCM sẽ chấm dứt khai thác nước ngầm

10/06/2021 06:22 GMT+7

Từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ tiến hành nhiều giải pháp hạn chế, tiến tới chấm dứt khai thác nước ngầm để giảm sụt lún, ô nhiễm nguồn nước.

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm.

Bắt đầu từ các khu chế xuất - công nghiệp

Theo kế hoạch thực hiện mà Sở TN-MT đã xây dựng, tham mưu, được UBND TP phê duyệt, trên cơ sở dữ liệu các công trình khai thác nước dưới đất TP đang quản lý, tiếp tục giảm khai thác nước dưới đất theo lộ trình tại Quyết định số 1242.
Cụ thể, đến năm 2025 sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất (nước ngầm) trên địa bàn TP từ hơn 700.000 m3/ngày xuống còn 100.000 m3/ngày. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ dừng cấp phép mới, dừng gia hạn giấy phép, giảm lưu lượng khai thác nước ngầm của các công trình hiện hữu của tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở danh sách các công trình khai thác nước dưới đất đã được cấp phép trước đây, thực hiện dừng cấp phép, giảm lưu lượng khai thác 74 công trình với tổng lưu lượng giảm khai thác 8.650 m3/ngày. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức dừng khai thác, sử dụng nước dưới đất, trám lấp giếng theo quy định nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất, hạn chế các nguy cơ do khai thác nước dưới đất gây ra; đảm bảo thực hiện giảm lượng khai thác nước dưới đất đối tượng hộ gia đình năm 2021 là 8.000 m3/ngày.
Để đạt mục tiêu này, TP đặt chỉ tiêu giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch dưới 18,93%, triển khai cấp nước sạch cho 100% người dân tại tất cả các quận, huyện và cải tạo cấu trúc mạng lưới chuyển tải và phân phối, phát triển hệ thống cấp nước thông minh...
Thực tế, kế hoạch giảm khai thác nước ngầm và trám lấp giếng khai thác nước ngầm trên địa bàn đã được UBND TP ban hành từ cuối tháng 3.2018. Thế nhưng đến nay, kết quả ghi nhận vẫn còn cách khá xa so với kỳ vọng. Theo số liệu từ Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO), trên địa bàn TP.HCM có khoảng 1,46 triệu đồng hồ nước nhưng hiện còn khoảng 124.500 chiếc có chỉ số tiêu thụ là 0 m3 - tức không sử dụng. Tương ứng, số liệu thống kê gần đây nhất về tình trạng sử dụng nước ngầm ở TP.HCM là 716.581 m3/ngày.
Để giảm khai thác nước ngầm, UBND TP yêu cầu lập tức giảm khai thác đối với đối tượng sử dụng nguồn nước ngầm trong các khu chế xuất - công nghiệp và đối tượng sử dụng nguồn nước ngầm bên ngoài các khu chế xuất - công nghiệp không phải hộ gia đình. Song song, ngừng khai thác các trạm tại các khu vực đã có mạng cấp nước của TP. UBND TP yêu cầu Sở TN-MT trong năm nay phải khảo sát và xác định các đối tượng khai thác nước ngầm, từ đó xây dựng giải pháp cho từng nhóm đối tượng cụ thể, bao gồm lộ trình chấm dứt khai thác và phương án hỗ trợ phù hợp.

Phải có chế tài mạnh

Việc khai thác nước ngầm quá mức được nhận định là một trong những nguyên nhân trực tiếp góp phần gây hiện tượng sụt lún, “biến dạng” mặt đất, khiến ngập úng ngày càng trầm trọng và khó khắc phục hơn tại TP.HCM. Tình trạng này đã được các nhà khoa học chỉ ra từ cách đây cả thập niên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Khảo sát của Sở TN-MT cho thấy, nhu cầu sử dụng nước ngầm không chỉ phổ biến ở khu vực ngoại thành mà trong nội thành, nhiều hộ gia đình cũng sử dụng nước ngầm từ hệ thống giếng khoan.
Ðáng lưu ý, nhiều nơi dù đã phủ kín hệ thống nước máy nhưng không ít hộ dân vẫn sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt hằng ngày. Đơn cử, tại xã Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn), mặc dù nguồn nước máy của Công ty cấp nước Trung An kéo về đây đã hơn 2 năm nhưng nhiều hộ dân vẫn duy trì hệ thống giếng khoan để lấy nước sử dụng trong sinh hoạt.
Không chỉ sụt lún, chất lượng nguồn nước tại TP.HCM cũng đang trong tình trạng báo động vì nhiễm bẩn từ khai thác nước ngầm. Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM qua thực hiện giám sát chất lượng các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM ghi nhận nhiều mẫu nước không đạt chất lượng, đa số rơi vào nhóm nước giếng do hộ dân tự khai thác.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Sở TN-MT thừa nhận hiện nay tình trạng người dân tự ý khai thác nước ngầm, đào giếng khoan vẫn còn nhiều, khó kiểm soát. Từ năm 2018, khi UBND TP ban hành kế hoạch giảm khai thác nước ngầm và trám lấp giếng khai thác nước ngầm, các công ty cấp nước đã phối hợp với lãnh đạo địa phương xuống tận nơi nhắc nhở, tuyên truyền, thậm chí lấp giếng miễn phí cho một số hộ nhưng tại nhiều khu vực, người dân vẫn lén đào giếng, hút nước ngầm. “Muốn cấm thì phải có chế tài cụ thể, thậm chí xử lý hình sự, chứ phạt tiền thôi cũng không ăn thua. Cứ sợ đụng chạm đến dân nghèo nhưng thực chất khai thác nước ngầm tràn lan, người nghèo mới là đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất. Không chỉ TP.HCM mà trên cả nước, cần có chính sách cấm khai thác nước ngầm từ Chính phủ, áp dụng rộng rãi với cả nước để giải quyết triệt để tình trạng này”, vị này đề xuất.
Đồng tình, TS Lê Việt Phú (ĐH Fulbright) cho rằng không chỉ tại TP.HCM mà trên phạm vi cả nước, hoàn toàn có thể cấm khai thác nước ngầm bằng nhiều chính sách, cũng giống như bắt đội mũ bảo hiểm. Vấn đề chỉ là có giải pháp thay thế như xây dựng đường ống nước sinh hoạt, còn lại là giáo dục cho người dân biết tác hại, đồng thời giám sát chặt, phạt tiền hay phạt tù với hành vi khai thác trái phép.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.