TP.HCM: Bộ GTVT cần làm rõ rủi ro khi giới hạn công suất Tân Sơn Nhất

13/03/2018 17:26 GMT+7

TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị làm rõ vì sao giới hạn công suất Tân Sơn Nhất ở mức 50 triệu khách/năm vào 2025 và những thiệt hại sẽ xảy ra trong trường hợp Long Thành rủi ro trễ hạn.

Trong văn bản tham gia ý kiến về phương án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất gửi Bộ GTVT mới đây, TP.HCM đề nghị Bộ GTVT yêu cầu Công ty tư vấn Pháp ADPi làm rõ dự báo nhu cầu vận chuyển khách cho Tân Sơn Nhất và Long Thành ít nhất cho giai đoạn 2017 - 2035.
Lý do, theo TP.HCM, căn cứ mức tăng sản lượng vận chuyển hành khách 16%/năm giai đoạn 2015 - 2020 và 8 %/năm giai đoạn 2020 - 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, nhu cầu vận chuyển hành khách của Tân Sơn Nhất đến năm 2025 là 83 triệu khách/năm và đến năm 2030 đạt 121 triệu khách/năm. Theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) với Tân Sơn Nhất (khoảng 12,6%/năm), thì nhu cầu vận chuyển khách dự kiến của Tân Sơn Nhất đến năm 2025 đạt khoảng 78 triệu khách/năm.
Báo cáo của Nhóm nghiên cứu TP.HCM cho biết, nhu cầu vận chuyển hành khách dự kiến của Tân Sơn Nhất đến 2025 đạt khoảng 78 triệu khách/năm và đến 2030 đạt khoảng 110 triệu khách/năm.
Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Công ty tư vấn Pháp ADPi, công suất dự kiến của Tân Sơn Nhất đến 2025 chỉ là 50 triệu khách/năm và giữ nguyên cho các năm sau đó, là thấp hơn nhiều so với các dự báo trên.
Vì thế, TP.HCM đề nghị Bộ GTVT yêu cầu tư vấn ADPi làm rõ dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách hàng không của khu vực phía Nam, đồng bộ giữa nhu cầu của Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành. Trong trường hợp giới hạn công suất của Tân Sơn Nhất là 50 triệu khách/năm, Bộ GTVT cần xác định chính xác thời gian mãn tải của Tân Sơn Nhất, từ đó đề xuất các phương án khai thác sân bay quốc tế trong khu vực như Long Thành, Cần Thơ...
Đặc biệt, Bộ GTVT cần phân tích chi tiết các rủi ro nếu trường hợp Long Thành, Cần Thơ không đáp ứng theo tiến độ yêu cầu về thời gian mãn tải của Tân Sơn Nhất, nhất là rủi ro trễ hạn của sân bay Long Thành.
Cũng theo UBND TP.HCM, dự báo của nhóm nghiên cứu TP.HCM cho thấy, Tân Sơn Nhất sẽ đạt công suất khai thác khoảng 50 triệu khách vào năm 2021, nếu tiến hành mở thêm một nhà ga ở phía Nam vào năm 2018 - 2019.
“Phải xác định số lượng hành khách không được đáp ứng nhu cầu vận chuyển khi giới hạn công suất Tân Sơn Nhất ở mức 50 triệu khách/năm, các thiệt hại cho nền kinh tế, đưa ra giải pháp với các hành khách không được đáp ứng nhu cầu để giảm thiệt hại cho nền kinh tế”, TP.HCM đề nghị.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cho rằng, tư vấn ADPi chưa so sánh lợi ích kinh tế các phương án mở rộng Tân Sơn Nhất. Vì vậy, Bộ GTVT cần xác định chi phí của từng phương án mở rộng, gồm chi phí mở rộng trong cảng và đấu nối hạ tầng kỹ thuật ngoài cảng như giao thông, thoát nước, cấp nước... TP.HCM cũng đề nghị làm rõ tính khả thi và kinh tế của phương án kết nối giao thông phía Nam với TP.HCM khi công suất Tân Sơn Nhất đạt 50 triệu khách/năm.
Trước đó, tư vấn ADPi đề xuất thêm tuyến đường Skyline Airport Passenger Transportation (đường sắt vận chuyển hành khách hàng không) đi qua đường Trường Sơn - công viên Gia Định - Cộng Hoà kết nối nhà ga T1, T2 và T3, đường kết nối nhanh từ nhà ga vào trung tâm thành phố qua đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Tổng chi phí cho phương án này lên tới 35.000 tỉ đồng, nhưng TP.HCM cho biết nguồn vốn đang khó khăn, Bộ GTVT cần kiến nghị Chính phủ cơ chế hỗ trợ cho TP.HCM nguồn vốn thực hiện.
Thành phố này cũng cho rằng hướng tuyến như đề xuất của tư vấn không khả thi, cần điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch giao thông hiện có của thành phố, cũng như quy hoạch thoát nước, chống ngập cho Tân Sơn Nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.