Tổng Liên đoàn Lao động bất ngờ đề nghị tăng lương tối thiểu 14,4%

06/10/2015 14:15 GMT+7

(TNO) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn gửi Thủ tướng đề nghị xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 thấp nhất là 14,4%.

(TNO) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn gửi Thủ tướng đề nghị xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 thấp nhất là 14,4%.

tang-luongTổng Liên đoàn Lao động đề xuất mức tăng 14,4% vì muốn động viên công nhân lao động thi đua sản xuất
- Ảnh: T.Hằng
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ), vừa qua Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp, bỏ phiếu thông qua phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%. Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ chưa đồng tình với mức điều chỉnh trên và ngày hôm qua 5.10, đại diện của người lao động đã đề nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 thấp nhất cũng bằng mức tăng năm 2015. Lý giải về mức tăng 14,4%, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ đưa ra 4 lý do:
Thứ nhất, tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2015 đã khởi sắc, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã có sự tăng trưởng cao, GDP đạt 6,5%. Dự báo kinh tế xã hội 2016 có nhiều triển vọng và thuận lợi hơn năm 2015, mức tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,8%. Kinh tế tăng trưởng và phát triển cao hơn, nhưng tiền lương tối thiểu điều chỉnh tăng thấp hơn là hoàn toàn không hợp lý và người lao động khó có thể chấp nhận.
“Năm 2013, 2014, kinh tế nước ta rất khó khăn, tăng trưởng GDP là 5,4 và 6% nhưng Chính phủ vẫn điều chỉnh lương tối thiểu tăng tương ứng là 17,3% và 15,2%. Năm 2016, kinh tế được dự báo là có nhiều triển vọng, tăng trưởng cao hơn năm 2015 và các năm trước đó”, ông Tùng nói.
Một lý do khác được Tổng LĐLĐ đưa ra để bảo vệ quan điểm của mình, là Điều 91 bộ luật Lao động quy định: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.
Tại cuộc làm việc giữa Tổng LĐLĐ, Bộ LĐ-TB-XH với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Bộ LĐ-TB-XH đã cam kết với ILO về việc thực hiện đầy đủ Điều 91 kể trên vào năm 2017. Do đó, Tổng LĐLĐ đề nghị điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2016 lên 14,4% để thực hiện nghiêm túc quy định của luật Lao động và thực hiện lộ trình đến 2017, tiền lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu và cũng là bước chuẩn bị cho việc thực hiện Điều 89 luật Bảo hiểm xã hội vào năm 2018.
Lý do thứ ba lý giải cho đề nghị trên của Tổng LĐLĐ là đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn. Theo điều tra của Tổng LĐLĐ, có 19,9% người lao động cho biết tiền lương hiện nay không đủ sống; 72% người lao động cho biết phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm mới đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 8% người lao động có tích lũy. Điều này lý giải tại sao có 62% số lao động Việt Nam phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống.
Lý do cuối cùng là khả năng chi trả của doanh nghiệp. Hiện nay trong thực tế, doanh nghiệp đã chi trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 20 - 40%. Qua báo cáo của các cơ quan thuế cho biết, chi phí tiền lương hợp lý để xác định tính thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền lương thực chi cho người lao động đã cao hơn 1,5 lần tiền lương tối thiểu.
Về ý kiến của doanh nghiệp cho rằng năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, nên mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu cũng phải thấp tương ứng. Theo Tổng LĐLĐ, một khi tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu thì rất khó có thể yêu cầu người lao động làm việc với năng suất cao và chất lượng tốt.
“Với những lý do trên, Tổng LĐLĐ kính đề nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu 2016 thấp nhất là 14,4% tương đương mức tăng năm 2015, để động viên công nhân lao động thi đua lao động sản xuất với năng suất cao, chất lượng tốt, đồng hành cùng doanh nghiệp phấn đấu vượt tiến độ, về trước kế hoạch lập thành tích chào mừng Đại Hội Thi đua yêu nước toàn quốc và Đại Hội 12 của Đảng”, Tổng LĐLĐ kiến nghị.
Trước đó, Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và Tiểu ban nhân lực và đào tạo vừa có thư gửi Thủ tướng kiến nghị Chính phủ cân nhắc mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 là 12,4%. Các đơn vị trên cho rằng, mức tăng này sẽ ảnh hưởng tới tăng chi phí sản xuất, đội giá thành sản phẩm, khả năng cạnh tranh tồn tại của doanh nghiệp và có nguy cơ nhiều doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động, cơ cấu lại nguồn lao động khiến một bộ phận lớn lao động mất việc.
Dự kiến, mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 sẽ được Thủ tướng quyết định trong tháng10 này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.