Tôn nhái tràn ngập miền quê - Kỳ 2: Phù phép tôn Trung Quốc thành tôn chính hãng

18/06/2015 06:16 GMT+7

Nhiều nhà máy sản xuất, chủ cơ sở trong nước ngang nhiên nhập tôn thép Trung Quốc chất lượng kém, thiếu dem (độ dày) rồi in phun nhãn mác hàng chính hãng của VN như Hoa Sen, Thăng Long, Phương Nam... sản xuất để bán kiếm lời.

Nhiều nhà máy sản xuất, chủ cơ sở trong nước ngang nhiên nhập tôn thép Trung Quốc chất lượng kém, thiếu dem (độ dày) rồi in phun nhãn mác hàng chính hãng của VN như Hoa Sen, Thăng Long, Phương Nam... sản xuất để bán kiếm lời.

Nhà máy sản xuất tôn này có thể “bắn” tên thương hiệu nổi tiếng lên tôn Trung Quốc Nhà máy sản xuất tôn này có thể “bắn” tên thương hiệu nổi tiếng lên tôn Trung Quốc - Ảnh: Nam Anh

In thương hiệu theo... yêu cầu

Trong vai một chủ thầu công trình xây dựng xưởng sản xuất, muốn nhập loại tôn rẻ tiền nhưng lại có gắn nhãn mác của các hãng nổi tiếng, chúng tôi đã tiếp cận những nhà máy sản xuất tôn nằm ở cụm khu công nghiệp Kiền Bái (H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng).

Tại nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Thắng Thanh, chúng tôi được dẫn đi xem một lượt quanh cơ sở, trước khi chọn mua tôn. Ở đây có rất nhiều loại máy hiện đại phục vụ cho việc sản xuất tôn nhái như máy cán, máy dập sóng, máy in phun nhãn mác, máy cắt theo độ dài tùy ý... Số lượng nhân công phục vụ cũng lên tới hàng chục người. Quản lý tại nhà máy sản xuất tôn Thắng Thanh cho hay: “Ở đây có mấy loại tôn. Tôn mềm là hàng của Trung Quốc, khách hàng muốn in thương hiệu theo yêu cầu thì chúng tôi đáp ứng. In thương hiệu Hoa Sen, Thăng Long,... hay gì cũng được”. Chưa hết, ngoài việc in phun tên thương hiệu, nhãn mác hàng chính hãng, nhà máy này còn “phù phép” từ tôn mỏng, thiếu dem, thành tôn đạt chuẩn theo đúng yêu cầu của khách hàng.

Qua tìm hiểu, tôn được nhà máy nhập về nguyên trạng là từng cuộn với trọng lượng hàng tấn. Trên những cuộn tôn này chưa hề in phun các thông số kỹ thuật như tôn của các nhà máy chính hãng trong nước; chỉ tới khi có khách hàng đặt mua thì các cơ sở làm nhái mới cho nhân công đo đạc, cắt trước khi cho từng tấm tôn lên máy để in phun tên sản phẩm, nhái theo thương hiệu, cũng như thông số kỹ thuật của hàng chính hãng.

 Ăn gian độ dày

Thông thường, sai số cho phép về độ dày tôn là +-0,02 mm. Tuy nhiên, rất nhiều nhà máy, cơ sở xuất tôn trên địa bàn TP.Hải Phòng đều bán sản phẩm có độ sai số lên gấp đôi, gấp ba lần.

Anh T.X.Đ (giám đốc một công ty xây dựng lớn ở Hải Phòng) nói: “Các cửa hàng sẽ có xưởng với máy cán, máy dập sóng. Họ mua tôn Trung Quốc về rồi thích in chữ gì, đôn dem thế nào đều được hết. Người mua muốn kiểm tra phải có thước palmer, nếu không sẽ bị lừa ngay”. Còn một chủ thầu xây dựng ở Q.Hồng Bàng (TP.Hải Phòng) lại cho biết: “Thường thì người đi mua sẽ yêu cầu cửa hàng đôn dem để ăn chênh giá hoặc in các thương hiệu như Hoa Sen, Thăng Long, Phương Nam,...”.

Tại cửa hàng tôn Đức Thuận ở số 564 Nguyễn Văn Linh (khu vực được coi là thánh địa tôn nhái của Hải Phòng), sắm vai một chủ công trình ở cảng Đình Vũ chúng tôi đề cập muốn dùng tôn Trung Quốc giá rẻ để nhái thành tôn Thăng Long, chủ cửa hàng một mực từ chối nhưng lại “tư vấn” cho chúng tôi đôn dem để ăn chênh lệch. Người này đưa ra bảng giá tôn Hoa Sen và giải thích: “Các em ăn chênh giá đôn dem có phải dễ và nhanh hơn không. Ví dụ em mua loại 0,3 mm, trọng lượng 2,55 kg với giá 61.000 đồng/m2 nhưng trên tôn sẽ ghi là 0,4 có giá 77.000 đồng/m2. Như vậy mỗi m2 ăn chênh được 16.000 đồng”.

Còn tại cửa hàng Trọng Hạnh ở số 482 Nguyễn Văn Linh, chúng tôi cũng nhận được lời từ chối không in tên hãng lên tôn Trung Quốc nhưng cũng nhận được gợi ý về việc ăn gian độ dày tôn. Nhìn chung, các cửa hàng tôn trên đường Nguyễn Văn Linh tỏ ra khá cảnh giác trong việc in tên hãng khác lên tôn Trung Quốc giá rẻ và thường từ chối với những khách hàng lần đầu đến mua hàng... Tuy nhiên, với những đại lý cho một số loại tôn chính hãng thì việc gian lận, bán tôn nhái vẫn diễn ra.

  Cơ quan chức năng “bó tay” ?

Trước thực trạng nạn tôn nhái chất lượng kém đang diễn ra tràn lan trên thị trường, các doanh nghiệp trong ngành tôn thép đã nỗ lực hành động để chống nạn hàng giả hàng nhái như truyền thông về cách phân biệt tôn giả tôn thật, đầu tư số tiền lớn vào việc xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ sâu rộng để khuyến khích người dân mua tôn chính hãng như Tôn Hoa Sen, Tôn Phương Nam...  vậy còn về phía các cơ quan quản lý thì sao? Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Đức Dương, Phó giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Nam Định, cho biết đến nay chi cục này chưa từng bắt được vụ tôn nhái, tôn giả, tôn kém chất lượng nào. Chi cục này cũng chưa có cuộc kiểm tra chuyên đề nào về vấn đề tôn nhái, tôn giả chất lượng kém. Giải thích lý do buông lỏng thị trường này, ông Dương cho biết vì chính lực lượng QLTT cũng không nắm được những thông số kỹ thuật của các loại tôn nên cũng không biết đâu là thật, giả, tôn nhái kém chất lượng. Quan trọng hơn, theo ông Dương thì chính các hãng tôn bị làm giả phải có kiến nghị với cơ quan chức năng, thậm chí phải hỗ trợ thông tin và cách phân biệt thật, giả của sản phẩm... “Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa nhận bất kỳ kiến nghị nào từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tôn lợp”, ông Dương giải thích.

Còn ông Đào Văn Long, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng cho biết: “Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã có nhiều đợt kiểm tra tình trạng làm tôn giả, in giả nhãn hiệu nhưng chưa phát hiện ra. Còn việc gian lận độ dày của tôn là có. Tuy nhiên việc xử lý vấn đề này còn khó vì thiếu nhiều bằng chứng. Các cửa hàng thường chỉ ghi hóa đơn theo chiều dài, chứ không ghi độ dày của tôn. Thêm nữa, chế tài xử lý sự chênh lệch độ dày của tôn đang có nhiều hạn chế”.

Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin phản ảnh của Báo Thanh Niên để vào cuộc xử lý triệt để tình trạng tôn giả, tôn nhái chất lượng kém.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.