Tokyo sắp dùng điện do Mông Cổ sản xuất

08/06/2017 17:04 GMT+7

Buổi tối ở thủ đô Nhật Bản có thể sớm được thắp sáng bằng điện dẫn từ một quốc gia cách đó hơn 2.735 km.

Theo Bloomberg, đèn của các cửa hàng và quán bar cao cấp ở khu Ginza thuộc Tokyo có thể sẽ được thắp sáng nhờ điện than được sản xuất cách đó 2.735 km. Điện lưới đi qua đường dây cao áp trên sa mạc và dưới biển.
Đây là ý tưởng đằng sau các kế hoạch siêu lưới điện ở châu Á. Cụ thể, các kế hoạch cung ứng điện dẫn điện từ những nơi có ít người song lại có nhiều gió, mặt trời và nhiên liệu hóa thạch đến các trung tâm, thành phố đông dân ở xa nhưng đang thiếu điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Mông Cổ là nước đang rất háo hức tận dụng nhiều hơn nguồn tài nguyên phong phú và khôi phục nền kinh tế trì trệ. Nước này đặt mục tiêu hiện thực hóa viễn cảnh trên qua một trong các dự án năng lượng tham vọng nhất thế giới.
Giám đốc dự án Tamir Batsaikhan của hãng Shivee Energy Complex cho hay quốc gia không giáp biển trên đang cân nhắc kế hoạch xây dựng nhà máy điện than, điện gió và điện mặt trời có thể cung cấp điện đến Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây chỉ là một gợi ý về cách kết nối các thị trường năng lượng trên khắp châu Á, nơi nhu cầu được BMI Reasearch dự báo là tăng 3,5%/năm đến năm 2026.
Giám đốc nghiên cứu Simon Powell thuộc UBS Group cho hay: “Không phải là không thể xây dựng mạng lưới điện châu Á, song có một số khó khăn nhất định”. Dù các nền kinh tế lớn nhất khu vực sẵn sàng hỗ trợ dự án, thách thức trong việc tải điện từ nước này sang nước khác, sự khác biệt trong số volt đến giá cả là vài lý do khiến tầm nhìn của Mông Cổ có thể chỉ là giấc mơ.
State Grid, một trong những nhà phân phối điện lớn nhất thế giới, cùng Tập đoàn Softbank của Nhật Bản, các đối tác ở Hàn Quốc, Nga là vài trong số nhiều động lực chính đằng sau ý tưởng mới nhất là phát triển mạng lưới điện ở khu vực Đông Bắc Á. Cựu chủ tịch State Grid Liu Zhenya cách đây hai năm còn đưa ra kế hoạch xây dựng mạng lưới tải điện toàn cầu, từ châu lục này sang châu lục khác, vào năm 2050 với chi phí xây dựng 50.000 tỉ USD.
Giới chuyên gia cho hay nhu cầu năng lượng của con người trong ba thập niên tới sẽ tăng rất mạnh. Kỹ sư trưởng Zhang Qiping của hãng GEIDCO hồi tháng 11.2016 cho hay Trung Quốc có thể xuất khẩu năng lượng dư thừa sang Ấn Độ, Đông Nam Á. Mạng lưới năng lượng toàn cầu cũng kết hợp với phát kiến “Một vành đai, một con đường” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra. Phát kiến trên kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi thông qua đầu tư cùng cơ sở hạ tầng.

tin liên quan

Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục
Ngày 1.6.2017, công suất tiêu thụ điện lên đến mức 29.306 MW, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày là hơn 606 triệu kWh. Đây là các số liệu ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay của hệ thống điện toàn quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.