Tín dụng thuế cứu doanh nghiệp

21/04/2012 03:16 GMT+7

Chính sách giảm và giãn thuế thu nhập DN hiện đang áp dụng đối với DN nhỏ và vừa, không có mấy ý nghĩa trong thực tế.

Chính sách giảm và giãn thuế thu nhập DN hiện đang áp dụng đối với DN nhỏ và vừa, không có mấy ý nghĩa trong thực tế.


Chính sách giảm, giãn thuế thu nhập DN không mấy ý nghĩa trong thực tế - Ảnh: Ngọc Thắng

Thời gian gần đây Mỹ đã áp dụng chính sách hỗ trợ mới là “tín dụng thuế”. Theo đó, Nhà nước cho phép các DN (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất) được giữ lại tiền thuế phải nộp để đầu tư trở lại phát triển sản xuất kinh doanh. Tức là, Nhà nước cho DN vay vốn một cách trực tiếp, không cần tài sản thế chấp, không phải trả lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, giúp DN đầu tư phát triển, phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.

Ở nước ta, để tháo gỡ khó khăn cho DN, Chính phủ đã gia hạn nộp thuế thu nhập DN trong thời gian một năm. Tiếp đó, Quốc hội đã có nghị quyết giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2011 đối với các DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực và ngành nghề gặp khó khăn. Tuy nhiên, thuế thu nhập DN là loại thuế trực thu, tính trên khoản lãi từ sản xuất kinh doanh (doanh thu - chi phí), trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang suy giảm, nên diện được hưởng chính sách ưu đãi này rất hạn hẹp. Bởi trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, để làm ra lợi nhuận 10-15% đã khó, trong khi phải đi vay ngân hàng với lãi suất từ 18-20% thậm chí đến 25% thì có rất ít DN làm ăn có lãi. Vì thế, chính sách giảm và giãn thuế thu nhập DN hiện đang áp dụng đối với DN nhỏ và vừa, không có mấy ý nghĩa trong thực tế.

Để cứu DN, cứu sản xuất, một trong những giải pháp cấp bách là giảm mạnh lãi suất cho vay, cùng với việc mở rộng diện miễn giảm các sắc thuế cơ bản, có tác động rộng khắp đến mọi loại hình DN, mọi lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.

Trước mắt có thể đồng loạt giảm 50% số thuế GTGT phải nộp. Do loại thuế này nằm trong giá cả hàng hóa, dịch vụ, là chi phí đầu vào của DN, nên việc giảm thuế sẽ phát huy tác dụng trực tiếp làm giảm giá thành sản phẩm, là cơ sở cho DN hạ giá bán; vừa có hiệu ứng kích thích tiêu dùng (do giảm giá hàng hóa), tạo điều kiện cho DN giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Như vậy, vừa thể hiện chính sách khoan sức dân của Đảng và Nhà nước, đồng thời vừa đảm bảo quan điểm nuôi dưỡng nguồn thu, là nguồn động viên, sự chia sẻ trong gian khó hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.

Cứu lòng tin

 

Yêu cầu các Cục thuế giải quyết doanh nghiệp giải thể

Một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sau khi đọc loạt bài DN chết nhưng không thể khai tử trên Báo Thanh Niên, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế phải rà soát, tăng cường kiểm tra các DN và thực hiện đúng theo quy trình không được kéo dài. “Chúng tôi đã có văn bản đề nghị các cục, chi cục thuế nếu có trường hợp nào phải kiểm tra và xử lý luôn”, lãnh đạo này nói. Hiện nay, theo quy định, DN phá sản, cơ quan thuế phải đi làm động tác kiểm tra, xác định số thuế bao nhiêu, rồi gửi đối chiếu đó sang tòa án. Sau khi kiểm tra xong, có xác nhận thì trong vòng 5 ngày phải ra thông báo, đối với trường hợp đặc biệt cũng kéo dài thêm không quá 5 ngày nữa. Tới đây, sau khi luật Quản lý thuế sửa đổi ban hành, Bộ Tài chính cũng sẽ xem xét lại thời gian và quy trình xử lý cho phù hợp, theo hướng, nếu DN có doanh thu ở một mức nhất định nào đó sẽ không thanh kiểm tra nữa, mà cho DN tự khai, tự quyết toán.

Các chuyên gia cho rằng giải pháp căn cơ, cấp bách nhất hiện nay là tín dụng, trong đó có tín dụng ngân hàng thông qua giảm lãi suất, và “tín dụng thuế”. Đây cũng là giải pháp mà nhiều nước đã sử dụng để hỗ trợ DN. Đơn cử như Quốc hội Hàn Quốc đã quyết định chi 25% ngân sách năm 2012 cho tín dụng thuế.

Theo đó, DN kinh doanh trong 1 năm, phải đóng một số loại thuế như giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập cá nhân của người lao động DN, thuế thu nhập DN. Hàn Quốc đã lựa chọn ra một số ngành nghề khó khăn, các DN vừa và nhỏ để hỗ trợ.

Các DN này vẫn kê khai nộp thuế bình thường nhưng Nhà nước cho giữ lại thuế VAT 50%, thu nhập cá nhân 30%... trong 18 tháng. “DN chết rồi thì lấy đâu ra thuế thu nhập DN mà miễn giảm. Nhưng thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân… họ vẫn có, nếu cho họ giữ lại được thì sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Còn để DN chết thì sau lấy gì để thu”, một chuyên gia nói.

Ông kiến nghị ngay trong tháng 5 này khi Quốc hội họp, Chính phủ phải đề xuất ngay, lọc ra các ngành nghề khó khăn nhất, DN vừa và nhỏ đang ngắc ngoải, đưa ra một gói tín dụng thuế, có như vậy thì mới cứu được DN.

Trước lo ngại nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu, ngân sách không có tiền để chi tiêu, chuyên gia này đề xuất cần phải linh hoạt để tìm kiếm nguồn.

Nếu khoản “tín dụng thuế” là 10.000 tỉ đồng, thì có thể tìm thấy nguồn bù đắp từ dầu khí bởi năm nay giá dầu thô tăng cao hơn dự kiến, và số thu nhiều khả năng sẽ vượt dự toán. “Trong lúc khó khăn như này, cần có sự chia sẻ của các tập đoàn, tổng công ty. Nếu làm được tín dụng thuế mới thực sự vực dậy được lòng tin của DN, nhà đầu tư. Mà kinh doanh bây giờ lòng tin mới là tối quan trọng, mất lòng tin sẽ mất hết”, ông nói.

TS Nguyễn Ngọc Tú - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.