Tiết kiệm tiền tỉ từ khu công nghiệp sinh thái

Nguyên Nga
Nguyên Nga
08/11/2018 19:43 GMT+7

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH-ĐT) đã tạm diễn giải như trên khi nói về mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái đang được triển khai thí điểm tại Việt Nam 3 năm qua.

Chẳng hạn, khói nóng từ nhà máy sản xuất thép có thế được tái sử dụng cho doanh nghiệp trong ngành dệt may để là ủi vải. Bằng công nghệ tiên tiến, các chất thải từ sản xuất đểu có thể được sử dụng cho việc khác, không gây ô nhiễm môi trường, song quan trọng nhất là sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm phát thải.
Ông Trần Duy Đông phát biểu khai mạc hội thảo CTV


 Trong 2 ngày (8 và 9.11) tại TP.HCM, Bộ KH-ĐT phối hợp với các tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo chuyên gia quốc tế lần thứ 2 về KCN sinh thái tại Việt Nam. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng đến mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do ông Trần Duy Đông làm Giám đốc dự án.
Thông tin tại Hội thảo, ông Đông cho biết, sau 3 năm thí điểm, đã có 72 doanh nghiệp (đa số là doanh nghiệp Việt Nam) tại 3 KCN ở Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ đã triển khai mô hình KCN sinh thái, tiết kiệm được hơn 70 tỉ đồng nhờ tiết giảm lượng chất thải ra môi trường.
Sau hơn 3 năm triển khai thí điểm, dự án Triển khai KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam đã nhận được khoản viện trợ không hoàn lại là 4,5 triệu USD từ Quỹ môi trường toàn cầu, Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ và UNIDO. Mô hình KCN sinh thái thực ra đã được triển khai mạnh mẽ tại các nước phát triển ở châu Âu. Châu Á mạnh nhất có thể kể đến Hàn Quốc, còn lại Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia cũng có triển khai, tuy nhiên chưa thành công docác doanh nghiệp chưa chủ động đầu tư và chi phí đầu tư rất lớn.
Các chuyên gia trao đổi bên lề hội thảo Ng.Ng

 Ông Đông cũng cho hay, trong tương lai, mô hình chuyển đổi sản xuất KCN sinh thái được đưa vào như yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất có lượng phát thái lớn.
Đại diện Bộ KH-ĐT cũng thừa nhận, việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp đã và đang tạo ra nhiều thách thức, đặt ra yêu cầu cấp bách cần giải quyết là ô nhiễm môi trường từ các hoạt động của KCN, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân xung quanh. Đặc biệt, nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được sử dụng hiệu quả, nhiều giải pháp sản xuất sạch chưa được ứng dụng, mối liên kết cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong một KCN hoặc giữa các KCN còn hạn chế, các dịch vụ trong KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao…

Đại diện một số tổ chức quốc tế đánh giá, đây là dự án đa lĩnh vực công nghiệp đầu tiên của Việt Nam được tài trợ. Dù còn nhiều khó khăn, rào cản, song trong bối cảnh chung, những kết quả đạt được tại Việt Nam được đánh giá khá cao. Không chỉ câu chuyện giảm lượng chất thải ra môi trường, đa số các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt cần chú trọng hơn mô hình sinh thái này bởi nó là một trong những điểm mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh ra thế giới, tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch. Giáo sư Heinz Leuenberger, Đại học Khoa học Ứng dụng và Nghệ thuật Tây Bắc Thụy Sĩ nhận xét, Việt Nam đang dần chuyển đổi mô hình mới về tăng trưởng và phát triển kinh tế khép kín. Hiệu quả tài nguyên và mô hình sản xuất sạch các nước đang phát triển phát triển cần chuyển đổi trong đó có Việt Nam. Đây cũng chính là nền tảng phát triển bền vững trong tương lai. Từ năm 2014 đến 2017, Giáo sư Heinz Leuenberger đã cố vấn kỹ thuật cho 3 dự án quốc tế do UNIDO thực hiện là chuyển đổi 3 khu công nghiệp tại Việt Nam thành KCN sinh thái như đã nói trên.

Trích Điều 42, Nghị định 82/2018 của Chính phủ về “Tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái”:

-Tối thiểu 90% doanh nghiệp trong KCN có nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn và tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đổi mới, cải tiến phương pháp quản lý và công nghệ sản xuất để giảm chất thải, chất gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu.

- Dành tối thiểu 25% diện tích đất khu công nghiệp cho các công trình cây xanh, giao thông, các hạ tầng dịch vụ dùng chung theo quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng.

- Thực hiện ít nhất 01 liên kết cộng sinh công nghiệp và ít nhất 10% tổng số doanh nghiệp trong khu công nghiệp có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp.

Điều 43. Ưu đãi đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái

… Doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các quỹ, tổ chức tài chính, nhà tài trợ trong nước và quốc tế để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và các giải pháp cộng sinh công nghiệp.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.