Tiên phong và thầm lặng trong cuộc chiến chống Covid-19

07/06/2021 06:23 GMT+7

Suốt gần 2 năm qua, cả thế giới gồng mình chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19 và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Chúng ta đã rất quen thuộc với những hình ảnh các nhân viên y tế tuyến đầu và những người trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch.
Để tiếp sức cho các chiến sĩ tuyến đầu đó, chúng ta không thể không nhắc đến những tấm lòng nhân ái với nghĩa cử hào hiệp, cao đẹp của các doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà hảo tâm. Họ luôn tiên phong, thầm lặng và bền bỉ tạo nên sức mạnh hậu phương vững vàng, kề vai cùng đất nước trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.

Đại diện Công ty CP bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giữa) ủng hộ 1.450 tỉ đồng phòng chống dịch Covid-19

Tiên phong và trách nhiệm

Trong những ngày qua, khi “cơn sóng thần” Covid-19 bùng lên tại Ấn Độ, cảnh những người dân bất lực đi tìm cho người thân của mình những bình ô xy hay chiếc máy thở ở các bệnh viện, người ta mới thực sự thấy ý nghĩa sống còn của loại máy này. Những bệnh nhân Covid-19 bị suy hô hấp, không có máy thở hỗ trợ thì coi như cầm chắc kết cục đau buồn.
Tại Việt Nam, ngay từ tháng 2.2020, tức là hơn một năm về trước, đã có một tập đoàn và một trường đại học cùng sát cánh bên nhau nghiên cứu, tìm cách để có được 2.000 máy thở hỗ trợ cho việc điều trị các bệnh nhân Covid-19. Đó là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng Đại học Văn Lang với cam kết sẽ trao tặng 2.000 máy thở MV20 cho Chính phủ. Sau 5 tháng ròng nghiên cứu, đặt hàng, thử nghiệm, cuối cùng những chiếc máy thở MV20 tiêu chuẩn Nhật Bản đã về đến các bệnh viện tuyến đầu và các địa phương để kịp thời phân phối cứu chữa cho bệnh nhân.
Thời điểm đó đúng vào lúc dịch bùng lên ở Đà Nẵng, nhiều bệnh nhân mắc bệnh nền, tiên lượng rất nặng. Việc đưa vào sử dụng kịp thời loại máy thở này đã đóng góp một phần không nhỏ trong công tác điều trị. Khi tiếp nhận đợt đầu với 500 máy thở (trị giá 120 tỉ đồng), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã bày tỏ lòng cảm kích, không chỉ bởi giá trị vật chất, mà còn bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc về nghĩa cử cao đẹp của nhà tài trợ trong công cuộc phòng chống đại dịch ở thời điểm “nước sôi lửa bỏng”.
Bên cạnh câu chuyện máy thở, thì Vắc xin phòng Covid-19 cũng là bài toán đau đầu trong bối cảnh hiện nay. Tại Việt Nam, theo tính toán của Bộ Y tế thì cần khoảng 150 triệu liều vắc xin để tiêm khoảng 75 triệu người, với chi phí ước tính hơn 25.200 tỉ đồng, một con số không hề nhỏ đối với ngân sách nhà nước. Trước khi Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 được chính thức công bố để huy động sức dân, đã có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân lại tiên phong cùng gánh vác để giảm bớt áp lực cho Chính phủ. Chúng ta lại thấy những cái tên quen thuộc là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, là Hội chữ thập đỏ, là các tịnh xá… trên bảng thống kê hết lần này tới lần khác với nhiều cách thức ủng hộ thiết thực theo từng giai đoạn đất nước chống dịch.

Thầm lặng và bền bỉ

Đợt dịch lần thứ 4 quay trở lại với nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Công tác phòng chống dịch hơn bao giờ hết lại thêm thách thức, khó khăn. Chính phủ, các y bác sĩ, nhân viên ngành y tế không quản ngại lao vào cuộc chiến. Và một lần nữa, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm lại kề vai sát cánh cùng gánh vác khó khăn với đất nước, cho dù họ cũng đang phải chiến đấu để đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động, chiến đấu cho sự “sống” của chính doanh nghiệp mình.
Cùng nhìn lại gần hai năm chống dịch vừa qua ở Việt Nam, sát cánh bên những nỗ lực của nhà nước, chính là trùng trùng điệp điệp sự chung tay của người dân, doanh nghiệp. Dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn. Nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, doanh thu sụt giảm. Trong vòng xoáy khó khăn của dịch bệnh, không chỉ những người lao động buôn thúng bán bưng, làm công ăn lương mà các doanh nghiệp lớn nhỏ cũng lao đao. Theo báo cáo của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua khảo sát gần 10.200 doanh nghiệp khắp cả nước, có 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”.
Chỉ riêng ở TP.HCM - nơi Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đóng trụ sở chính, trong năm 2020 đã có gần 50.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể. Trong đó, các doanh nghiệp trong khối ngành dịch vụ, du lịch, khách sạn nhà hàng đã chứng kiến sự sụt giảm nặng nề nhất. "Lợi nhuận" có lẽ là điều xa xỉ với nhiều doanh nghiệp. Vậy nên sự chung tay của các doanh nghiệp trong đợt dịch vừa qua càng trở nên vô cùng đáng quý.
Và ngay khi dịch bùng phát, các doanh nghiệp đã tiên phong ủng hộ số tiền hàng trăm tỉ đồng cùng nhiều trang thiết bị y tế. Trong một tuần trở lại đây, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, các doanh nghiệp, tập đoàn lại tiếp tục chung tay mạnh mẽ. Chỉ riêng ngày 25.5, Bộ Y tế đã tiếp nhận từ 8 doanh nghiệp, tập đoàn số tiền 125 tỉ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vắc xin cho công tác phòng chống dịch. Đặc biệt hơn, ngày 27.5 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 theo hình thức trực tuyến toàn quốc. Kết thúc buổi phát động, riêng tại điểm cầu Trung ương theo thống kê sơ bộ đã có gần 700 tỉ đồng được các tổ chức, cá nhân cam kết hỗ trợ. Đó là chưa kể ở những điểm cầu địa phương cũng nhận được cam kết ủng hộ với nhiều tỉ đồng.
Nhìn vào danh sách ủng hộ, đóng góp sáng hôm ấy, thật cảm động khi lại xuất hiện những tên gọi rất thân quen. Đó là các doanh nghiệp luôn tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, và đặc biệt là trong những lần Chính phủ kêu gọi ủng hộ chống dịch vừa qua. Dù tác động của Covid-19 không chừa một ai, một doanh nghiệp nào, nhưng họ đã không ngần ngại bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỉ, hay thậm chí là 2.000 tỉ đồng như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng các công ty đối tác của doanh nghiệp này. Đó là những tấm lòng vàng, những tấm lòng thơm thảo không ngoảnh mặt lại với khó khăn của đất nước, khó khăn của đồng bào. Sự đóng góp lặng lẽ của họ xứng đáng được ghi nhận, ý thức trách nhiệm của họ khiến chúng ta cảm kích.
Lặng thầm và bền bỉ, đó là cách mà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) đã thực hiện trong nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện suốt nhiều năm qua. Nhìn lại các chương trình xã hội từ thiện của VTP Group, có thể thấy cái tâm của người đứng đầu, cũng như nguyên tắc hỗ trợ bền bỉ, âm thầm của doanh nghiệp này với người nhận. VTP Group luôn chú trọng và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, chăm lo gia đình chính sách, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tài trợ xây dựng trường học, và tiêu biểu nhất có thể kể tới là gói tài trợ không bồi hoàn hơn 450 tỉ đồng để xây dựng Bệnh viện đa khoa An Bình ở Q.5, TP.HCM.
Song song với các hoạt động từ thiện, VTP Group cũng luôn chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân TP.HCM khi gần 20 năm đồng hành tài trợ tổ chức lễ hội Đường hoa Nguyễn Huệ, các Hội hoa xuân, Tết Nguyên tiêu… Với mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững, đồng thời đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước, VTP Group đã thành lập một quỹ học bổng giáo dục từ năm 2007 đến nay để trao học bổng toàn phần từ hệ phổ thông đến đại học trong và ngoài nước nhằm tạo nguồn nhân tài tương lai để trở về đóng góp cho nước nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.