Tiềm năng du lịch Khánh Sơn

29/11/2019 07:00 GMT+7

Chỉ cách TP.Cam Ranh khoảng 50 km nhưng Khánh Sơn gần như bị “bỏ quên” giữa đại ngàn dù vùng đất này có nhiều tiềm năng về du lịch. Để đánh thức tiềm năng rất có triển vọng này, Khánh Sơn đang tập làm du lịch.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND H.Khánh Sơn tỉnh Khánh Hòa, giới thiệu khái quát về những ưu thế của huyện vùng cao này: “Khánh Sơn không quá nóng như dưới Cam Ranh hoặc quá lạnh ở một vài thời điểm như Đà Lạt mà luôn ở nhiệt độ mát mẻ quanh năm. Đấy là một ưu thế của Khánh Sơn, chưa kể vùng đất này có nhiều thắng cảnh rất hợp với các tour du lịch khám phá. Để Khánh Sơn trở thành một điểm đến nữa của du khách sau Nha Trang là điều mà chúng tôi đang nỗ lực. Nhưng trước mắt còn bề bộn quá”.

Tiềm năng

Khu Bãi Dài dẫn về sân bay Cam Ranh hiện đã nên hình nên dáng. Du khách đổ về khu này hoặc là sở hữu những ngôi biệt thự cả chục tỉ đồng, hoặc đơn giản hơn chỉ là sở hữu kỳ nghỉ 10 - 15 ngày. Nhưng trong kỳ nghỉ đó, nếu ngược lên Khánh Sơn với quãng đường
50 km nữa thì sẽ trọn vẹn hơn. Chỉ qua con đèo Khánh Sơn một đoạn là TT.Tô Hạp thấp thoáng trong sương hiện ra trông thật kỳ thú. Các thác nước Dốc Quy, La Vang, Suối Máu, Suối Đá… là những địa danh còn nguyên sơ, nằm không quá xa trung tâm thị trấn, sẽ là những địa chỉ gọi mời.
Ở Khánh Sơn có một di chỉ khảo cổ nổi tiếng với tên gọi Dốc Gạo. Hơn 40 năm trước (1977 - 1979), người ta đã tìm thấy dấu tích của chủ nhân một nền văn hóa cổ xưa khá độc đáo, đó là đàn đá. Những âm thanh phát ra từ bộ đàn đá mỗi khi con người tác động vào đủ làm mê hoặc tất cả những ai muốn thưởng lãm loại nhạc cụ kỳ lạ này. Mai kia, trong tour du lịch lên Khánh Sơn sẽ có “món” này để du khách biết thêm về một loại nhạc cụ đã tồn tại cách nay 3.000 - 5.000 năm ở vùng rừng ấy. Hiện H.Khánh Sơn cho phục dựng lại loại đàn đá này đồng thời mời những nghệ nhân Raglai biết chơi đàn đá mở các lớp dạy đàn để truyền nghề và cũng là giữ lửa cho bộ tộc Raglai ở đây.
Một thế mạnh nữa không thể không nhắc tới khi nói đến tiềm năng du lịch Khánh Sơn, đó là các loại trái cây vô cùng phong phú hiện diện ngay tại TT.Tô Hạp. Chẳng hạn như sầu riêng Khánh Sơn luôn lệch tháng với mùa sầu riêng Nam bộ, có mùi vị rất riêng đã thành thương hiệu “sầu riêng Khánh Sơn” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp độc quyền trên lãnh thổ VN. Rồi mít mỡ, măng cụt, chôm chôm, mía tím… hầu như luôn trái mùa với các địa phương khác nên có cảm giác đây là vùng đất của cây trái quanh năm. Huyện Khánh Sơn từng tổ chức rất thành công Festival trái cây mùa hè năm 2019. Rất tiếc là chợ trái cây ấy chỉ bán cho thương lái chứ chưa có điều kiện phục vụ du khách vì chưa có tour dẫn khách lên vùng này.

Tập làm du lịch

“Nếu đường lên Khánh Sơn mở rộng, đi lại thuận lợi thì vừa vận chuyển nông sản về miền xuôi nhanh hơn lại vừa đưa du khách lên đây dễ dàng hơn. Tỉnh Khánh Hòa đã có ý định làm đường hầm xuyên đèo Khánh Sơn nhưng chắc còn lâu lắm mới thực hiện được”, ông Nguyễn Văn Nhuận thông tin. Cũng theo ông Nhuận, từ xã cuối cùng của Khánh Sơn nếu mở một con đường chừng
30 km về hướng tây sẽ gặp tuyến đường Nha Trang đi Đà Lạt tại Lạc Dương. Tuyến đường này trong tương lai sẽ rút ngắn khoảng cách Nha Trang - Đà Lạt được 50 km và là địa chỉ dành cho dân “phượt” không thể tốt hơn.
Để trở thành một điểm đến nữa dành cho du khách sau khi đặt chân lên Nha Trang, H.Khánh Sơn cũng đã bắt đầu tu sửa lại một số cơ sở hạ tầng trong khả năng của mình, quy hoạch các điểm tham quan trong tương lai. Hiện nay, một số nhà đầu tư cũng bắt đầu xây dựng các homestay để có thể sớm đón khách ngay trong dịp tết cổ truyền sắp đến. “Chủ trương của chúng tôi là làm du lịch thân thiện với môi trường. Những rừng thông và một số loại cây đặc thù như cây tô hạp sẽ được trồng tại Khánh Sơn. Các homestay ra đời tại một số điểm nằm lẫn trong rừng được xem như những “phác thảo” đầu tiên cho ý tưởng đó”, ông Nguyễn Văn Nhuận nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.