Thuế thu nhập cá nhân vẫn quá sức chịu đựng

Dự thảo sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân lần này của Bộ Tài chính vừa công bố vẫn chưa khuyến khích người tài, nhân lực chất lượng cao cũng như khoan sức cho người thu nhập thấp và trung bình.

90% người chịu thuế không hưởng lợi
Bộ Tài chính đề xuất, giảm bậc thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ 7 xuống 5 mức và tăng khoảng cách thu nhập chịu thuế. Cụ thể, thu nhập chịu thuế từ trên 5 đến 10 triệu đồng phải chịu mức thuế 5%; từ 10 - 30 triệu đồng là 10%; từ 30 - 50 triệu đồng chịu thuế 20%, từ 50 - 80 triệu đồng chịu thuế 28% và trên 80 triệu đồng chịu thuế 35%. Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), giảm bậc thuế là giảm gánh nặng cho đối tượng phải nộp thuế.
Nhưng chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nói thẳng, việc chỉ giảm bậc thuế trong khi vẫn giữ nguyên mức thuế suất, thực tế số nguồn thu của nhà nước không giảm nhiều, còn người thu nhập ở bậc 1, bậc 2 (chiếm tỷ trọng 90% người đang nộp thuế) gần như không thay đổi. Ví dụ, với một người có thu nhập tính thuế 5 triệu đồng, theo biểu thuế cũ thuế suất 5% phải nộp 250.000 đồng thì với biểu thuế mới thuế suất 5% cũng vẫn nộp 250.000 đồng. Thu nhập tính thuế 8 triệu đồng, theo biểu thuế cũ nộp 550.000 đồng, biểu thuế mới nộp 400.000 đồng. Với những người có thu nhập cao, theo ông Long thì có lợi hơn đôi chút. Ví dụ, một người thu nhập tính thuế 100 triệu đồng, theo biểu cũ nộp 25,15 triệu đồng, biểu mới giảm xuống còn 21,9 triệu đồng. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện chỉ có chưa đầy 1% tổng số người nộp thuế đang nộp thuế ở bậc 6, đối với bậc 7 thì chưa tới 0,2%.


Nên quy định có thể được khấu trừ lên 5 - 6 triệu đồng cho chi phí học hành, khám chữa bệnh nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp lý

TS Lê Đạt Chí

Theo ông Long, với hơn 90% người nộp thuế TNCN ở bậc 1 và bậc 2 mà chủ yếu là làm công ăn lương, chỉ nên để mức thuế suất trong khoảng 1 - 2%. Mức thuế suất này không ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách, vì thực tế, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách chỉ chiếm hơn 10%. “Thuế suất như hiện nay quá sức chịu đựng. Với ngân sách nhà nước, giảm điều tiết bộ phận này không nhiều nhưng với người có thu nhập thấp, thêm vài đồng để cải thiện cuộc sống, tái tạo sức khỏe đối với họ vô cùng có ý nghĩa”, ông Long nói.
Theo các chuyên gia, mức thuế rải đều từ 5 - 35% là quá cao. Những năm qua, thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm từ mức 28 - 30% xuống còn khoảng 20%, thì thuế TNCN ở bậc cao nhất vẫn giữ mức 35%.
Người nước ngoài được khấu trừ, người Việt thì không
Không chỉ cao, chính sách thuế TNCN hiện còn nhiều bất cập. Đơn cử mỗi cá nhân là người VN chỉ được khấu trừ chi phí hằng tháng cho bản thân là 9 triệu đồng và 3,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc; mọi chi phí khác không được khấu trừ thêm. Nhưng khoản tiền học phí cho con của người nước ngoài làm việc tại VN và con của người VN làm việc ở nước ngoài theo học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông lại không phải đưa vào thu nhập chịu thuế.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn lý giải, sở dĩ quy định cho phép người nước ngoài được trừ đi khoản thu nhập học phí cho con cái khi làm việc tại VN là nhằm thu hút đối tượng này. Điều này dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa người trong và ngoài nước. Do đó theo ông Sơn, nên đưa ra một tỷ lệ chi phí hợp lý trước khi xác định thu nhập tính thuế, thay vì cố định như hiện nay.
TS Lê Đạt Chí phân tích, bình quân người dân VN phải sử dụng đến 70% thu nhập cho các khoản chi tiêu thiết yếu để phục vụ đời sống hằng ngày. Đặc biệt chi phí học hành cần được khuyến khích vì đó như là khoản tái đầu tư cho thế hệ tương lai để xây dựng đất nước. Vì vậy, Bộ Tài chính cần xác định lại những chi phí được khấu trừ trước khi tính thuế TNCN. “Nên quy định có thể được khấu trừ lên 5 - 6 triệu đồng cho chi phí học hành, khám chữa bệnh nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp lý. Khi mua sữa cho con hay cho con đi học thêm cũng được khấu trừ thì các phụ huynh đều lấy hóa đơn. Bắt buộc doanh nghiệp phải xuất hóa đơn và việc quản lý của ngành thuế càng trở nên đơn giản. Tôi nghĩ từ đó số thuế thu được nói chung sẽ gia tăng dù thuế TNCN có thể sẽ giảm đi”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ.

tin liên quan

Giảm bậc thuế thu nhập cá nhân
Chiều 15.8, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề thông tin chính thức về việc xây dựng một dự án luật sửa đổi 5 luật để chuẩn bị trình Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới gồm:
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.