Thuế thu nhập cá nhân thiếu công bằng

09/05/2011 22:13 GMT+7

Người nước ngoài được trừ tiền học phí của con, người VN lại không được; không xác định được thế nào là bệnh hiểm nghèo nên quy định bệnh hiểm nghèo được giảm thuế vẫn chưa được áp dụng...

Phân biệt đối xử

Theo quy định tại Thông tư 62 ban hành ngày 27.3.2009 của Bộ Tài chính, khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế của người nước ngoài là "tiền học phí cho con của người nước ngoài học tại VN theo bậc học phổ thông do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ căn cứ vào hợp đồng lao động và chứng từ nộp tiền học”. Có nghĩa là người nước ngoài được phép trừ tiền học phí của con trước khi xác định thu nhập chịu thuế, còn người VN thì không. Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Kế toán tài chính ngân hàng, ĐH Mở TP.HCM cho rằng, quy định như vậy thiệt thòi cho người VN. Theo ông Thuận, sau khi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thống nhất không phân biệt thuế suất đối với người VN hay người nước ngoài với mức chiết trừ gia cảnh 4 triệu đồng/tháng cho cá nhân và 1,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, có lẽ Bộ Tài chính thấy mức chiết giảm này quá thấp nên quy định cho người nước ngoài được trừ đi phần học phí của con trước khi xác định thu nhập chịu thuế.

 
Người dân đang đóng thuế TNCN - Ảnh: Thanh Xuân

 Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật TNHH Minh Đăng Quang cho biết, trước đây, Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao có quy định này. Đến khi nâng pháp lệnh lên thành luật, luật xóa bỏ phân biệt đối xử người trong và ngoài nước. Nhưng đến thông tư hướng dẫn lại phát sinh vấn đề này. Quy định này không những phân biệt đối xử người nước ngoài với người VN mà còn tạo ra sự không công bằng. Trong trường hợp người nước ngoài và người VN cùng có một mức thu nhập như nhau thì người VN sẽ phải đóng thuế thu nhập nhiều hơn người nước ngoài.

Nên áp dụng cho cả người trong nước

Theo ông Trần Xoa, tiền học phí cho con em của mỗi gia đình chiếm một khoản tương đối lớn trong thu nhập, chính vì vậy Bộ Tài chính nên cho phép người VN cũng được trừ tiền học phí của con em họ trước khi xác định thu nhập chịu thuế. Đây cũng là cách giảm trừ tiền thuế TNCN cho người nộp thuế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Luật sư Trần Xoa đề xuất: “Có hai cách tính trừ tiền học phí, đó là đưa ra một mức trừ cố định 1 triệu - 1,5 triệu đồng/tháng theo bậc học hoặc trừ theo thực tế phát sinh có chứng từ chứng minh. Người nước ngoài được trừ theo thực tế phát sinh, vì thế cũng nên áp dụng cho người VN được trừ tiền học phí theo thực tế phát sinh khi họ có đầy đủ chứng từ chứng minh”.

Quy định này không những phân biệt đối xử người nước ngoài với người VN mà nó còn tạo ra sự không công bằng

Luật sư Trần Xoa

Trên thực tế, chi phí học hành có thể nói chiếm phần lớn trong thu nhập của nhiều gia đình. Nếu được tính vào chi phí trước khi chịu thuế, sẽ đỡ gánh nặng cho người dân. Một người dân tên Loan (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Thu nhập của hai vợ chồng tôi mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng. Học phí cho hai đứa con 7 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể tiền học thêm Anh văn, mời cô phụ đạo... Nếu như quy định cho phép trừ đi học phí của con trước khi xác định thu nhập chịu thuế thì đỡ biết mấy”.

Không xác định được “bệnh hiểm nghèo”

Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN Cục Thuế TP.HCM cho biết, theo quy định, đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo (BHN), ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. Đến  nay, đã qua 2 năm thực hiện Luật Thuế TNCN rồi mà Bộ Y tế cũng chưa xác định được thế nào là BHN và chưa có danh mục BHN.

Theo nguồn tin từ Tổng cục Thuế VN, Tổng cục vừa có đề xuất lên cấp trên cho trừ học phí cho con trước khi xác định thu nhập chịu thuế. Ngoài khoản này, Tổng cục cũng có kiến nghị trừ đi chi phí khám chữa bệnh.

Lý giải sự chậm trễ này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Bộ đang tiến hành xây dựng danh mục BHN với sự tham gia của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành các chuyên khoa. Tuy nhiên, trong y học, để mặc  định “bệnh hiểm nghèo” thì còn là vấn đề gây tranh cãi. Có  bệnh lý rất đơn giản cũng có thể trở thành hiểm nghèo. Đơn cử như đau ruột thừa. Nếu mổ ngay, rất đơn giản và có thể xử lý tại nhiều tuyến điều trị. Nhưng nếu phát hiện muộn, gây áp-xe dẫn đến nhiễm trùng huyết thì lại trở thành BHN. Hay ung thư vốn được coi là BHN nhưng nếu là ung thư vú, được phát hiện sớm, điều trị sớm thì không còn là vấn đề nghiêm trọng nữa.  Bởi vậy, để đưa ra danh mục BHN thực sự là rất khó khăn vì hiểm nghèo còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, các tình huống khác nhau chứ không chỉ đơn giản là việc kể tên đó là bệnh gì, nguyên nhân nào.

Ông Nguyễn Huy Quang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhận xét, nếu theo danh sách BHN  của  Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì có đến cả trăm bệnh trong danh sách này. Qua tham khảo sơ bộ thì danh sách đó còn các điểm chưa phù hợp với VN chúng ta. Điều này cũng dễ hiểu vì WHO sẽ đưa ra danh sách trên cơ sở chung nhất cho các quốc gia. Bởi vậy, ngay việc thống nhất được khái niệm BHN và bệnh nào trong danh sách BHN cũng  cần được cân nhắc cẩn trọng và hiện đang trong quá trình xây dựng.

Đó là lý do, cho đến nay chưa ai được giảm thuế TNCN theo diện BHN dù quy định đã có.

Thanh Xuân - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.