Thực phẩm hết hạn, nữ trang dỏm nhan nhản thị trường

18/12/2020 06:24 GMT+7

Ngoài các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác, cuối năm cũng là thời điểm mua sắm nên những hoạt động hàng giả , kém chất lượng “tung hoành” không kém.

“Nhẫn 3 chỉ vàng mạ vàng khắc 9999 siêu đẹp” giá 10.000 đồng, bộ vòng ximen “ vàng non” giá 450.000 đồng, bộ dây chuyền “vàng non” giá 499.000 đồng... được rao nhan nhản trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo cũng như trang thương mại điện tử. Kèm theo lời hoa mỹ về sản phẩm, các quảng cáo còn cho rằng có thể bán được ở các tiệm vàng. Thực chất những sản phẩm này hoàn toàn không có hàm lượng vàng nhưng do màu vàng nên được phủ lên các từ như xi vàng, “vàng non”. Do đó chỉ một thời gian ngắn sử dụng, sản phẩm bị hư hỏng.
Liên quan đến vàng, đá quý, người tiêu dùng cũng nên thận trọng với những sản phẩm có giấy chứng nhận kiểm định “giả”. Mới đây, một khách hàng đến Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đưa giấy giám định viên đá quý ruby và công ty phát hiện đây là giấy giám định giả. Trên giấy này thể hiện viên đá ruby thiên nhiên có khối lượng 1,257 gr. Đáng chú ý, trong tờ giấy giám định giả mạo mà khách hàng mang đến, viên ruby này được định giá lên tới 750.000 USD, tức viên đá ruby thô này tương đương gần 18 tỉ đồng.
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT, Bộ Công thương) nhận định thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm của người dân tăng cao. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng xấu thường trà trộn các mặt hàng thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo vệ sinh an toàn để “tuồn” ra thị trường. Đơn cử ngày 16.12, Cục QLTT Đắk Lắk phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Đắk Lắk tiến hành kiểm tra xe khách 81B-014.79, phát hiện trên xe vận chuyển 23 thùng với khối lượng khoảng 1,7 tấn nội tạng heo đang bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tài xế không cung cấp được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số hàng trên, đồng thời khai nhận đang vận chuyển số nội tạng này từ TP.HCM về Gia Lai tiêu thụ.
Trước đó ngày 10.12, Đội QLTT số 2 (thuộc Cục QLTT Bình Dương) kiểm tra hộ kinh doanh Phúc Nhân (TP.Thuận An, Bình Dương) phát hiện hộ này đang kinh doanh 831 kg nguyên liệu chế biến trà sữa nhập khẩu, nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Còn vào chiều 11.12, Đội QLTT số 6 thuộc Cục QLTT Tiền Giang phối hợp Phòng PC46 - Công an tỉnh Tiền Giang tiến hành kiểm tra đột xuất 2 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm tại TX.Cai Lậy. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 502 sản phẩm mũ bảo hiểm giả mạo nhãn hiệu “Nón Sơn và hình” của Công ty TNHH thời trang Nón Sơn đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu. Đáng nói là trước đó, ngày 7.12, Đội QLTT số 6 cũng đã chủ trì kiểm tra đột xuất và phát hiện tại 2 cơ sở này đang bày bán 1.060 sản phẩm mũ bảo hiểm giả mạo nhãn hiệu “Nón Sơn và hình”.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng khi người tiêu dùng có tâm lý vội vã mua sắm phục vụ nhu cầu lễ và nhất là Tết âm lịch nên sẽ dễ bị gặp hàng dỏm, hàng kém chất lượng. Cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo vệ người tiêu dùng. Bản thân khách hàng nên ưu tiên mua sản phẩm của các thương hiệu có uy tín lâu năm, không chạy theo trào lưu sản phẩm mới, độc lạ hay hàng ngoại nhập. Riêng các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trong nước cũng cần tăng cường mở rộng mạng lưới bán hàng, thanh toán để kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.