Thực hư lợn ăn hèm rượu tự hết vi rút dịch tả châu Phi

31/08/2019 07:53 GMT+7

Thông tin đàn lợn được người chăn nuôi cho ăn hèm rượu đã tự khỏi bệnh dịch tả lợn châu Phi thu hút sự quan tâm của dư luận. Vậy hèm rượu có phải là “thuốc” chữa hết vi rút dịch tả lợn châu Phi?

Liên quan đến việc đàn lợn 15 con của bà Đỗ Thị Nhung (xã Quang Trung, H.Thống Nhất, Đồng Nai) xét nghiệm dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi nhưng sau một thời gian nuôi bằng hèm rượu đã cho kết quả âm tính, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Đồng Nai, cho rằng “không có cơ sở khẳng định nuôi lợn bằng hèm rượu chữa được bệnh dịch tả châu Phi”.

Hết bệnh theo cơ chế sinh học tự nhiên

Đối với đàn lợn 15 con của bà Đỗ Thị Nhung, tới thời điểm hiện tại vẫn khỏe mạnh bình thường, có thể là do ban đầu có một con nhiễm với lượng vi rút thấp, sau đó tự miễn nhiễm theo cơ chế sinh học tự nhiên của động vật và đã đào thải vi rút ra khỏi cơ thể; đồng thời lượng vi rút thấp nên chưa đủ để lây nhiễm cho những con còn lại

Báo cáo của Chi cục Thú y vùng 6

Cụ thể, ông Quang cho biết, sau một thời gian tìm hiểu, xác minh, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Chi cục Thú y vùng 6 (Bộ NN-PTNT) đã có kết luận ban đầu. Theo đó, sử dụng hèm cho lợn ăn để ngăn chặn việc xâm nhiễm, nhân lên của vi rút dịch tả lợn châu Phi nói riêng và các vi rút, vi khuẩn khác là không có cơ sở. “Sau khi tham khảo rất nhiều tài liệu, tìm hiểu thực tế thì cho đến giờ phút này, không có tài liệu nào công bố rằng sử dụng hèm rượu có thể ngăn chặn được dịch tả lợn châu Phi. Về cơ sở thực tiễn, chúng tôi cũng đã tiến hành một cuộc điều tra dịch tễ học trên 18 hộ thuộc 3 huyện ở Đồng Nai là Long Thành, Trảng Bom và Vĩnh Cửu. Các hộ này nuôi nhỏ lẻ với quy mô khác nhau và đều sử dụng hèm cho lợn ăn thì tất cả lợn nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi đều chết sạch”, ông Quang nói.
Trả lời câu hỏi vì sao đàn lợn 15 con của bà Nhung hết bệnh, ông Quang dẫn báo cáo của Chi cục Thú y vùng 6 giải thích rằng tại thời điểm lấy mẫu, có thể chỉ có một con nhiễm vi rút với lượng thấp và theo cơ chế tự miễn nhiễm sinh học của động vật thì vi rút có thể đã được đào thải ra khỏi cơ thể. Tài liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới điều tra về sức đề kháng tự nhiên đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi ở khu vực miền nam châu lục này cho thấy đã ghi nhận có những cá thể lợn bị nhiễm bệnh và tự khỏi bệnh theo cơ chế sinh học tự nhiên.
Ông Quang cho biết thêm, báo cáo của Chi cục Thú y vùng 6 cũng giải thích lý do vì sao những con lợn khác còn lại trong đàn tới thời điểm hiện tại chưa bị lây nhiễm. Theo nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Trường ĐH Manhattan, Kansas (Mỹ) đăng trên website của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (tháng 5.2019) có nội dung cho thấy, khi lợn tiếp xúc với liều gây nhiễm nhỏ sẽ không bị nhiễm, không tìm thấy vi rút trong máu. “Như vậy, đối với đàn lợn 15 con của bà Đỗ Thị Nhung, tới thời điểm hiện tại vẫn khỏe mạnh bình thường, có thể là do ban đầu có một con nhiễm với lượng vi rút thấp, sau đó tự miễn nhiễm theo cơ chế sinh học tự nhiên của động vật và đã đào thải vi rút ra khỏi cơ thể; đồng thời lượng vi rút thấp nên chưa đủ để lây nhiễm cho những con còn lại. Điều này có thể trùng hợp với thời điểm bà Nhung cho lợn ăn hèm rượu, hun khói, do đó cũng chưa có chứng cứ đầy đủ là phương pháp điều trị này có hiệu quả”, báo cáo của Chi cục Thú y vùng 6 kết luận.

Đàn lợn gửi nuôi sau đã chết gần một nửa

Ngày 29.8, bà Đỗ Thị Nhung cho biết, đàn lợn 15 con “thoát án tử” vẫn khỏe mạnh, phát triển ổn định. Hiện đàn lợn đã lớn hơn trước đây, da dẻ hồng hào. Theo bà Nhung, trong quá trình nuôi, bà chỉ cho ăn hèm rượu, dội hèm nóng vào sàn chuồng, đồng thời hun khói cả ngày lẫn đêm chứ không hề dùng một loại thuốc hay kháng sinh nào khác. “Đàn lợn này thoát khỏi bệnh dịch tả lợn châu Phi tôi nghĩ chỉ có cho ăn hèm rượu, dùng hèm nóng dội chuồng và hun khói...”, bà Nhung hào hứng chia sẻ.
Tuy nhiên, đối với đàn lợn 20 con nhiễm dịch tả lợn châu Phi được chính quyền địa phương mang từ một hộ khác sang vận động bà Nhung nuôi theo phương pháp này để thử nghiệm thì đến nay đã có 9 con chết. Theo bà Nhung, khi bà tiếp nhận đàn lợn để nuôi thử nghiệm, có một vài con chân đi khập khiễng, sau đó móng mưng mủ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.