Thứ trưởng Bộ TT-TT: Sẽ 'đo' mức độ chuyển đổi số từng doanh nghiệp

Mai Hà
Mai Hà
14/12/2020 19:46 GMT+7

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT-TT, cho rằng chuyển đổi số là một hành trình và sẽ được đo đếm bằng các bộ chỉ số xem các bộ, ngành, doanh nghiệp đi được bao xa, đúng hướng hay không.

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin truyền thông, chủ đề Chuyển đổi số kết nối và chia sẻ chiều nay, 14.12, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người. Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vì thế phải nhanh chóng hoạch định cho mình một bản chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh chuyển đổi số là một hành trình. Để đo mỗi cơ quan, tổ chức đã đi bao xa và có đi đúng hướng không trên hành trình đó, Bộ TT-TT đã ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức nhà nước, và sắp tới sẽ ban hành bộ chỉ số tương tự cho doanh nghiệp vào đầu năm 2021.
“Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu”, ông Dũng nói.
Những năm qua, ngành công nghệ thông tin Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu từ Bộ TT-TT, doanh thu ngành này năm 2019 đạt khoảng 100 tỉ USD tương đương 1/3 GDP Việt Nam. Theo Cisco (2019), mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam đang ở mức trung bình ở vị trí 70/141 quốc gia.
Theo ông Andrew Edward Williamson, Phó chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ toàn cầu, cố vấn kinh tế của tập đoàn công nghệ Huawei, Việt Nam đã rất thành công trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh cũng như thu hút đầu tư. Một phần lý do là Việt Nam đã được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu đã cân nhắc di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.
“Việt Nam cũng đã nắm bắt rất tốt làn sóng này, thu hút thành công làn sóng chuyển đổi, di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam bằng việc tạo ra một môi trường chính trị ổn định, có thông điệp Chính phủ kiến tạo hỗ trợ, chương trình phát triển nguồn nhân lực về kỹ năng để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực. Theo đánh giá của tôi, Việt Nam là một đích đến đầu tư rất hấp dẫn, kể cả với công ty mới đầu tư hoàn toàn và các công ty đã đầu tư và sẽ mở rộng đầu tư trong tương lai”, ông Andrew Edward Williamson nói, và dẫn chứng theo một đánh giá của Hiệp hội Hệ thống Thông tin di động toàn cầu GSMA tại các nước Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có mức độ cải thiện môi trường tốt nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. 
Chuyên gia này cũng cho rằng, nền kinh tế số phải hoạt động trên hạ tầng số, trong đó, công nghệ 5G đóng một vai trò rất quan trọng để phát triển nền kinh tế di động số. Nhưng 5G cũng phải kết hợp với công nghệ cố định khác như cáp quang, cáp đồng để tạo ra nền tảng số tổng thể, hỗ trợ phát triển kinh tế tại các khu đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội.
Theo nghiên cứu của Liên minh viễn thông thế giới ITU, đầu tư vào hạ tầng số sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ tại, đặc biệt các quốc gia kém phát triển và đang phát triển với mức thu nhập trung bình như Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.