Thứ trưởng Bộ Công thương nói gì về lý do rút đề nghị ngừng xuất khẩu gạo?

Chí Hiếu
Chí Hiếu
25/03/2020 13:58 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, do các địa phương và doanh nghiệp lo ngại có sự “vênh” về số liệu gạo dự trữ trong dân và doanh nghiệp nên bộ đã xin rút đề xuất ngừng xuất khẩu gạo.

Sáng nay, 25.3, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã có cuộc trao đổi với báo chí và trả lời Thanh Niên một số câu hỏi xung quanh kiến nghị khẩn của Bộ Công thương lên Thủ tướng hôm qua, về việc cho phép hoãn áp dụng việc dừng xuất khẩu gạo.
Vì sao Bộ Công thương kiến nghị hoãn áp dụng dừng xuất khẩu gạo dù trước đó 1 ngày chính Bộ đã có đề xuất này?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Trước đó, chúng tôi đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số phương án, trong đó có đưa ra kịch bản là tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo và phương án 2 là xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Sau khi xem xét, lắng nghe ý kiến các bộ, ngành, Chính phủ quyết định tạm giãn tiến độ xuất khẩu đến cuối tháng 5.
Tuy nhiên, ngay sau đó, chúng tôi nhận được ý kiến một số doanh nghiệp, địa phương nói có độ vênh giữa số liệu Bộ Công thương có được với số liệu thực tế họ có.
Việc Bộ đưa ra các phương án là dựa trên số liệu nắm được. Nhưng thực tế chúng tôi không có công cụ mà điều hành dựa trên số liệu từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, từ Tổng cục Hải quan, các hiệp hội…
Như vậy, thực tế số lượng tồn kho gạo lớn hơn những gì Bộ nắm được?
Trước đây, lượng gạo sản xuất, lượng gạo ký hợp đồng hay gạo tồn kho chúng tôi nắm rất chắc. Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 107 thì chúng tôi không còn công cụ quản lý số liệu này nữa, tự do hóa hoàn toàn. Doanh nghiệp không phải đăng ký hợp đồng, thông báo số liệu tồn kho, nên xuất hiện độ vênh số liệu.
Ngay sau khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp và các địa phương, chúng tôi ngay lập tức báo cáo lại Thủ tướng cho phép kiểm tra lại số lượng tồn kho trong dân, số lượng tồn kho ở các doanh nghiệp, hợp đồng đã ký kết rồi sau đó quyết định có nên ngừng xuất khẩu hay không.

Dự kiến khi nào có kết quả số liệu chính thức để đưa ra được phương án, thưa ông?

Chúng tôi đã báo cáo lại, bây giờ còn chờ Thủ tướng quyết định. Nếu Thủ tướng đồng ý phương án đó chúng tôi sẽ ngay lập tức làm việc với các doanh nghiệp, UBND các tỉnh.
Một số doanh nghiệp cho biết xuất khẩu trong tháng 3 không lớn như dự báo, thậm chí chững lại. Giờ chưa hết tháng 3 nên chúng tôi chưa có số liệu từ các cơ quan khác. Một số tỉnh khác cũng cho biết số lượng tồn kho lớn hơn ở trong dân.
Trước đó, khi tham mưu cho Chính phủ, Bộ đã đánh giá tác động của việc dừng xuất khẩu gạo đối với doanh nghiệp hay chưa?
Khi chúng tôi đưa ra một số phương án, trong đó có tạm giãn hoặc có chế độ giấy phép để kiểm soát tốc độ xuất khẩu thì đều đã tính toán. Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh lương thực là quan trọng nhất. Đối với doanh nghiệp, nếu phải tạm ngừng thì không phải là huỷ hợp đồng mà do trường hợp bất khả kháng.
Chúng tôi cũng tính đến việc làm việc với ngân hàng giãn thời gian trả nợ cho doanh nghiệp. Biết là doanh nghiệp sẽ khó khăn, nhưng phải đặt mục tiêu an ninh lương thực là cao nhất.

Thêm 11 ca mới, Việt Nam có 132 bệnh nhân nhiễm virus corona

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.