Thống đốc Lê Minh Hưng: Đã xử lý 937.500 tỉ đồng nợ xấu

Anh Vũ
Anh Vũ
05/07/2019 18:44 GMT+7

Kể từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 937.500 tỉ đồng nợ xấu , kéo tỷ lệ nợ nội bảng xuống chỉ còn 1,91% tổng dư nợ.

Con số trên được Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết tại hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra hôm nay, 5.7.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành và chỉ đạo tổ chức tín dụng rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính.
Kết quả, mặt bằng lãi suất trong 6 tháng đầu năm cơ bản tiếp tục ổn định, hiện lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, khoảng 9 - 11%/năm đối với trung - dài hạn.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6.2019, ước tính toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 937.500 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, riêng trong năm 2018 đã xử lý được 163.140 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đến cuối tháng 6.2019 là 1,91%.
Về kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15.8.2017 đến cuối tháng 6.2019, toàn hệ thống ước đã xử lý được 264.000 tỉ đồng, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 127.641 tỉ đồng.

Nợ xấu đang được xử lý khá nhanh

Ảnh Ngọc Thắng 

Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, tăng trưởng kinh tế 6,8% trong bối cảnh kinh tế thế giới có biến động phức tạp khó lường, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với ngành ngân hàng trong năm còn rất nặng nề. Do đó, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Ông Hưng cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai đề án Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém. Chấn chỉnh hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, nhằm bảo đảm hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và giữ vững ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương. Tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giảm dần tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế. Tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại. Giám sát các hệ thống thanh toán, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; áp dụng các tiêu chuẩn an toàn bảo mật thanh toán theo chuẩn quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.