Thời trang tết vẫn đìu hiu

11/01/2020 07:14 GMT+7

Hương vị của Tết Nguyên đán đã len lỏi trên nhiều đường phố, kẻ bán, người mua, người đi lại tấp nập. Thế nhưng nhu cầu sắm áo mới dường như bị “co hẹp” lại.

Trong bài hát Tết Nguyên đán của nhạc sĩ Phương Uyên có câu: “Trẻ em khoe áo mới đón mùa tết vui. Mẹ loay hoay trong bếp gói bánh chưng gia đình…”. Với tâm lý “tống cựu nghinh tân”, người Việt xưa nay có thói quen sắm áo mới để mặc tết. Năm mới, muốn mọi thứ phải mới mẻ, tinh tươm, thơm tho, sạch đẹp. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra trên thị trường thời trang tại TP.HCM, có thể nói, người thành thị đang không còn tha thiết với việc sắm đồ mặc tết nữa.

Không nhất định phải sắm đồ mới !

Nếu có mua, chỉ sắm cho con trai thêm vài chiếc áo dài tay vì tết cháu về quê miền Trung thời tiết hơi lạnh. Còn lại bố mẹ không có chuyện sắm tết, mặc đồ mới quanh năm rồi

Chị Xuân (Q.3, TP.HCM)

Những tuyến đường chuyên “trị” hàng thời trang tại Sài Gòn như Nguyễn Trãi, Lê Văn Sỹ, Trần Quang Diệu, Cách Mạng Tháng Tám... những ngày giáp tết vắng hoe người mua sắm. Rất nhiều cửa hàng thời trang trưng bảng hiệu giảm giá 50%, thậm chí 50%++ rồi khuyến mãi tặng thêm theo hình thức mua áo đầm giảm 50% tặng thêm dây nịt hoặc sợi dây đeo cổ như tại cửa hàng thời trang K. trên đường Lê Văn Sỹ. Hay tại cửa hàng L. trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, TP.HCM) khuyến mãi giảm 45% mua đôi giày hay túi xách, tặng kèm đôi bông tai thời trang. Cũng trên tuyến đường này, cửa hàng IvyModa trưng bảng giảm 50% toàn bộ sản phẩm thời trang và nhấn mạnh đây là dịp sales lớn nhất trong năm. Trên đường Lý Chính Thắng (Q.3), cửa hàng N.D với những sản phẩm đầm giá ngày thường 490.000 đồng, giảm xuống 390.000 đồng trong dịp Black Friday vừa qua và nay giảm tiếp xuống còn 250.000 đồng với lời quảng cáo “combo chỉ 1 triệu đồng, sắm ngay 3 áo nhà tớ!”.
Thế nhưng nhìn chung toàn thị trường, dù khuyến mãi nhiều thì các cửa hàng vẫn vắng khách. Dường như không còn tâm lý “nhất định mua sắm đồ mới” trong dịp tết đã diễn ra nhiều năm qua và ngày càng phổ biến, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP.HCM. Chị Kim Yến (Q.7) cho biết, dịp Black Friday, chị đã mua một loạt quần áo cho mình, ông xã và cả con gái cùng ông bà nội ở cả cửa hàng trong nước và đặt hàng từ nước ngoài và chỉ mới nhận hàng vào đầu tháng 12 âm lịch. Thế nên, dịp tết này chị Kim Yến “không có nhu cầu mua thêm quần áo, giày dép nữa. Để mặc cho hết, ra tết lại sắm tiếp”. Tự nhận là tín đồ mua sắm nhưng khi được hỏi về sắm đồ tết, chị Xuân (Q.3) lắc đầu: “Quanh năm, không có tháng nào không mua đồ mới rồi. Nay nếu có mua, chỉ sắm cho con trai thêm vài chiếc áo dài tay vì tết cháu về quê miền Trung thời tiết hơi lạnh. Còn lại bố mẹ không có chuyện sắm tết, mặc đồ mới quanh năm rồi”.
Chủ cơ sở may mặc chuyên bỏ sỉ hàng áo quần tại chợ An Đông và chợ Tân Bình, chị Như Hoa (Q.Tân Phú) cho biết, tết năm nay hàng hóa bán ra rất ế. Xòe tay bấm bấm tính tính, chị Hoa nói năm nay hàng bán giảm phải từ 30 - 40% so với tết năm 2019. Chính vì vậy, thay vì đến 28 - 29 tết mới cho thợ nghỉ làm như mọi năm, năm nay trước tết 2 tuần chị đã cho nghỉ hết rồi. “Cho thợ nghỉ về quê sớm, một phần họ tiết kiệm được tiền tàu xe còn rẻ vì thường sau 20 tháng chạp, giá vé xe tàu tăng mạnh. Một phần để thanh lý dọn kho bán tháo hàng tồn chứ với tình hình này, may thêm chỉ có tăng hàng tồn lỗ lã”, chị Hoa nói. Là người có kinh nghiệm trong ngành may mặc hơn 20 năm, chị Hoa cũng lắc đầu không hiểu sao năm nay hàng may mặc bán tết lại chậm đến thế. “Năm nay hàng jean và hàng trẻ em có nhúc nhích tăng, còn lại hàng người lớn sao ế rề à”, chị ngán ngẩm. Tại chợ chuyên bán sỉ áo quần thời trang An Đông và An Đông Plaza, đa số các thương nhân đều cho rằng, hàng thời trang từ Quảng Đông (Trung Quốc) về và hàng chợ loại trung bình đều bán ra rất chậm.
Thực tế, có hai lý do có thể tạm giải thích cho hiện tượng mãi lực chợ thời trang giảm mạnh dịp trước tết thế này. Chị Cẩm, thương nhân kinh doanh tại chợ An Đông, phân tích: “Hàng thương nhân sang Quảng Đông đánh hàng về bán sỉ dịp trước tết năm nay giảm khoảng 30%. Lý do không thể cạnh tranh với chính hàng Trung Quốc do người Trung Quốc mang trực tiếp sang đây bán, nguyên tầng 2 trên An Đông Plaza. Những người Trung Quốc này chỉ cần ngồi tại An Đông, người nhà bên Trung Quốc gửi hàng về và họ bán, không tốn chi phí đi lại, ăn ở như tiểu thương ở chợ phải bay ra phía bắc, sang bên kia biên giới, chọn hàng, đặt hàng... Hàng Việt bình thường đã không thể cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Hàng Trung Quốc do người Trung Quốc bán tại TP.HCM “đạp giá” hàng Việt với mức chênh lệch không nhỏ”. Tuy nhiên, với thời trang tự thiết kế mẫu mã độc quyền, theo chị Thái Trang - thương nhân kinh doanh hàng may mặc tự thiết kế mẫu tại chợ An Đông, vẫn bán được dù có giảm so với năm trước. Chị Trang nói: “Nhìn chung sức mua giảm 20 - 30%, thường bán sỉ tháng cuối năm mỗi ngày được 700 - 1.000 sản phẩm là bình thường, nhưng nay giảm đến 30%. Tuy nhiên, hàng tự thiết kế “dễ thở hơn”, vẫn có mua bán lai rai cho dù có giảm”.

Mua áo mới để về quê

Theo ông Lê Viết Thanh, hiện chương trình Black Friday được quảng bá rầm rộ như là cơ hội mua sắm hàng hóa rẻ nhất trong năm khiến nhiều khách hàng tập trung chi tiền mua sắm nhiều hơn vào dịp này. Vì vậy, khi Tết âm lịch 2020 đến sát bên nên nhu cầu mua sắm giảm xuống cũng là tất yếu. Tuy nhiên vào tuần cuối cùng trước tết, sức mua sẽ gia tăng hơn hiện nay.
Như vậy, ai mua hàng thời trang vào dịp cận tết? Chị Mai Khánh (Q.4) học và làm việc tại TP.HCM 6 năm nay, mỗi dịp tết, Khánh luôn về quê ở miền Bắc ăn tết cùng gia đình. Chị Khánh cho hay: “TP.HCM là nơi hội tụ thời trang 4 mùa phong phú nhất và rất dễ mua sắm. Vì ra bắc ăn tết nên tôi phải sắm đồ ấm. Như vậy, chiếc nón len của Zara, những bộ thun dài có nón của Uniqlo hay vài ba chiếc áo phông tay dài thời trang của Zara là những món thời trang không thể thiếu. Tôi thích không khí thời trang thay đổi gần như hằng ngày ở thành phố này. Tôi và bạn bè tuy về xứ lạnh nhưng thường thời trang mùa lạnh lại mua trước tại TP.HCM”.
Đồng quan điểm, chị Thái Trang cho biết, giới đi làm về quê vẫn “miệt mài” sắm đồ tết về tặng biếu cho chị em bà con nên đi chợ mua số lượng lớn để lợi hơn. “Có người mua một lần 5 chiếc áo đầm được giảm giá 20% so với mua lẻ từng chiếc. Họ mua để mặc và mang về biếu tặng cho chị em ở quê”, chị Trang cho biết. Chị Thanh Hoa (Hà Nội) bổ sung, sau khi nghe Uniqlo mở cửa hàng tại TP.HCM, nhiều bạn bè ngoài bắc đã không ngần ngại gửi chị mua giúp vài bộ. “Đến bây giờ, tôi nhận mua hộ bạn bè đến 3 bộ đồ ấm và thêm chiếc nón len thời trang nữa rồi đấy. Thực tế, đồ ấm tại Hà Nội không thiếu, phong phú và đẹp. Nhưng tâm lý giới trẻ lại thích cái gì mới lạ của thời trang. Đặc biệt, nghe thương hiệu thời trang của Nhật hấp dẫn quá, họ tò mò là chính, bảo mua cho bằng được. Và như vậy, tôi thành “cửu vạn” giúp bạn bè tha vài bộ đồ mới để mặc tết này”, chị Hoa cho biết.
Dù có cả hệ thống cửa hàng lớn trải dài nhiều địa điểm nhưng ông Lê Viết Thanh, Tổng giám đốc hệ thống K&K Fashion, cũng cho rằng sức mua nhìn chung đang rất chậm. Nếu so với dịp tết năm 2019 thì mức tiêu thụ thấp hơn. Không chỉ vào dịp tết mà trong cả năm 2019, mức tiêu thụ hàng thời trang trong nước cũng đã ảm đạm. Việc sức mua xuống thấp khiến các cửa hàng trong nước cạnh tranh khá vất vả, đặc biệt khi các thương hiệu thời trang nhanh toàn cầu đều hiện diện tại VN. Hơn nữa, ông Thanh cho rằng thị trường thời trang ngày càng rộng mở, xu hướng mua sắm của nhiều khách hàng đã thay đổi lớn hơn là mua sắm quanh năm mà không còn tập trung vào dịp lễ tết cuối năm. Đặc biệt với phân khúc sản phẩm trung bình khá hay sản phẩm tập trung hàng công sở như K&K Fashion thì việc mua sắm của khách hàng chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu hoặc cảm xúc “thích là mua” chứ không phải đợi dịp tết mới mua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.