Thị trường trọng điểm cho nông sản Việt

17/12/2017 06:27 GMT+7

Trung Quốc (TQ) hiện là khách hàng lớn của nông sản VN, từ gạo, rau - củ - quả cho đến thủy hải sản...

Theo Bộ NN-PTNT, trong tổng số 4,57 triệu tấn gạo xuất khẩu trong 9 tháng năm nay, tương đương giá trị hơn 2 tỉ USD, xuất sang TQ đạt hơn 2 triệu tấn, thu về 909 triệu USD, tăng 35% về khối lượng và tăng 33,9% về giá trị so cùng kỳ 2016. Như vậy, gần một nửa gạo xuất khẩu của VN đã được TQ thu mua. Bên cạnh gạo, TQ còn thu mua đến 63,1% cao su (1,14 tỉ USD), 87,7% sắn và các sản phẩm từ sắn. Rau quả xuất khẩu 11 tháng đạt 3,16 tỉ USD thì có đến 75,6% xuất sang TQ. Hay như thủy sản - một ngành được coi là thế mạnh của VN, trước đây chỉ xuất sang các thị trường cao cấp thì trong năm nay cũng chuyển hướng mạnh sang TQ với con số tăng trưởng gần 68% so với cùng kỳ 2016.
Theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) Cần Thơ, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN, trước giờ chúng ta ít xem trọng thị trường TQ, chỉ khi nông sản không xuất vào thị trường khó tính được thì mới chuyển sang khu vực đông dân nhất thế giới này. Thực tế hiện nay, ở ĐBSCL, phần lớn nông sản làm ra xuất đi TQ và điều đáng chú ý là thị trường này ngày càng khó tính. Cần nhìn nhận TQ là một thị trường tiêu thụ lớn mà chúng ta phải tiếp cận, xâm nhập. Đây cũng là một trong những giải pháp để giảm thâm hụt thương mại giữa VN và TQ hiện nay. TS Võ Hùng Dũng thừa nhận, thị trường TQ mức độ rủi ro có phần cao hơn các thị trường khác. Để giảm rủi ro, doanh nghiệp phải giảm tiểu ngạch và tập trung phát triển thương mại chính ngạch với thị trường này. Đặc biệt, trong thanh toán phải thông qua ngân hàng bằng các hợp đồng đảm bảo, nếu bằng tiền mặt phải theo hình thức “tiền trao cháo múc”.
Có một thực tế là thị trường TQ ngày càng khó tính. Như đối với mặt hàng gạo chẳng hạn, đã hạn chế tiểu ngạch, tăng cường chính ngạch và cử cán bộ chức năng sang VN đến tận đồng ruộng, doanh nghiệp để kiểm tra chất lượng hồi cuối năm ngoái. Hay chuyện đầu năm nay TQ không nhập heo sống mà chỉ đồng ý nhập thịt heo đã qua giết mổ, xẻ mảnh đông lạnh. Đặc biệt heo thịt phải được kiểm soát về dịch bệnh, nhất là bệnh lở mồm long móng. Họ cử đại diện sang VN phối hợp với Cục Thú y rà soát quy trình kiểm soát an toàn dịch bệnh và giết mổ.
“Yêu cầu chất lượng của họ ngày càng cao. Chúng ta không thể mãi coi họ là khách hàng dễ tính nếu muốn duy trì xuất khẩu vào TQ. Phải nâng chất lượng để đáp ứng yêu cầu thị trường quan trọng này và cũng là nâng giá trị sản phẩm của chúng ta”, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), chuyên kinh doanh gạo, cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.