Thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm ở chợ Bến Thành

04/01/2018 15:07 GMT+7

Theo quyết định của UBND TP.HCM, chợ Bến Thành (Q.1) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (H.Hóc Môn) được chọn thí điểm mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngày 4.1.2018, UBND TP.HCM quyết định phê duyệt dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại TP.HCM đến năm 2020.
Theo đó, chợ Bến Thành (Q.1) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (H.Hóc Môn) được chọn thí điểm. Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn có tổng diện tích khoảng 95.000 m2, là nơi cung cấp lượng thịt heo lớn nhất cho thành phố với thị phần luôn chiếm từ 50 - 55%. Chợ Bến Thành được biết đến như biểu tượng đặc trưng của chợ truyền thống TP.HCM; có diện tích 13.056 m2, hoạt động từ 4 giờ sáng đến 19 giờ đêm, trung bình có trên 10.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm mỗi ngày.
Với mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, thực phẩm kinh doanh tại chợ phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí: Có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm kinh doanh; chứng từ đầu vào hoặc sổ sách ghi chép tình hình xuất, nhập hằng ngày, công tác lưu trữ, ghi chép phải thực hiện đúng quy định.
Thực phẩm kinh doanh tại chợ phải có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, phiếu xét nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định hiện hành; khuyến khích xét nghiệm sản phẩm định kỳ đối với các sản phẩm ăn nhanh, ăn ngay; giấy kiểm dịch thú y và kiểm dịch thực vật (nếu có) đối với thực phẩm tươi sống.
Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành hàng thực phẩm cung ứng cho chợ phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc bản cam kết chấp hành các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định từng ngành.
Đặc biệt, thực phẩm phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc từ trang trại, nông trại đến người tiêu dùng; tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người...
Hỗ trợ thương nhân tiếp cận các nguồn vốn vay
Đến nay, ngoài việc thí điểm mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ Bến Thành (Q.1) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (H.Hóc Môn), TP.HCM đã triển khai thực hiện đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, 23 chợ lẻ và hầu hết các hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết trong những năm qua hệ thống phân phối phát triển nhanh, tạo nhiều kênh bán buôn, bán lẻ rộng lớn, phong phú, đa dạng.
Hiện TP.HCM có 240 chợ đang hoạt động, trong đó có 7 chợ kinh doanh chuyên ngành (hàng gia dụng, vật liệu xây dựng, hóa mỹ phẩm, vải, phụ tùng xe…) và 233 chợ còn lại có kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng do thói quen, điều kiện thực tế vẫn còn tư tưởng dễ dãi trong việc lựa chọn, mua sắm thực phẩm, chưa quan tâm đến điều kiện bảo quản, bao bì sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… nên chưa tạo được áp lực đủ lớn cho người kinh doanh tự giác điều chỉnh.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, khi mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm thí điểm thành công sẽ nhân rộng ra tất cả các chợ trên địa bàn.
Các thương nhân tham gia mô hình thí điểm sẽ được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi phục vụ đầu tư các trang thiết bị trong kinh doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.