Thi công gần đường dây điện phải báo cho điện lực

27/11/2018 11:00 GMT+7

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) phát đi thông báo nêu rõ các quy định hiện hành của Nhà nước về việc phối hợp giữa đơn vị có công trình thi công gần đường dây điện và điện lực để tránh tai nạn đáng tiếc.

Vi phạm hành lang lưới điện nguy hiểm
Theo EVN SPC, vụ tai nạn điện nghiêm trọng xảy ra ngày 26.10 vừa qua tại xã Cẩm Hưng, H.Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) khiến 4 người tử vong khi thi công dựng cột viễn thông là lời cảnh báo cho việc thi công gần đường dây điện nhưng không đảm bảo an toàn. Tai nạn xảy ra khi một nhóm người ở xã Cẩm Hưng đang dựng cột điện viễn thông thì bất ngờ bị dòng điện từ đường dây 35 kV chạy phía trên phóng xuống. Cơ quan chức năng vào cuộc và xác định nguyên nhân ban đầu do đơn vị thi công cột viễn thông không thông báo cho đơn vị điện lực để phối hợp thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.
Tai nạn thương tâm trên một lần nữa cho thấy, dù có những quy định rõ ràng về hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) và đảm bảo an toàn khi thi công công trình gần lưới điện, nhưng ở nhiều nơi người dân vẫn chưa thực hiện nghiêm, dẫn đến tai nạn đáng tiếc. EVN SPC cho biết Tổng công ty thường xuyên tuyên truyền theo từng đối tượng như: khu vực thành thị, nông thôn và trước mùa mưa bão, lũ; kiểm tra chặt chẽ hành lang lưới điện, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm; xử lý vi phạm, đặc biệt trong xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình, phát quang cây trong và ngoài hành lang… Đặc biệt, không ít trường hợp dù được điện lực cảnh báo và hướng dẫn biện pháp an toàn trước khi thi công cầu, đường giao thông... nhưng vẫn vi phạm và gây ra sự cố lưới điện, tai nạn điện đau lòng.
Những quy định khi thi công gần lưới điện
Để tránh những tai nạn điện đáng tiếc, EVN SPC cho rằng, trước hết cần phải thực hiện nghiêm những quy định hiện hành của Nhà nước về việc phối hợp giữa đơn vị có công trình thi công gần đường dây điện và đơn vị điện lực.
Theo EVN SPC, việc tuân thủ các quy định trên là hết sức quan trọng. Theo đó, tại luật Điện lực, Điều 51, Khoản 8: Khi tiến hành các công việc trên mặt đất, dưới lòng đất ở gần hoặc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không có khả năng ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của đường dây hoặc có nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện thì đơn vị tiến hành những công việc đó phải có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết.
Tại Điều 4 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành luật Điện lực về An toàn điện cũng nêu rõ: Các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó bao gồm các hành vi: trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ; sử dụng công trình lưới điện cao áp vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp.
Ngoài ra tại Điều 34 của Nghị định 59/2015/NĐ-CP về Quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng nêu: Nhà thầu thi công xây dựng phải lập các biện pháp an toàn cho người lao động, thiết bị, phương tiện thi công và công trình trước khi thi công xây dựng. Trường hợp các biện pháp an toàn liên quan đến nhiều bên thì phải được các bên thỏa thuận.
Mặc dù EVP SPC đã thực hiện nhiều giải pháp kéo giảm sự cố do vi phạm HLATLĐ cao áp và tai nạn điện nhưng nhìn chung tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2017 xảy ra 89 vụ sự cố, tăng 10 vụ so với năm 2016. Quý 1/2018 xảy ra 10 vụ, giảm 5 vụ so với cùng kỳ 2017. Cũng trong năm 2017, miền Nam đã xảy ra 148 vụ tai nạn điện, trong đó có 45 vụ do vi phạm HLATLĐ cao áp (năm 2016 xảy ra 153 vụ). Nguyên nhân chủ yếu do người dân chủ quan, không chấp hành quy định về an toàn điện như: lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo, xây dựng, cải tạo nhà ở, thi công công trình, chặt cây, thi công, lắp đặt công trình… vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.