Thế mạnh thành... thế yếu - Kỳ 2: Tàn giấc mơ ngọc trai

21/07/2015 06:00 GMT+7

Cách đây khoảng 10 năm, người dân xã Lộc Bình (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) đã ôm ấp giấc mơ đổi đời với mô hình nuôi trai lấy ngọc, nhưng bất ngờ cửa biển bị vùi lấp, nguồn nước bị ngọt hóa và ô nhiễm... khiến mô hình nuôi trai lấy ngọc tan theo mây khói.

Cách đây khoảng 10 năm, người dân xã Lộc Bình (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) đã ôm ấp giấc mơ đổi đời với mô hình nuôi trai lấy ngọc, nhưng bất ngờ cửa biển bị vùi lấp, nguồn nước bị ngọt hóa và ô nhiễm... khiến mô hình nuôi trai lấy ngọc tan theo mây khói.
Khu vực phao nuôi trai lấy ngọc của Công ty Biển Ngọc tại Lộc Bình đã ngưng hoạt động từ hơn 3 năm nay - Ảnh: B.N.LKhu vực phao nuôi trai lấy ngọc của Công ty Biển Ngọc tại Lộc Bình đã ngưng hoạt động từ hơn 3 năm nay - Ảnh: B.N.L
Khoảng năm 2003, mô hình nuôi trai lấy ngọc triển khai thử nghiệm lần đầu trên địa bàn xã Lộc Bình do Trung tâm khuyến ngư tỉnh và đối tác vùng Nord Pas de Clais (Pháp) hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, con giống.
Hy vọng đổi đời
Ngay năm đầu tiên gặp thời tiết thuận lợi, tỷ lệ trai có ngọc đạt rất cao khi lên đến 26%. Vào năm 2005, dự án đã kết hợp với người dân tiến hành thả hơn 100.000 con trai lấy ngọc tại xã. Những viên ngọc trai óng ánh đầu tiên ra đời sau đó trong sự ngỡ ngàng của người dân. Chất lượng ngọc được đánh giá còn cao hơn cả ngọc trai được nuôi ở những vùng nổi tiếng khác trên cả nước. Thời điểm đó, các cán bộ chuyên môn của dự án đã đánh giá trai được thả nuôi ở khu vực cửa biển Tư Dung (xã Lộc Bình) có độ mặn trên dưới 2%, rất phù hợp và phát triển tốt hơn hẳn chính nơi vùng nuôi truyền thống của nó (Vân Đồn, Quảng Ninh).
Ngay sau kết quả thử nghiệm được công bố, Công ty TNHH DV-TM Biển Ngọc (Công ty Biển Ngọc) đã đến tìm hiểu. Sau khi khảo sát, Công ty Biển Ngọc kết hợp với 25 hộ dân tại địa phương theo hình thức giao khoán chăm sóc để triển khai mô hình trang trại nuôi trai lấy ngọc. Công ty còn tổ chức đưa các ngư dân địa phương ra Vân Đồn tham quan, học tập kinh nghiệm, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật vào trực tiếp cấy ngọc cho trai.
Trước những triển vọng của mô hình nuôi trai lấy ngọc, năm 2010, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương cho phép Công ty TNHH ngọc trai Gala Lăng Cô, liên doanh giữa Công ty ngọc trai Gala (TP.HCM) và Công ty TNHH dịch vụ du lịch Thanh Tâm (Huế) nghiên cứu đầu tư dự án nuôi cấy ngọc trai biển tại xã Lộc Bình; khuyến khích dự án nuôi cấy trai lấy ngọc, chế tác sản phẩm kết hợp phát triển du lịch và dịch vụ trên vùng và khu vực Chân Mây - Lăng Cô. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 27 tỉ đồng, trên diện tích 30 ha mặt nước và 3 ha đất ven gành tại xã để làm trang trại, phòng thí nghiệm và các công trình phụ trợ chế tác, còn tính tới việc mở rộng để làm khu du lịch kết hợp làng nghề chuyên về ngọc trai.
Tại trời ?
Mô hình kinh tế mới với nhiều triển vọng đang tiến triển thuận lợi, thì dần chết yểu. Khoảng 5 năm trở lại đây, cửa biển Tư Dung bắt đầu bồi lấp và đến nay chỉ còn lại một con lạch nhỏ thông ra biển. Nguồn nước dần bị ngọt hóa và ô nhiễm, số trai nuôi lấy ngọc cũng chết dần chết mòn. Công ty Biển Ngọc đã bỏ ra hàng tỉ đồng để nạo vét, khơi thông dòng chảy nhưng cuối cùng đành bất lực phải ra đi.
Ông Phan Thế Phúng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, cho biết năm 2013, UBND tỉnh đã giao cho Công ty CP khai thác sản xuất khoáng sản 55 thực hiện dự án đầu tư nạo vét thông luồng, tận thu cát nhiễm mặn cửa biển Tư Hiền - Tư Dung. Tuy nhiên, đến nay công ty này chỉ mới nạo vét một phần cửa biển Tư Hiền, còn cửa Tư Dung bồi lấp trầm trọng vẫn chưa động tĩnh. Theo ông Phúng, nếu cửa biển Tư Dung được nạo vét, khơi thông, Công ty Biển Ngọc cũng sẽ tiếp tục vào đầu tư nuôi ngọc trai và một số loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao. Công ty này còn có hướng đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng tại bãi biển Tư Dung, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan của du khách. Đây cũng là cơ hội mở hướng làm ăn mới đầy triển vọng cho người dân địa phương. Các dịch vụ nhà hàng, bán hàng lưu niệm ngay tại địa phương hứa hẹn sẽ phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.
Từng là hộ dân tham gia mô hình nuôi trai lấy ngọc với nhiều mơ ước đổi đời, ông Lê Viết Sơn (thôn Hải Bình) buồn bã: “Người dân khi nào cũng khổ, nghe nghề nuôi trai cho thu nhập cao, thời điểm đó, ai cũng hào hứng. Nhưng rồi, cửa biển bồi lấp, trai chết, công ty bỏ đi, người dân thất nghiệp”. Theo ông Sơn, nếu cửa biển được nạo vét sớm, nguồn nước ổn định thì không chỉ nuôi trai mà các nghề nuôi trồng thủy sản khác như cá, tôm cũng mang lại cho người dân đời sống ổn định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.