Thế chấp vay tiền bằng… pho mát

10/07/2015 15:00 GMT+7

(TNO) Khi muốn vay tiền tại ngân hàng Credito Emiliano ở Ý, một doanh nghiệp chỉ cần dùng loại pho mát trứ danh Parmigiano-Reggiano làm tài sản thế chấp.

(TNO) Khi muốn vay tiền tại ngân hàng Credito Emiliano ở Ý, một doanh nghiệp chỉ cần dùng loại pho mát trứ danh Parmigiano-Reggiano làm tài sản thế chấp.

Có thể dùng pho mát Parmigiano-Reggiano làm tài sản thế chấp khi đi vay tiền tại một ngân hàng ở Ý - Ảnh: AFP
Theo Fox News, nhà băng Credito Emiliano thuộc vùng thung lũng Emilia Romagna, miền bắc nước Ý đã áp dụng phương pháp khác thường trên từ năm 1953.
Pho mát Parmigiano-Reggiano được chấp thuận như là tài sản thế chấp cho các khoản vay doanh nghiệp nhỏ. Bộ phận quản lý “tài sản thế chấp” ở nhà băng này gọi là Magazzini Generali delle Tagiate (MGT).
MGT được vận hành bởi các thanh tra đã qua đào tạo. Họ cất giữ “tài sản thế chấp” trong một kho có sức chứa lên đến 440.000 chiếc bánh pho mát, mỗi chiếc có trọng lượng hơn 36 kg. Pho mát sẽ được phân loại theo độ tuổi: 18 tháng, 24 tháng, 30 tháng và 36 tháng.
Cũng như một loại tài khoản tiết kiệm sinh lời, giá trị của pho mát tỷ lệ thuận với thời gian chúng nằm trong kho.
Credito Emiliano định giá các bánh pho mát theo thời giá. Tỷ lệ nợ trên giá trị tài sản thế chấp nằm trong khoảng 70 đến 80% nhằm chống lại sự biến động của thị trường, bảo vệ khoản đầu tư của ngân hàng.
Chỉ 1% số pho mát trong kho lưu trữ của MGT bị mất giá, ít hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 10% pho mát mất giá trong ngành công nghiệp này. Nếu người đi vay không thể trả được nợ, ngân hàng bán các “tài sản thế chấp” này đi khi chúng đến kỳ đáo hạn.
Phương pháp đặc biệt của ngân hàng Credito Emiliano trở thành chủ đề trong nghiên cứu mới đây của Trường Kinh doanh Harvard.
Theo Forbes, nghiên cứu này cho biết với biện pháp trên, ngân hàng không chỉ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa địa phương mà còn giúp họ tiết kiệm tiền lưu trữ pho mát.
Parmigiano-Reggiano được mệnh danh là “vua của các loại pho mát”. Chúng tốn rất nhiều chi phí để sản xuất nhưng chỉ cần một vết nứt, bong bóng hay các dị tật nhỏ khác thì đều không thể bán được.
Ngoài chi phí sản xuất, các nhà sản xuất pho mát nhỏ lẻ hoặc theo hộ gia đình còn đối mặt với rủi ro khi giá cả của loại pho mát này biến động lớn theo nhu cầu thị trường. Theo nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard, cứ 1% khác biệt trong nhu cầu sẽ dẫn đến 10% thay đổi trong giá cả pho mát.
Emilia Romagna là khu vực duy nhất trên thế giới được luật pháp cho phép sử dụng tên Parmigiano-Reggiano cho loại pho mát sữa khô và cứng này. Năm 1200, chiếc pho mát đầu tiên loại này đã ra lò ở đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.