Tháo gỡ các dự án BT

18/08/2020 06:17 GMT+7

Theo luật Đầu tư 2020, dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư kể từ ngày 15.8 và dừng triển khai dự án BT mới kể từ ngày 1.1.2021 đang khiến hàng loạt dự án bế tắc...

Quy định dừng thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT) chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư kể từ ngày 15.8 và dừng triển khai dự án BT mới kể từ ngày 1.1.2021 theo luật Đầu tư 2020 đang khiến hàng loạt dự án bế tắc, vốn vào hạ tầng bị hạn chế trong khi ngân sách không “kham nổi”.

Loạt dự án BT “bất động”

Điển hình, TP.HCM là một trung tâm hành chính kinh tế lớn nhưng vốn ngân sách bố trí trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đáp ứng được hơn 10% trong tổng nhu cầu lên hơn 500.000 tỉ đồng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị. Theo thống kê, trong giai đoạn 2015 -2017, TP.HCM đã huy động được 20.338 tỉ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư thực hiện các công trình phát triển cơ sở hạ tầng, cầu, đường, môi trường nước, nhà ở tái định cư… Thế nhưng, hàng loạt bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách, đặc biệt tại các dự án BT đang khiến hàng loạt dự án trọng điểm đứng hình.
Đơn cử, dự án khép kín đường Vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa qua Q.Thủ Đức được triển khai đầu tư theo hình thức BT đã khởi công từ tháng 4.2017. Đoạn đường chỉ 2,7 km nhưng kéo dài đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện. Dự án do Công ty CP đầu tư Văn Phú - Bắc Ái thực hiện, tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 1.135 tỉ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng do nhà đầu tư ứng trước.
Theo chủ đầu tư, ngoài tiến độ GPMB chậm trễ, một nguyên nhân khác khiến dự án đang phải tạm ngưng là do TP vẫn chưa thanh toán tiền cho nhà đầu tư theo nguyên tắc hợp đồng BT. Dự án đã hoàn thành gần 50% tiến độ, doanh nghiệp đã bỏ ra hơn 1.500 tỉ đồng để triển khai nhưng đến nay vẫn chưa nhận được khoản giải ngân nào từ phía TP. Bên cạnh đó, TP cũng chưa có quyết định giao 5 khu đất nhà đầu tư được hoán đổi theo hợp đồng BT đã ký. Đã gần 1 năm qua, dự án nằm “bất động” chưa hẹn ngày tái khởi công.
Tương tự, dự án cầu đường Bình Tiên được phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2011 với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu hơn 2.300 tỉ đồng, thực hiện trong 4 năm. Sau nhiều lần thay đổi, tuyển chọn nhà đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên hơn 2.600 tỉ đồng nhưng vẫn chưa “chốt” được phương án thực hiện.
Mới đây nhất, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP không thực hiện đầu tư dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên theo hình thức BT, nghiên cứu chuyển đổi qua hình thức khác với lý do: Đây là một trong những dự án cấp bách thuộc danh mục chương trình giảm ùn tắc giao thông của TP. Trong trường hợp tiếp tục chỉ định nhà đầu tư theo hình thức BT, sẽ phải chờ hướng dẫn, kéo dài thời gian hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Loạt dự án trọng điểm như cầu Cần Giờ, cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên… chủ trương thực hiện theo hình thức BT cũng đang “đi vào ngõ cụt”.

Chỉ thanh toán bằng đất chưa GPMB?

Trước tình hình này, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có công văn gửi Thủ tướng và TP.HCM đề xuất một số cơ chế chính sách để khởi động lại các dự án theo hình thức BT để “vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, vừa không làm thất thoát quỹ đất công, trụ sở làm việc”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định: Việc dừng triển khai các dự án BT để hoàn thiện khung pháp lý là cần thiết, song, phải có thời hạn, chỉ nên dừng trong 2020 - 2022. Chính phủ và các địa phương cần sớm thực hiện rà soát để hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, bịt kín các lỗ hổng, cho phép khởi động lại các dự án BT đủ điều kiện. Trước hết là giải quyết thanh toán quỹ đất hoàn vốn cho các dự án thực hiện theo hợp đồng BT được ký trước ngày 1.1.2018.
Theo ông Châu, để đảm bảo việc chuyển giao minh bạch, công bằng, cần quy định sử dụng “tiền thuộc ngân sách nhà nước” để thanh toán dự án BT, là phương thức thanh toán chủ yếu. Trong trường hợp sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư, phải sử dụng quỹ đất chưa GPMB, cùng với điều kiện nhà đầu tư thực hiện ứng trước kinh phí GPMB theo phương án bồi thường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Không sử dụng quỹ đất đã GPMB, trụ sở làm việc để thanh toán cho dự án BT do tiềm ẩn nguy cơ làm thất thoát ngân sách nhà nước và khó đảm bảo nguyên tắc ngang giá.
TS Dương Như Hùng, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cũng cho rằng không nên có cái nhìn phiến diện, hiểu sai bản chất của hình thức đầu tư BT. Thực tế, có rất nhiều hình thức để nhà nước chuyển giao lại cho nhà đầu tư sau khi công trình được xây dựng. Có thể bằng tiền ngân sách, nhà nước đứng ra phát hành trái phiếu, huy động vốn từ dân sau đó trả lại cho nhà đầu tư; ưu tiên thực hiện 1 dự án khác để thu hồi vốn; hoặc trả bằng đất...
“Về cơ bản, đây chỉ là một hình thức mượn vốn trước từ doanh nghiệp, khi mà nhà nước chưa có điều kiện thực hiện ngay dự án. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách ngày càng eo hẹp như hiện nay, việc đa dạng các hình thức huy động vốn theo đặc thù từng lĩnh vực, từng dự án là cần thiết”, ông Hùng nói.
BT, BOT là những hình thức huy động vốn xã hội hóa hiệu quả nhất mà hầu hết các quốc gia đều sử dụng. Quan trọng nhất là cần cơ chế giám sát công khai, minh bạch. Còn tiêu cực thì phải tìm ra bất cập để sửa, không nên có tư duy không quản được thì cấm. Như vậy sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế.
TS Dương Như Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.