Thanh toán điện tử tăng trưởng đến 60-70%

Nguyên Nga
Nguyên Nga
19/07/2019 14:14 GMT+7

Con số trên được ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch HĐQT MoMo thông tin tại buổi họp báo công bố kết quả dự án “Khảo sát và bình chọn ví điện tử tiêu biểu Việt Nam” năm 2019.

Việc khảo sát và bình chọn do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư thực hiện và họp báo công bố kết quả vào sáng nay (19.7) tại TP.HCM.
Theo ông Diệp, lượng người thanh toán bằng ví điện tử tăng đến 60-70% so cùng kỳ năm ngoái (tính hết tháng 6.2019) và mức tăng trưởng nói chung của mô hình này tính hết tháng 6 khoảng 30-40% so cùng kỳ. Tuy nhiên, ông Diệp cũng nhấn mạnh yếu tố đào thải của lĩnh vực này rất cao. Trung Quốc từng có cả trăm thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực ví điện tử, nhưng đến nay chỉ tồn tại 2 ví là WeChat và Alipay. Tương tự, Mỹ cũng hàng chục loại ví nhưng nay phổ biến một số thương hiệu như PayPal, Google Pay… Trong tương lai, ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng, xu hướng sẽ là siêu ứng dụng (super app) bao gồm nhiều dịch vụ tích hợp trong đó, bởi chỉ một ứng dụng phục vụ thanh toán thôi không đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Tại buổi công bố kết quả khảo sát, một số ý kiến thắc mắc về tính bảo mật của ví điện tử, đại diện một trong các nhà kinh doanh mô hình này cho hay, các ví điện tử nói chung đang rất nỗ lực trong việc bảo mật thông tin khách hàng. Song song đó, người sử dụng cũng nên bảo vệ chính mình bằng việc không cung cấp mã khóa ví cho bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi nào chưa được kiểm chứng.

Ông Đặng Nhật Minh (phải) - Tổng biên tập Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư trao chứng nhận bình chọn ví điện tử tiêu biểu cho đại diện MoMo

Ng.Ng

Ông Trần Trọng Tú - Tổng thư ký Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư, thành viên Ban tổ chức cuộc khảo sát và bình chọn này thông tin, dự án “Khảo sát và bình chọn ví điện tử tiêu biểu Việt Nam” năm 2019 được thực hiện với sự tham vấn của Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam, dựa trên 5 tiêu chí: ví điện tử có tính nhận biết và phổ biến; được người tiêu dùng yêu thích và tin cậy; khả năng liên kết, mở rộng với các nhà cung cấp và hệ thống ngân hàng; tính tiện lợi trong giao dịch, thanh toán, sử dụng ứng dụng; tính an toàn và bảo mật.
Khảo sát được gửi đến hơn 20 ví điện tử đang hoạt động tại Việt Nam và có 12 hồ sơ ví điện tử phản hồi, nhưng 4-5 trong số ấy thực sự hoạt động thường xuyên và mạnh mẽ. 4.000 phiếu khảo sát được gửi đến người tiêu dùng, nhưng chỉ có 1.190 phiếu có tham gia khảo sát phản hồi hợp lệ. Đại diện ban tổ chức cuộc khảo sát cho rằng, theo tư vấn của E&Y, số lượng mẫu phản hồi đủ để đánh giá kết quả khảo sát một cách khách quan, đạt độ tin cậy 95%.
Kết quả khảo sát và bình chọn, có 3 ví điện tử được bình chọn là ví điện tử tiêu biểu năm 2018 gồm: MoMo, ZaloPay, Viettel Pay. Trong đó, MoMo là ví điện tử dẫn đầu trong khảo sát này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.