Thận trọng nhận chìm 200.000 m3 chất nạo vét xuống biển Đà Nẵng

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
21/04/2021 06:12 GMT+7

Các chuyên gia cảnh báo TP. Đà Nẵng cần thận trọng tìm kiếm địa điểm trên biển để nhận chìm 200.000 m 3 chất nạo vét, tránh đe dọa đến môi trường, hệ sinh thái biển...

Nhận chìm ở độ sâu 25 m

Tại hội thảo khoa học về giải pháp xử lý hiệu quả chất nạo vét từ hoạt động duy tu, xây dựng các tuyến luồng hàng hải, cảng tại Đà Nẵng do Sở TN-MT TP.Đà Nẵng tổ chức hôm qua 20.4, bà Trần Thị Tú Anh, Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ và môi trường - Cục Hàng hải VN, cho biết hiện trạng tuyến luồng hàng hải của Đà Nẵng (dài hơn 9,7 km) đã rất cạn. Giai đoạn 2017 - 2020, do khó khăn về việc tìm vị trí đổ nên tuyến luồng không được duy tu, ảnh hưởng lớn đến việc khai thác luồng tàu. Năm 2021, công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải Đà Nẵng nằm trong kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải đã được Bộ GTVT phê duyệt.
Phạm vi nạo vét luồng hàng hải Đà Nẵng từ luồng phao số 1, 2 đến hết vùng quay tàu bến số 3 bến cảng Tiên Sa, khối lượng khoảng trên 200.000 m3; kinh phí được giao thực hiện 46 tỉ đồng, dự kiến thi công nạo vét từ tháng 8 - 12.2021. Giai đoạn 2022 - 2025, khối lượng trung bình khoảng 150.000 m3/năm khi được giao khu vực biển để nhận chìm.
Bà Tú Anh cho biết thêm, năm 2020 và đầu năm 2021, Cục Hàng hải VN, Tổng công ty đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc (gọi tắt: tổng công ty) đã phối hợp với Sở TN-MT TP.Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tiếp tục tìm kiếm các vị trí trên bờ có khả năng tiếp nhận chất nạo vét, nhưng không có vị trí phù hợp. Ngày 1.3.2021, tổng công ty có văn bản đề nghị Sở TN-MT tham mưu cho UBND TP.Đà Nẵng chấp thuận khu vực có diện tích 100 ha (độ sâu -25 m hải đồ, tọa độ 16 độ 12’14’’ vĩ bắc - 108 độ 16’01’’ kinh đông). Ngày 19.3.2021, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản đồng ý về nguyên tắc cho tổng công ty nhận chìm chất nạo vét giai đoạn 2021 - 2025 tại khu vực biển đã nêu và yêu cầu thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định.
Hiện nay, Cục Hàng hải VN đang giao tổng công ty triển khai các thủ tục lập ĐTM (đánh giá tác động môi trường), lập dự án nhận chìm ở biển và giao khu vực biển theo các quy định. Do tuyến luồng không đảm bảo chuẩn tắc thiết kế dẫn đến nhiều tàu có tải trọng lớn vào cảng phải neo chờ, một số hãng tàu phải bỏ tuyến, chuyển tuyến, ảnh hưởng lớn đến hoạt động, kinh doanh, khai thác của các doanh nghiệp cảng, ảnh hưởng đến kinh tế của địa phương. Việc nạo vét duy tu là rất cấp bách trong thời điểm hiện nay.

Ảnh hưởng đến hệ sinh thái Sơn Trà ?

Tại hội thảo, PGS-TS Vũ Thanh Ca (Trường ĐH Tài nguyên môi trường Hà Nội) cho rằng vị trí đề xuất đổ thải ở khá xa bờ và sóng lớn. Nếu đổ chất nạo vét thì bùn sẽ phát tán trong dòng chảy, lan truyền đến khu vực Sơn Trà. Tuy nhiên khu vực này có sóng mạnh nên sẽ bị rửa trôi ngay, ảnh hưởng không đáng kể tới hệ sinh thái. Vị trí nhận chìm ở gần bờ trong vịnh Đà Nẵng sẽ khiến một số bãi tắm khá đục trong thời gian nhận chìm, làm giảm lượng du khách tắm biển… nhưng nước đục sẽ bồi lắng rất nhanh do hiện tượng kết bông. Chất nạo vét có thành phần chính là cát nên rất cần được tận dụng để nuôi bãi, bảo vệ bờ.
Phản biện ý kiến này, TS Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng khoa Môi trường công nghệ hóa - Trường ĐH Duy Tân, cho rằng việc đổ tại khu vực dự kiến sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến hệ san hô ở khu vực Sơn Trà. TS Phương nhấn mạnh, một trong những ảnh hưởng khiến san hô chết là do độ đục, trầm tích; do đó, tác động của trầm tích từ bãi đổ sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái ở Sơn Trà. Cát thô tại khu vực bãi đổ với dòng chảy mạnh, thay đổi theo mùa sẽ di chuyển cát đến hủy diệt hệ san hô của Sơn Trà. Bà Phương cũng cho rằng, 200.000 m3 là nguồn tài nguyên nhưng phải xử lý thế nào cho hợp lý. TP.Đà Nẵng nên đề xuất và tìm vị trí hợp lý hơn; khi đổ, phải xác định thành phần chất đổ là gì để tìm vùng có thể tận dụng để xây dựng một hệ rừng ngập mặn, tạo ra sinh kế cho người bản địa…
Đồng quan điểm, PGS-TS Võ Văn Minh, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cho rằng vị trí dự kiến đổ thải cần “phải chạy mô hình”, có hội thảo tìm giải pháp tối ưu. “Việc các nơi đổ thải chưa có sự cố nhưng sẽ gây suy thoái lâu dài hệ sinh thái. Con cháu không còn cá để ăn, đó là cái đáng lo nên cần đánh giá kỹ. Đà Nẵng phát triển du lịch nên phải tính đến việc ảnh hưởng bãi biển, du khách và cả hải sản phục vụ du lịch. Không phải làm được một bên nhưng một bên lại nhận hậu quả”, ông Minh cảnh báo.
TS Trần Văn Quang, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, khuyến cáo trong tương lai sẽ có nhiều dự án nhận chìm ở đây, nên kiến nghị: “Nếu cần, phải thuê tư vấn nước ngoài để làm mô hình. Chúng ta chỉ có đúng một địa điểm này nên cần phải có sự kiểm soát, tổng thể các dự án để chạy mô hình”. Ông Huỳnh Vạn Thắng, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng, cũng kiến nghị cần có cách đưa bùn thải xuống tận đáy biển, tránh gây ảnh hưởng môi trường nước.
Kết luận hội thảo, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, đánh giá việc nạo vét luồng vào cảng là hết sức cấp thiết, nhưng khi tiếp cận các vấn đề nhạy cảm với môi trường thì phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp lý. Tuy có nhiều lo lắng, nhưng theo ông Hùng dư luận có thể yên tâm bởi có các quy định và các cơ quan tham mưu phải làm đúng, luôn lắng nghe ý kiến của chuyên gia và sẽ đề xuất quy hoạch, phê duyệt một khu vực nhận chìm xuống biển lâu dài...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.