Tết đến, lại ngóng đường hoa

16/01/2021 06:03 GMT+7

Với chủ đề “TP.HCM: Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình”, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021 kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, vị thế tiên phong của TP.HCM trước vận hội mới.

Ý tưởng, thiết kế, bố cục thay đổi theo từng năm, đường hoa Nguyễn Huệ đang dần trở thành “đặc sản” của mùa xuân TP.HCM, là “thói quen” không thể thiếu trong những ngày đầu xuân năm mới của những người dân chọn ở lại ăn tết tại TP.

Gia đình trâu trong xưởng chế tác linh vật đường hoa Nguyễn Huệ

Tăng ca chạy đua tiến độ

Từ 7 giờ sáng, xưởng sản xuất của Công ty TNHH sản xuất mỹ thuật Văn Tòng (Q.12, TP.HCM) đã tất bật nghệ nhân làm việc. Được giao thực hiện 60 con trâu - linh vật của đường hoa Nguyễn Huệ năm nay - cơ sở của nghệ nhân Văn Tòng phải huy động hơn 40 nhân sự, bắt tay vào làm việc từ cách đây khoảng 2 tháng. Đến nay, công việc đã đạt được khoảng 70% tiến độ. Theo dự kiến, tất cả những linh vật này sẽ được hoàn thiện và chuyển tới trưng bày tại đường hoa Nguyễn Huệ trong 10 ngày nữa.
Hồ hởi, nghệ nhân Tòng “khoe” với chúng tôi đã 6 năm phối hợp cùng Tổng công ty Saigontourist chuẩn bị cho đường hoa tết. "Thực ra chúng tôi đã có gần 40 năm trong nghề nên về kỹ thuật không gặp khó khăn gì. Kế hoạch thực hiện cũng đã được bên tổng công ty triển khai từ rất sớm nên chúng tôi không áp lực nhiều về thời gian. Cái khó nhất là làm sao để điêu khắc cho những con trâu này có duyên, có hồn. Từ chất liệu phải tốt, sơn nước phải tốt, có dầu bóng cũng như từng chi tiết con trâu phải được điêu khắc cẩn thận, chi tiết nhất để linh vật trở nên tinh xảo, sinh động, khác với những chú trâu khác", nghệ nhân này chia sẻ.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu sẽ mở cửa phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân TP và du khách từ 19 giờ ngày 9.2 đến 21 giờ ngày 15.2.2021 (tức từ 28 tháng chạp âm lịch đến mùng 4 tết). Thời gian thi công sẽ diễn ra từ ngày 25.1 - 16 giờ ngày 9.2.2021 (tức từ ngày 13 - 28 tháng chạp năm Canh Tý).
Đầu tóc, quần áo phủ trắng toàn vụn xốp, anh Nghiêm Lệ Thuận, thợ chính đang thực hiện khâu chà xốp, tạo hình cho linh vật, cho biết những chú trâu linh vật được làm bằng chất liệu xốp mút. Loại xốp được sử dụng năm nay tốt hơn, mịn hơn và có thêm bê tông để các mô hình trở nên cứng cáp hơn. Tuy nhiên, chất liệu này có nhược điểm là dễ vỡ nên trước khi làm, các nghệ nhân phải qua bước xử lý là dán vải hoặc ép plastic để có thể bảo quản được vài tháng trong điều kiện ngoài trời. Những chú trâu lớn, tinh xảo được đặt ở vị trí trung tâm, đại cảnh sẽ được "chăm chút" kỹ hơn bằng cách phủ lớp lá sen thật trước khi tô màu. Đặc biệt, 1 trong 4 điểm nhấn của đường hoa Nguyễn Huệ năm nay là tiểu cảnh mùa len trâu, một đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ Nam bộ, dựng lên không gian cầu và nước mát mẻ, hài hòa, vừa mang màu sắc hiện đại, vừa lưu giữ nét truyền thống thân thuộc của làng quê. Do đó, những chú linh vật phải được xử lý, thêm lớp nhựa đường chống nước để có thể "hoàn thành nhiệm vụ".
“Tuy kế hoạch đã được triển khai từ rất sớm nhưng do mọi công đoạn đều được xử lý rất tỉ mỉ, cẩn thận nên thời gian để hoàn thiện một chú trâu cũng khá lâu. Mỗi con trải qua khoảng 7 công đoạn. Con nhỏ thì mất 3 - 4 ngày là xong, con vừa mất 7 - 8 ngày, còn con lớn phải 10 - 12 ngày mới hoàn chỉnh được. Vì thế, gần 1 tháng trở lại đây, chúng tôi đã phải tăng ca làm tới 9 - 10 giờ đêm để "chạy nước rút", kịp hoàn thành tiến độ bàn giao cho bên ban tổ chức”, anh Thuận nói.
Trở lại xưởng sản xuất mô hình tại Khu Du lịch Văn Thánh (Q. Bình Thạnh) khi đã gần giữa trưa, dưới cái nắng chói chang hanh khô của trời Sài Gòn những ngày giáp tết, hơn 10 kỹ sư, nghệ nhân vẫn đang miệt mài làm việc. Với không gian bên ngoài rộng lớn hơn, đây là nơi tập kết những vật liệu để thực hiện các công đoạn liên quan cơ khí. Những chiếc xuồng, buông hoa, khuôn trăng… được kết bằng mây, tre đã thành hình… Một vài chú trâu đặc sắc nhất được dán bằng vỏ cừ tràm để "lớp da" trở nên sinh động, thật hơn, tinh xảo hơn cũng đang được các nghệ nhân tỉ mỉ thực hiện những công đoạn cuối cùng. Tuy vất vả nhưng ai nấy đều háo hức vì mình đang được góp sức tạo dựng nên một trong những biểu tượng của TP mỗi dịp tết đến, xuân về.

Các nghệ nhân tỉ mỉ hoàn thiện linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ năm nay

Ảnh: H.Mai

Trâu này phải khác trâu xưa

Đường hoa Nguyễn Huệ 2021 là đường hoa thứ 18 được thực hiện trong dịp tết cổ truyền tại trung tâm TP.HCM, kể từ lần đầu tiên vào Tết Giáp Thân năm 2004. Gần 2 thập kỷ qua, cứ tới khoảng tháng 11 - 12 là người dân TP lại háo hức chờ đón thông tin về đường hoa Nguyễn Huệ để xem năm nay có gì mới, đặc sắc.
Trong đó, chủ đề của đường hoa là một trong những nội dung được quan tâm rất nhiều. Không chỉ biểu trưng cho giá trị lịch sử, văn hóa và bản sắc của người dân TP.HCM, chủ đề đường hoa còn là bản thông điệp, lời nhắn gửi của lãnh đạo TP về nhiệm vụ, xu hướng phát triển trong năm mới. Đơn cử, năm 2007, chuẩn bị sẵn sàng cùng con thuyền VN chính thức giương buồm ra khơi, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đường hoa Nguyễn Huệ năm đó lấy chủ đề “Trên đường hội nhập” với biểu tượng điểm nhấn là những con heo bằng đất và gốm bên cạnh 100.000 chậu hoa các loại, dự báo một năm mới ấm no.
Trước giai đoạn khó khăn do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài
2 năm từ 2008 - 2009, TP.HCM liên tiếp khẳng định tinh thần quật cường của những người con Nam bộ, quyết tâm “Vượt sóng” (chủ đề đường hoa Nguyễn Huệ 2008) và “Vững tin” (chủ đề Tết Kỷ Sửu 2009). Để sau đó, TP.HCM hứng khởi đón năm 2010 với chủ đề đường hoa Nguyễn Huệ là “Xuân Bình Minh”, thể hiện những tín hiệu lạc quan về kinh tế - xã hội của thành phố trong năm mới. Liên tiếp sau đó, các “tuyên ngôn đầu năm”: Tầm cao mới, Việt Nam quê hương tôi, Trái tim Việt Nam, TP.HCM - Thành phố tôi yêu; Bản sắc Việt - Hào khí Việt Nam; TP.HCM - Hòa bình, thịnh vượng và phát triển; Thành phố mang tên Bác - Khát vọng ngời sáng; Khát vọng vươn cao; Vững bước vươn xa… đã đưa đường hoa Nguyễn Huệ trở thành chứng nhân quan trọng trên từng đoạn đường phát triển của TP mang tên Bác.
Ông Nguyễn Đông Hoàng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Saigontourist, Phó ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ 2021, thông tin: Đây là lần thứ 2 hình ảnh con trâu quay trở lại với đường hoa Nguyễn Huệ, nhưng tiếp nối sứ mệnh trên, linh vật năm nay có sự thay đổi rất lớn so với năm Kỷ Sửu 2009. Nếu linh vật năm 2009 là 1 chú trâu theo phong cách truyền thống đứng bên 1 đụn rơm, bên lũy tre làng thì năm nay là cả gia đình trâu với phong cách thiết kế hiện đại hơn, thể hiện ý tưởng chủ đề năm nay - TP.HCM: Văn minh - Hiện đại. Đồng thời, thể hiện giá trị truyền thống của một đại gia đình, biểu trưng cho sự đoàn kết của toàn TP quyết tâm thực hiện đổi mới, sáng tạo, phát triển trong giai đoạn tới.

Mang thiết kế hữu cơ vào Đường hoa Tân Sửu

Đáng chú ý, ngôn ngữ bao trùm trong thiết kế đường hoa Nguyễn Huệ 2021 là thiết kế hữu cơ (organic design & architecture), chuyển tải thông điệp xanh, lối sống thân thiện với môi trường. Ở đó, sự chuyển động, hòa quyện giữa nước, ánh sáng nghệ thuật trên nền công nghệ 4.0 được thể hiện xuyên suốt đường hoa trong các đại cảnh, tiểu cảnh như An yên xuân về, Mừng Xuân mừng Đảng, Vòm lan rực rỡ, Hào khí VN, Bức tranh đồng dao, Vòm đoàn kết, hay đoạn trưng bày sản phẩm đặc trưng của khu nông nghiệp công nghệ cao…
Thiết kế hữu cơ là hình thức thiết kế thúc đẩy sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, biến đổi từ hình thức thiết kế hình khối trở thành nghệ thuật điêu khắc tự nhiên thông qua việc áp dụng các đường cong và hình dạng tự do trong kiến trúc, tạo hình. Chuyển động cơ học cũng được sử dụng trên đường hoa tạo nên hơi thở động của cuộc sống trong phân đoạn gia đình trâu tại cổng đường hoa hay chuyển động đa chiều của hoa sen khổng lồ được tạo hình bằng mây tre.
"Tích hợp những giá trị văn hóa cổ truyền vào ngôn ngữ thiết kế hiện đại, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021 hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo nên một không gian trải nghiệm đáng nhớ đối với người dân thành phố và du khách trong những ngày xuân mới", đại diện Saigontourist Group khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.