Tất cả cổ phiếu tăng trần

24/07/2009 23:56 GMT+7

Tất cả cổ phiếu (CP) đều tăng trần bất kể hoạt động của doanh nghiệp ra sao, đó là kết quả của phiên giao dịch cuối tuần ngày 24.7.

Theo các chuyên gia chứng khoán, thị trường đang từ cực này (giảm giá kéo dài) đột ngột nhảy sang cực kia (tăng giá toàn bộ) cho thấy sau 9 năm TTCK hoạt động, nhà đầu tư (NĐT) vẫn đang theo tâm lý số đông.

Ào ạt mua

Hầu hết các mã chứng khoán (CK) đều tăng giá ngay từ khi mở cửa thị trường. VN-Index đã vượt lên trên mức 450 điểm và đóng cửa đạt 454,71 điểm, tăng 20,51 điểm tương đương tăng 4,72%. Tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng thêm 7,07 điểm, tương đương tăng 4,79% và đóng cửa đạt 154,62 điểm. Nhiều NĐT trên sàn không ngạc nhiên trước diễn biến này mà chỉ tập trung chạy đua đặt lệnh mua cho bằng được. Tổng khối lượng đặt mua tại sàn TP.HCM trong phiên lên đến 120 triệu CK (tăng 105,28%) và chỉ khớp được 28,53 triệu CK khi bên bán găm hàng, cột dư bán ở các mã gần như bằng không.

Thị trường UPCoM hôm qua cũng có một phiên giao dịch khởi sắc với nhiều CP tăng giá. Chỉ số UPCoM-Index tăng thêm 2,07 điểm, tương đương tăng 2,83% và đóng cửa đạt 75,17 điểm. Có 132.326 CP được giao dịch với tổng trị giá đạt hơn 13 tỉ đồng.

Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với nhiều phiên trước đó khi bên bán luôn áp đảo. Chẳng hạn như ở phiên đầu tuần 20.7, khối lượng đặt mua có 41 triệu CK trong khi lượng đặt bán là 48,6 triệu CK; phiên ngày 22.7 lượng đặt mua là 36,6 triệu CK và đặt bán là 43 triệu CK; phiên 13.7 lượng đặt mua là 43,7 triệu CK khi đặt bán là 56 triệu CK... Diễn biến thường nghiêng về một phía (hoặc dư bán hoặc dư mua) như của phiên 24.7 thường xuyên diễn ra trên TTCK Việt Nam kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2000 đến nay. Các CK khi tăng giá cũng đồng loạt mà khi giảm cũng không loại trừ một mã nào, bất kể tình hình hoạt động của doanh nghiệp niêm yết tốt hay xấu.

Ở phiên 24.7,hách quan mà nói thì cũng có nhiều thông tin hỗ trợ tốt cho thị trường như TTCK  Mỹ phiên tối hôm trước đó (giờ Việt Nam) đã tăng mạnh mẽ. Quan trọng nhất là chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ tăng mạnh 188,03 điểm tương đương tăng 2,12% và đạt mức 9.069,29 điểm. Khi chỉ số Dow Jones tăng vượt ngưỡng 9.000 điểm đã tạo nên tâm lý lạc quan của NĐT tại Mỹ và nhiều nước về sự phục hồi của nền kinh tế mạnh này. "Ngoài yếu tố bị tác động do thị trường chứng khoán Mỹ tăng thì bản thân NĐT Việt Nam cũng không còn quá lo lắng về việc xiết chặt tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước. Sau những thông tin bi quan trước đó thì trên thực tế bản thân các ngân hàng thương mại cũng không có động thái nào rõ ràng về việc xiết chặt này", ông Lý Tiết Dũng - quyền Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đà Nẵng - nhận định. Ông Lê Anh Thi - Giám đốc bộ phận tư vấn - phân tích Công ty chứng khoán u Việt - cho rằng thị trường đã bật trở lại mạnh mẽ sau một tháng bị kềm nén và bản thân nhiều NĐT cũng chờ cơ hội để tham gia vào. Tâm lý căng thẳng của NĐT được giải tỏa sau khi Ngân hàng Nhà nước khẳng định không bắt buộc các ngân hàng thương mại mua tín phiếu...

Chỉ số chứng khoán nhiều nơi trên thế giới đã tăng khá mạnh trong hai ngày qua. Theo hãng tin Bloomberg, hôm 23.7, chỉ số Dow Jones của Mỹ tăng 188,03 điểm (2,12%), lên mức 9.069,29 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 22,22 điểm (2,33%), lên 976,29; Nasdaq tăng 47,22 điểm (2,45%), lên mức 1.973,60. Tại Nhật Bản vào hôm qua, chỉ số Nikkei tăng 134,78 điểm (1,4%), lên mức 9.927,72 điểm. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp Nikkei duy trì tăng trưởng. Chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông cũng tăng 92,25 điểm, lên mức 19.909,95. Thị trường chứng khoán tại Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nơi khác cũng ấm lên trong những ngày qua, sau khi có các báo cáo bớt bi quan về tình hình kinh tế. (C.M.L)
Dù vậy, các chuyên giá chứng khoán được hỏi vẫn khẳng định tình trạng khi thì "xô nhau bán", lúc thì "xô nhau mua" cho thấy TTCK Việt Nam vẫn đang bị chi phối bởi tâm lý số đông của NĐT. 

Khối ngoại đi ngược thị trường

Trong khi nhiều NĐT cá nhân trong nước đẩy mạnh mua vào thì ngược lại, NĐT nước ngoài đã tăng mạnh bán ra. Tại sàn TP.HCM, NĐT nước ngoài mua vào 2,7 triệu CK có tổng trị giá 132,7 tỉ đồng (giảm 21,54% về khối lượng và giảm 18,8% về giá trị so với phiên trước); bán ra 3,98 triệu CK có tổng trị giá 170,9 tỉ đồng (tăng 98,61% về khối lượng và tăng 91,8% về giá trị).

Như vậy khối ngoại đã chấm dứt chuỗi mua ròng liên tiếp trong 3 tuần vừa qua và ở phiên hôm qua đã bán ròng hơn 38 tỉ đồng. Động thái này của khối ngoại cũng diễn ra tương tự trên sàn Hà Nội khi bán ra gấp 3 lần mua vào.

Hôm qua cũng là phiên NĐT nước ngoài đẩy mạnh giao dịch trên sàn Hà Nội. Khối ngoại mua vào 708.800 cổ phiếu (CP) có tổng trị giá 27,93 tỉ đồng (tăng 81,65% về khối lượng và tăng 94,7% về giá trị so với phiên trước) nhưng đẩy mạnh bán ra 2,4 triệu CP có trị giá  80,8 tỉ đồng (tăng 447,64% về khối lượng và tăng 508,29% về giá trị).

Ông Lê Anh Thi nhận định hành động của NĐT nước ngoài không làm người ta quá ngạc nhiên vì trong quá khứ đã nhiều lần họ cũng giao dịch tương tự. Thế nhưng hiện nay, giao dịch của khối ngoại không phải là nhân tố dẫn dắt chung trên TTCK Việt Nam. "NĐT cá nhân trong nước cũng đã có kinh nghiệm và các phân tích kỹ thuật trong đầu tư chứng khoán nhưng tâm lý cũng luôn chi phối họ và đó là đặc điểm riêng của các thị trường mới nổi như Việt Nam. Đặc biệt có những thời điểm như diễn biến của thị trường phiên hôm qua thì rõ ràng yếu tố tâm lý đã chi phối và lấn át cả những yếu tố khác", ông Lê Anh Thi nói. Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM cũng cho rằng có thể NĐT cá nhân Việt Nam đã trưởng thành về những khía cạnh khác nhưng riêng tâm lý thì không hề thay đổi như khi vừa mới tham gia TTCK.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa QTKD, ĐH Ngân hàng TP.HCM: NĐT phải biết tự kiểm soát

Nhiều nhà đầu tư (NĐT) cá nhân Việt Nam khi tham gia thị trường đều theo hướng đầu tư ngắn hạn, hay còn gọi là "lướt sóng". Bản chất việc lướt sóng là dựa theo phân tích kỹ thuật nhưng nhiều NĐT cá nhân Việt Nam hiểu về lý thuyết sóng không nhiều. Hơn nữa trong quá khứ, nhiều NĐT chỉ đầu tư theo tâm lý lại thành công hơn nên đôi khi không tin vào đồ thị kỹ thuật.

Có 5 dạng tâm lý mà các NĐT chứng khoán thường gặp như như lây lan (theo vô thức); có ý thức nhưng cả tin do thiếu kiến thức; áp lực nhóm như dù đã kiên quyết không mua nhưng khi thấy người khác mua nhiều thì lại lao ra mua; bị thuyết phục bởi các phân tích, tư vấn của những người khác và tâm lý bắt chước. Cả 5 dạng tâm lý này đều ngự trị trên TTCK Việt Nam rất rõ ràng và tùy thời điểm nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác chứ cường độ không hề thay đổi. Tham gia theo trường phái tâm lý là đầu tư theo dạng ngẫu nhiên với xác suất thành công và rủi ro là 50-50. Nhưng mức độ rủi ro càng gia tăng khi thị trường tâm lý luôn thay đổi và khó dự báo ở tương lai.

Tại nhiều nước có TTCK phát triển, NĐT cá nhân cũng sợ bị tâm lý chi phối nên đa số họ bỏ tiền vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp để có sự đầu tư tỉnh táo hơn. Trong khi đó, khối NĐT ngoại tham gia vào thị trường với tư cách đầu tư nhưng khi có cơ hội thì lại kết hợp cả việc lướt sóng để thu lợi nhuận. Việc mua vào liên tục thời gian qua của khối ngoại cũng góp phần tác động đến tâm lý của các NĐT trong nước và góp phần nâng đỡ VN-Index đi lên. Thế nhưng khi thị trường tăng lên và nhiều NĐT cá nhân cùng tham gia thì họ có cái đầu tỉnh táo hơn nên không chạy theo mà bắt đầu bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận. Các NĐT Việt Nam phải tự biết cách kiểm soát được hành động của mình bằng lý trí nếu không muốn phải trả giá đắt cho bài học đầu tư này.

M.P (ghi)

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.