Tập trung giải cứu cảng Cát Lái

06/08/2021 06:21 GMT+7

Tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái (TP.HCM) đã đến đỉnh điểm và đang ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động của doanh nghiệp.

Phải chuyển sang đường bộ?

Hôm qua 5.8, bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty giày Liên Phát (Bình Dương), cho biết công ty đang còn tồn 1 container nguyên liệu nhập về từ đầu tháng 8 ở cảng Cát Lái, tuy nhiên không được phép ra làm thủ tục nhận hàng. Hiện công ty đã tạm ngừng hoạt động từ ngày 20.7 sau vài ngày thực hiện sản xuất 3 tại chỗ (3T) nhưng gặp nhiều khó khăn. Riêng những nhân viên liên quan bộ phận xuất nhập khẩu (NK) cũng không thể ra cảng do TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Bà Liên cho hay chỉ 1 container nhưng nếu để chậm một ngày ở cảng có thể bị mất phí 20 USD và sang ngày thứ hai sẽ nhân đôi. Chưa kể hiện vẫn còn tồn 3 - 4 container sản phẩm lưu kho chờ xuất hàng giao cho đối tác nhưng cũng chưa thực hiện được và phải hẹn khách hàng chờ sang tháng 9.
Tương tự, đại diện Hội Xuất nhập khẩu hàng đông lạnh TP.HCM cho hay có hiện trạng một số doanh nghiệp (DN) nhỏ nhập về không bán được, hàng tồn tại cảng và bỏ luôn. Vị này cho biết thông thường NK thịt đông lạnh các loại, nhà NK phải đặt cọc trước cho công ty ở nước ngoài khoảng 10% giá trị lô hàng. Khi không bị ảnh hưởng giãn cách xã hội, DN nhập đến làm thủ tục, trả tiếp tiền cho phía đối tác để lấy hàng về bán. Nay nhiều mặt hàng nhập về không có người mua hoặc giá giảm sâu, vì thế nhiều DN nhập vài chục container hàng về cũng không bán được, không có tiền để lấy hàng ra, nên bỏ hàng. Điều này gây thiệt hại lớn cho phía bán hàng và DN NK trong nước cũng bị ảnh hưởng về uy tín.
Ông Trần Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH giày Viễn Thịnh (Long An), chia sẻ từ đầu tháng 6, khi nhận thấy hàng nhập về cảng Cát Lái kéo dài lên hơn 20 ngày mà chưa thông quan xong nên ông đã thay đổi và chuyển sang đi đường bộ. Đối với những nguyên liệu sản xuất da giày phần nhiều mua từ Quảng Châu (Trung Quốc) nên công ty yêu cầu đối tác vận chuyển qua đường Lào Cai và về tới nhà máy khoảng một tuần. Còn với một số nguyên phụ liệu khác NK từ Ý, Ấn Độ... thì chuyển hẳn sang đường hàng không. Chi phí vận chuyển bằng hàng không hay đường bộ đều tăng lên khoảng 3 lần so với đường biển, nhưng theo ông Linh phải chấp nhận để đảm bảo cho hoạt động sản xuất được liên tục, nhất là nay công ty cũng đã tổ chức hoạt động theo mô hình 3T.

Tạo thuận lợi cho DN làm thủ tục

Sáng qua 5.8, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Cục Hải quan TP.HCM và các cục hải quan tỉnh, thành phố liên quan để giải quyết ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái. Theo đó, yêu cầu vận chuyển hàng hóa đang lưu giữ tại cảng Cát Lái đến cảng biển khác trên địa bàn TP.HCM và các cảng cạn/ICD. Chẳng hạn, hàng hóa NK của các DN tại tỉnh Đồng Nai được vận chuyển về ICD Tân cảng Long Bình hoặc ICD Tân cảng Nhơn Trạch; hàng hóa NK của các DN tại tỉnh Bình Dương được vận chuyển về ICD Tân cảng Sóng Thần; Hàng hóa NK của các DN tại các tỉnh miền Tây được vận chuyển về Tân cảng Hiệp Phước...
Còn theo đề xuất của Bộ Công thương, Chính phủ giao UBND TP.HCM và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có cảng biển ưu tiên tiêm vắc xin chống dịch Covid-19 cho những người công tác tại cảng, kể cả nhân viên giao nhận, lái xe. Đồng thời, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương có cảng biển xem xét phương án khi có ca nhiễm Covid-19 thì một mặt cách ly những trường hợp liên quan, mặt khác vẫn cho phép cảng hoạt động nhằm đảm bảo mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát trển kinh tế”. Cùng với đó, Bộ Công thương cho rằng Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cần xem xét giảm giá lưu container, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng Cát Lái của các DN đang bị dừng sản xuất do tác động của dịch Covid-19.

Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng các giải pháp giải phóng hàng ở cảng Cát Lái trước nguy cơ có thể phải tạm ngưng tiếp nhận tàu, do lượng hàng tồn quá lớn. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, nhiều giải pháp đã được đưa ra cùng chủ hàng tháo gỡ để sớm nhận hàng, tăng năng lực khai thác của bãi cảng, giảm lượng hàng nhập về cảng... Tuy nhiên, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan) có cơ chế cho phép Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (đơn vị quản lý cảng Cát Lái) vận chuyển container hàng NK, trong đó có container tồn đọng trên 90 ngày về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng và thanh lý hàng tồn đọng tại các cơ sở, gồm Tân cảng Hiệp Phước và các ICD: Tân cảng Nhơn Trạch, Tân cảng Long Bình (Đồng Nai), ICD Tân cảng Sóng Thần (Bình Dương). Theo đó, ngành hải quan cần nhanh chóng thanh lý hàng tồn đọng; mở rộng các danh mục hồ sơ được tải lên Cổng thông tin một cửa quốc gia mà không cần bản giấy.
Theo báo cáo mới nhất, sau cuộc họp với Cục Hàng hải VN, hiện Tân cảng Sài Gòn đã lên kế hoạch và thực hiện chuyển container hàng nhập tồn lâu ngày (trên 90 ngày) đi Tân cảng Hiệp Phước để lấy thêm chỗ chứa container hàng nhập tại cảng Cát Lái. Hàng tồn tại cảng Cát Lái đã giảm từ gần 108.800 teu (ngày 3.8), chiếm 87,7% dung lượng bãi, còn hơn 106.700 teu (ngày 4.8), chiếm 85,1%. Lượng hàng giảm này đã được chuyển từ Cát Lái về các cảng lân cận và khu vực Cái Mép.
Mai Hà
Chuyên gia xuất NK Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty TNHH SeaAir Global, đề xuất nên đăng ký thời gian nhận hàng theo mẫu và báo công an phường hoặc trung tâm y tế địa phương. Sau khi kết thúc việc khai thác hàng, nếu cẩn thận thì phải yêu cầu cá nhân tham gia đến trung tâm y tế địa phương đã đăng ký trước đó để xét nghiệm lần nữa. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, cũng cho rằng ngoài giải pháp của cảng, thì hải quan cũng cần tạo điền kiện thuận lợi trong thủ tục xuất, NK của các DN để giải phóng hàng nhanh, tránh trường hợp bỗng nhiên gia tăng hồ sơ kiểm tra, kéo dài thời gian lưu hàng như trường hợp mới đây, các DN hồ tiêu phản ánh tỷ lệ tờ khai luồng vàng (kiểm tra hồ sơ) đối với hồ tiêu xuất khẩu đã tăng từ 8% lên đến 60% và tập trung chủ yếu ở mặt hàng tiêu đen. Thậm chí, có DN trên 95% lô hàng xuất khẩu phân luồng vàng đã gây ra rất nhiều khó khăn cho DN khi chi phí gia tăng, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Cuối tháng 7, Tổng cục Hải quan đã đưa mặt hàng hồ tiêu ra khỏi danh mục áp dụng phân luồng vàng...
Theo Cục Hải quan TP.HCM, dự kiến 2 tuần tới, tổng tồn bãi tại cảng Cát Lái tăng khoảng 5% lên mức 115.000 teu, chiếm khoảng 91% dung lượng thiết kế. Trong đó, sản lượng nhập tồn bãi sẽ tăng khoảng 5% lên mức 53.500 teu (chiếm 100% dung lượng thiết kế hàng nhập), hàng xuất sẽ vẫn duy trì tồn như hiện nay chiếm 76% dung lượng thiết kế. Trước đó, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cảnh báo nguy cơ đóng cảng Cát Lái nếu hàng container tăng liên tục trong thời gian tới trong khi nhân sự làm việc do bị cách ly, phong tỏa và liên quan đến các ca nhiễm bệnh nên giảm một nửa, khiến cảng có nguy cơ gián đoạn hoạt động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.