Tập đoàn mỹ phẩm Hàn Quốc đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam

Mai Phương
Mai Phương
11/10/2019 18:57 GMT+7

Hôm nay 11.10 tại Jakarta, Indonesia, Tập đoàn Amorepacific họp báo dành riêng cho các đại diện từ năm quốc gia Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia) để chia sẻ về tầm nhìn và chiến lược trong khu vực này.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với trọng tâm là thị trường Đông Nam Á, được dự đoán sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định. Do đó đây là khu vực tiềm năng hấp dẫn sự chú ý của các tập đoàn làm đẹp toàn cầu. Trong bối cảnh này, Tập đoàn Amorepacific (Hàn Quốc) đang nhắm đến mục tiêu đạt doanh thu 500 tỉ KRW (khoảng 10 triệu tỉ đồng) hằng năm đến 2023 tại khối ASEAN. Để tiến đến mục tiêu này, tập đoàn sẽ mở rộng thị trường như xem xét đầu tư vào Myanmar và Campuchia; mở rộng danh mục sản phẩm với kế hoạch ra mắt các thương hiệu mới được thiết kế riêng theo nhu cầu của mỗi thị trường. Vừa tăng cường kinh doanh cho các thương hiệu chăm sóc da hàng đầu của công ty như Sulwhasoo, Laneige và Mamonde, đồng thời tập đoàn cũng tích cực lên kế hoạch để phát triển các thương hiệu chăm sóc tóc trong khu vực như Ryo và Mise-en-scène.
Ngoài ra, chiến lược của tập đoàn Amorepacific là đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của đối tượng khách hàng cũng như chuyển đổi danh mục đầu tư kinh doanh sang các kênh kỹ thuật số và các cửa hàng gồm nhiều thương hiệu. Trước đó, vào tháng 5.2019, tập đoàn Amorepacific đã ký hợp tác chiến lược với tập đoàn Lazada để tăng cường các kênh phân phối kỹ thuật số của mình tại khu vực ASEAN.

Người dùng trải nghiệm sản phẩm tại sự kiệnExcitung Amorepacific ở Jakarta

M.P

Theo ông Robin Na, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Amorepacific, thị trường Việt Nam có đặc tính khác biệt so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Nhưng Việt Nam có đối tượng người tiêu dùng trẻ và năng động, họ chủ động hơn trong việc tìm kiếm các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc da. Cùng với đó là sự tăng trưởng của kênh bán hàng trực tuyến. Vì vậy mục tiêu của tập đoàn tại Việt Nam là làm sao để có một chiến lược kinh doanh khác biệt và hiệu quả để tạo ra thế mạnh cạnh tranh.
Trong báo cáo nghiên cứu về thị trường mỹ phẩm Việt Nam năm 2019 của Q&Me, việc sử dụng các sản phẩm trang điểm đã tăng lên cả về mức độ thường xuyên sử dụng và chi tiêu. Số người trang điểm hằng ngày tăng lên 30% trong khi số người hoàn toàn không trang điểm giảm từ 24% của năm 2016 xuống còn 14%. Điều này giúp thị trường mỹ phẩm Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực dù quy mô thị trường còn nhỏ so với các quốc gia như Indonesia, Thái Lan...
Còn theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel (có trụ sở tại London), năm 2019 thị trường mỹ phẩm của Việt Nam trị giá khoảng 2,3 tỉ USD. Hiện tại, các thương hiệu nước ngoài chiếm 90% thị phần mỹ phẩm của Việt Nam, trong đó các sản phẩm Hàn Quốc đứng đầu về thị phần.
Từ ngày 7 - 13.10 tại Jakarta, Tập đoàn Amorepacific tổ chức sự kiện "Exciting Amorepacific, Exciting ASEAN". Tại đây, khách hàng có thể trải nghiệm các thương hiệu nổi bật và tìm hiểu về lịch sử phát triển của tập đoàn cũng như là tinh thần sáng tạo đổi mới tại khu vực trưng bày. Sự kiện đã thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.