Tăng tốc kết nối liên vùng

19/12/2020 00:00 GMT+7

Sau nhiều năm loay hoay trong bài toán hạ tầng, loạt dự án kết nối giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đang được rục rịch triển khai.

Rục rịch “đánh thức” loạt cao tốc

Có lợi thế về đường sông, đường bộ nhưng bao năm nay, kết nối giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận rất yếu. Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có 6 tuyến đường cao tốc kết nối với TP.HCM với 7 tỉnh lân cận, nhưng hiện mới chỉ hoàn thiện được 2 đường, gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc HLD) kết nối các tỉnh phía đông và TP.HCM - Trung Lương kết nối các tỉnh miền Tây.
Trong đó, cả 2 tuyến đường này đều đang rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng. Đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành được kỳ vọng hoàn thành vào giữa năm 2018 sẽ kết nối giao thông giữa các tỉnh Tây và Đông Nam bộ không phải qua trung tâm của TP.HCM, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nhưng đến nay mới hoàn thành gần 80% khối lượng và đang mắc kẹt vì thiếu vốn và giải phóng mặt bằng.
Các dự án khác như tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dự án có hiệu quả cao nhất), đường cao tốc tuyến TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành chiều dài 69 km với 6 - 8 làn xe... mới chỉ đang nằm trong quy hoạch. Cùng với đó, tiến độ mở rộng các quốc lộ (QL) hiện hữu để giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực nội đô TP.HCM, tạo liên thông vùng như mở rộng QL1, QL13, QL50... đã nằm chờ hàng thập niên vẫn chưa nhúc nhích.
Trước thực trạng trên, mới đây, Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long vừa có văn bản gửi Bộ GTVT báo cáo tình hình lập đề xuất phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc HLD). Cụ thể, đề xuất mở rộng quy mô 8 làn xe đối với đoạn từ nút giao An Phú đến Long Thành (dài 24 km), riêng đoạn từ Long Thành - Dầu Giây giữ nguyên quy mô 4 làn xe như hiện tại. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là hơn 9.976 tỉ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Trần Văn Thi, Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, cho biết đơn vị này đang kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung quy hoạch mở rộng dự án lên quy mô 10 - 12 làn xe để làm cơ sở pháp lý, thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Trước đó, Bộ GTVT đã chính thức khởi công dự án cầu Mỹ Thuận 2, thuộc 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông, với tổng vốn đầu tư từ ngân sách hơn 5.000 tỉ đồng. Đây là dự án kết nối 2 cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các tuyến chính đã và đang xây dựng tại miền Tây Nam bộ. Dự kiến cuối tháng này, đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng sẽ được khởi công, kỳ vọng đến năm 2023 sẽ hoàn thành.
Sở GTVT TP.HCM cũng đã bổ sung 5 tuyến đường có tổng chiều dài hơn 239 km vào quy hoạch phát triển giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Các tuyến giao thông kết nối được đề xuất bổ sung gồm: đường ven hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) nối với sông Sài Gòn (TP.HCM); đường nối từ nút giao Gò Công (Tiền Giang) qua sông Đồng Nai kết nối QL20, QL1; đường nối QL14 với Chơn Thành (Bình Phước), hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), Thuận An (Bình Dương) và cao tốc Gò Dầu - TP.Tây Ninh - Xa Mát (Tây Ninh)... Đồng thời, đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ làm tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Đường sắt, đường thủy cũng “ngọ nguậy”

Không chỉ tập trung cho đường bộ, để tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, kéo giảm chi phí logistics, TP.HCM đã lên kế hoạch tăng tốc, rót hàng tỉ USD để phát triển vận tải đường sắt và đường thủy.
Cụ thể, theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, Sở GTVT TP đã xây dựng chương trình phát triển mạng lưới đường thủy nội địa tại TP, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án nạo vét, nâng cấp các cầu trên tuyến nối tắt và liên kết nội thành với khu vực cảng biển.
Nhằm tăng kết nối vùng TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, Sở sẽ thông qua 5 tuyến đường thủy nội địa gồm: Sài Gòn - Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây) và Sài Gòn - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai), Sài Gòn - Thị Vải, Sài Gòn - Bến Súc, Sài Gòn - Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông). Đối với hướng về các tỉnh Tây Nam bộ cũng có 5 tuyến: Duyên hải Sài Gòn - Cà Mau và tuyến ven biển từ TP.HCM đến Kiên Giang, Sài Gòn - Hà Tiên, Sài Gòn - Kiên Lương, Sài Gòn - Cà Mau. Tổng vốn đầu tư dự kiến trong giai đoạn này là hơn 21.000 tỉ đồng, trong đó hơn 4.100 tỉ đồng đầu tư cho luồng tuyến và các dự án cảng cùng chi phí duy tu, bảo trì các tuyến đường thủy mỗi năm khoảng 570 tỉ đồng (trong 30 năm cần hơn 17.000 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, xác định cần phát triển mạng lưới đường sắt hiện đại vận chuyển hàng hóa thông suốt, kết nối các cảng biển quan trọng của TP.HCM và khu vực phía nam. Trong đó, có 5 tuyến đường sắt tốc độ cao gồm tuyến TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ (dự kiến kéo dài đến Cà Mau); tuyến TP.HCM - Tây Ninh (định hướng kéo đến cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát); Hướng đi Đồng Nai có tuyến Thủ Thiêm - sân bay Long Thành điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM); Tuyến đường sắt đôi chuyên dụng được nghiên cứu kết nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước (TP.HCM) và cảng Long An. Cùng với đó là tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trong đó ưu tiên xây dựng đoạn TP.HCM - Nha Trang, dài 366 km đáp ứng nhu cầu vận tải lớn. Đoạn từ Thủ Thiêm đến ga Bình Sơn (Đồng Nai) dài 32 km được đầu tư đường sắt tốc độ cao.

Cần vận động nhiều nguồn lực

Báo cáo của Sở GTVT cho biết TP.HCM dự kiến cần 83.061 tỉ đồng (tương đương hơn 3,6 tỉ USD) để thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn và kết nối các tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên, bài toán vốn còn rất nhiều khó khăn. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, kể từ năm 2017 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020), tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách TP giảm từ 23% xuống còn 18% trong khi nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng.
Mặt khác, ngân sách T.Ư chi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP còn chậm so với kế hoạch. Việc huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước cũng còn nhiều hạn chế và khó khăn nhất định. Cụ thể, nguồn vốn ODA với các chính sách ưu đãi về vốn vay (lãi suất và thời gian trả vốn và lãi vay) đang dần bị thu hẹp lại do sự tăng trưởng về kinh tế và thu nhập bình quân đầu người. Thời gian qua, việc triển khai thu hút vốn đầu tư cho các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) chủ yếu thông qua các hình thức hợp đồng BOT, BT cũng gặp nhiều vướng mắc về pháp lý.
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường đại học Fulbright Việt Nam, nhận định 2 vấn đề lớn nhất trong phát triển hạ tầng giao thông của TP.HCM hiện nay là cơ chế để TP dành nguồn lực và cách thức triển khai của TP. Nguồn vốn cho giao thông của TP quá eo hẹp và phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách của T.Ư, tính bị động cao dẫn đến các dự án muốn làm thì nhiều nhưng không thực hiện được. Nghịch lý là TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, có những dự án sinh lời cao hơn lại không được ưu tiên đầu tư. Do đó, T.Ư cần có đánh giá đúng tầm về hiệu quả các dự án để ưu tiên bố trí vốn phát triển hạ tầng khu vực phía nam một cách phù hợp.
TP cần cải thiện năng lực thực hiện các dự án. Đối với các công trình hạ tầng dẫn dắt sự phát triển, giúp người dân đi lại nhanh chóng, thuận tiện hơn như các tuyến đường trên cao, đường cao tốc, đường vành đai… không còn cách nào khác là kêu gọi tư nhân cùng tham gia. Cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, cởi mở để thu hút các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài.
TS Huỳnh Thế Du
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.