Tăng nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn

05/06/2020 06:56 GMT+7

Đảm nhiệm 50% trong tổng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn nhưng nhiều năm qua Agribank không tăng vốn khiến khu vực kinh tế này đang đứng trước nguy cơ thiếu vốn.

Nguy cơ hụt vốn cho nông nghiệp

Tính đến hết năm 2019, dư nợ cho vay của Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) đạt hơn 1,150 triệu tỉ đồng, tăng (11%) so với thời điểm 31.12.2018, và tăng gấp 2 lần so với thời điểm 31.12.2014. Đặc biệt, có tới 70% trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank là dành cho nông nghiệp và nông thôn.
Tăng vốn cho Agribank để đẩy mạnh cho vay tới các vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, bà con nông dân không vì thiếu vốn mà phải tìm đến tín dụng đen đang bủa vây các vùng nông thôn, gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội
TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Phát triển TP.HCM, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ
Thế nhưng, do nhiều năm không tăng vốn, không chỉ bản thân nhà băng này đứng trước rủi ro mà tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn nói riêng và kinh tế nói chung có nguy cơ bị ảnh hưởng trầm trọng trong thời gian tới.
Đầu tiên là rủi ro. Để đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II, mức vốn tự có thiếu hụt của Agribank giai đoạn 2019 - 2021 là rất lớn. Do chưa đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II nên Agribank hiện đang được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 22. Thế nhưng tính đến hết tháng 3 vừa rồi, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank chỉ đạt 9,2%, sát ngưỡng tối thiểu quy định là 9%. Theo tính toán, để đáp ứng quy định tại Thông tư 22, ngay trong năm nay, ngân hàng này cần được cấp bổ sung 3.500 tỉ đồng.
Thứ hai, nếu không kịp tăng vốn trong năm nay, nguồn lực cho khu vực nông nghiệp - nông thôn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ sẽ bị thiếu hụt trầm trọng. Theo báo cáo của Agribank, trường hợp không được cấp đủ 3.500 tỉ đồng thì tăng trưởng tín dụng của nhà băng này chỉ có thể ở mức 4,5 - 5%.
Trụ sở Agribank Ảnh: AG

Trụ sở Agribank

Ảnh: AG

Trong khi đó chỉ riêng hỗ trợ hộ sản xuất và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank đã cần tăng trưởng tín dụng mức 9% (tương đương 100.000 tỉ đồng), chưa kể cho vay khác phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Với tỷ lệ cung ứng vốn cho lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 50% tổng tín dụng, khu vực này có nguy cơ thiếu hàng trăm ngàn tỉ đồng nếu nhà băng này không kịp tăng vốn trong năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank, cho biết ngân hàng này vẫn duy trì tỷ lệ 69% dư nợ tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (chủ yếu là cho vay hộ nông dân) với 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, cho vay hỗ trợ các địa bàn khó khăn nhằm giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ). “Chúng tôi đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Cụ thể, cơ cấu lại dư nợ cho 5.076 khách hàng, cho vay mới 6.025 khách hàng, miễn giảm lãi cho 348 khách hàng. Dự báo dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp nên chúng tôi cũng đã dự phòng phương án tiếp tục cơ cấu lại nợ cho khách hàng trong quý 2 và quý 3/2020, tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng chưa thể phục hồi (dự kiến 100.000 tỉ đồng). Thế nên, việc tăng vốn để có nguồn thực hiện các kế hoạch này là hết sức cấp thiết”, bà Phượng nói.

Góp phần đẩy lùi tín dụng đen ở vùng sâu, vùng xa

TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Phát triển TP.HCM, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng không chỉ Agribank mà các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đều nên tăng vốn chủ sở hữu bởi đồng vốn ở khu vực này vừa tạo ra những hoạt động hiệu quả cho nền kinh tế, vừa có độ lan tỏa, vừa góp phần vào công tác an sinh xã hội.
“Hiện nhà nước đang quản lý vốn nhà nước ở nhiều tập đoàn, tổng công ty, trong đó có không ít đơn vị hoạt động không hiệu quả. Nếu tăng vốn từ chính lợi nhuận của các ngân hàng thì quá tốt. Thậm chí nếu cần thì bán bớt vốn ở những tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả hay những lĩnh vực mà nhà nước không cần tham gia để tăng vốn các ngân hàng thương mại nhà nước, để từ đó “nắn” dòng vốn vào các địa bàn mà Chính phủ định hướng phát triển”, ông Ngân nói và nhấn mạnh, “tăng vốn cho Agribank là cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn hậu Covid-19”.
Thứ nhất, vốn vào nông nghiệp mấy năm nay có tăng lên nhưng vẫn còn thấp trong khi đây vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn, quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Thứ hai, tăng vốn cho Agribank để đẩy mạnh cho vay tới các vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, bà con nông dân không vì thiếu vốn mà phải tìm đến tín dụng đen đang bủa vây các vùng nông thôn, gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội. “Sử dụng vốn nhà nước vào đây là rất cần thiết, không chỉ mặt kinh tế mà còn là vấn đề an sinh xã hội”, ông Ngân nói.
Thực tế, các ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối không chỉ đảm nhiệm cung ứng vốn cho nhiều dự án trọng điểm quốc gia như các dự án đường cao tốc, các dự án ngành điện, nông nghiệp - nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà còn là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường tiền tệ, đồng thời hoạt động hiệu quả, nộp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Trong năm 2019, BIDV và Vietcombank đã thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược (đối với BIDV) và phát hành riêng lẻ (đối với Vietcombank). Riêng VietinBank, hiện tỷ lệ sở hữu nhà nước đã dưới ngưỡng tối thiểu, do đó ngân hàng này không thể thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư.
Chỉ còn Agribank 5 năm qua quy mô về tổng tài sản tăng hơn 2 lần nhưng chưa được ngân sách cấp bổ sung vốn điều lệ nên không tăng vốn trong năm 2020, Agribank sẽ khó kép. Vừa khó tăng trưởng tín dụng cao và không đạt tỷ lệ an toàn vốn.
“Tổng số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng theo các chương trình hỗ trợ, cấp bù chênh lệch lãi suất đến 31.12.2019 của Agribank là 4.263 tỉ đồng, số chưa được ngân sách nhà nước cấp bù là 2.838 tỉ đồng. Mỗi năm chúng tôi giảm thu nhập từ 3.000 - 4.000 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng thông qua cho vay giảm lãi suất 5 đối tượng ưu tiên”.
Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.