Tạm nhập tái xuất chỉ thực hiện qua cửa khẩu chính và cửa khẩu quốc tế

11/06/2020 08:42 GMT+7

Từ ngày 1.1.2021, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất nếu nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền thì chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Để chuẩn bị triển khai các quy định mới về cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu qua biên giới đất liền đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan, Tổng cục Hải quan vừa qua đã yêu cầu hải quan các địa phương nghiên cứu, thực hiện đúng các nội dung quy định tại Thông tư 09/2020 của Bộ Công thương.
Theo đó, từ ngày 1.1.2021, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, nếu nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền thì việc nhập khẩu hoặc tái xuất đó chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) theo quy định tại Nghị định số 112/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền. Quy định này cũng được áp dụng cho cả hàng hóa nước ngoài tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan nếu hàng hóa đó được nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền.
Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu không thuộc các đối tượng nêu trên, cửa khẩu nhập và xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 54 Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định 112/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền và Nghị định 14/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
Hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất bị nhiều “tai tiếng” khi lực lượng chức năng từng phát hiện nhiều nhà kinh doanh theo mô hình này, nhưng quá trình chở hàng tái xuất lại cho rút ruột, đưa hàng trốn thuế thẩm lậu vào trong nội địa Việt Nam tiêu thụ và tái xuất container rỗng đi. Gắn định vị trên container để theo dõi hàng hóa tái xuất là một trong những cách cơ quan hải quan mới áp dụng trong năm 2019 để ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua mô hình kinh doanh này. Đặc biệt, một thời gian dài, ngành chăn nuôi từng phản ánh chính việc kinh doanh tạm nhập tái xuất thịt lại gây ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi trong nước do hàng tạm nhập nhưng tái xuất không rõ ràng hoặc doanh nghiệp khai gian khi tái xuất...
Trước đó, ngày 4.6, theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công thương đã ban hành công văn 1459 thu hồi giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất nhóm hàng thực phẩm đông lạnh của Công ty TNHH MTV Tân Đức Thành. Cụ thể, thu hồi giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất nhóm hàng thực phẩm đông lạnh số 7/BCT ngày 14.5.2018 do Bộ Công thương cấp. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ninh cấp lần đầu ngày 5.2.2010, thay đổi lần 2 ngày 22.4.2015. Công ty cũng được hoàn trả tiền đã ký quỹ tại Ngân hàng Thương mại CP ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Móng Cái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.