Tạm ngưng sửa chữa chợ An Đông chờ ý kiến UBND TP.HCM

07/01/2017 14:29 GMT+7

Sẽ thanh tra việc thu chi tại chợ An Đông và tạm ngưng các công trình sửa chữa nâng cấp chợ chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Đó là thông tin quan trọng tại buổi gặp gỡ giữa đại diện gần 2.300 tiểu thương với lãnh đạo UBND TP.HCM vào ngày 6.1.
Sau buổi gặp gỡ giữa tiểu thương Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông (chợ An Đông) với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến hôm qua, sáng nay 7.1, tiểu thương chợ An Đông chuyển đến Báo Thanh Niên bản “Thông báo về tiến độ nâng cấp sửa chữa Trung tâm và việc thực hiện hợp đồng thuê điểm kinh doanh” của Ban Quản lý Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông (BQL).
Theo thông báo này, BQL sẽ tiến hành sửa chữa nâng cấp phần ô giếng trời và phần nội ngoại thất chợ trong năm nay với tổng giá trị dự toán xây dựng công trình 12,73 tỉ đồng (lấy tròn số). Trong đó, chi phí xây lắp sau thuế hơn 12 tỉ đồng, chi phí thiết bị sau thuế 154 triệu đồng, chi phí lập đánh giá hồ sơ dự thầu hơn 16 triệu đồng, chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu gần 2,5 triệu đồng, chi phí thẩm định lựa chọn kết quả thầu gần 2,5 triệu đồng và một số chi phí hạng mục chung gần 137 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các tiểu thương, hiện họ chưa đồng ý với thông báo này. Lý do liên quan đến một số công trình sửa chữa mới đây của BQL là hệ thống điện động lực và nhà vệ sinh với tổng kinh phí hơn 11,3 tỉ đồng nhưng không hiệu quả. “Hệ thống điện trong chợ vẫn nhếch nhác vô cùng nguy hiểm và nhà vệ sinh quá bẩn, chưa sử dụng vòi nước đã hư bắn nước tùm lum. 11,3 tỉ đồng mà làm như là đồ chơi vậy là không được”, tiểu thương phản ánh và yêu cầu phải chờ thanh tra của UBND TP.HCM xem xét lại.
Liên quan vấn đề này, hôm qua 6.1, tại buổi gặp gỡ với đại diện và kiến nghị của gần 2.300 tiểu thương chợ An Đông, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng việc sửa chữa này phải tạm ngưng chờ có ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM. Ông Tuyến cũng hỏi ý kiến tiểu thương từ nay đến tết, cần sửa chữa những hạng mục nào của chợ trước. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, quá cận tết sẽ rất khó để sửa chợ lúc này. “Chắc chỉ cần gắn loa phát thanh để báo cháy hoặc có sự cố gì trong những ngày mua bán cận tết thôi”, chị Thái Trang, đại diện tiểu thương nói. Ông Tuyến đồng ý chỉ đạo việc gắn loa tại chợ và yêu cầu tiểu thương có kiến nghị cứ cho ông hay.
Kiến nghị với UBND TP.HCM, gần 2.300 tiểu thương cũng cho biết tên gọi hợp đồng đã làm “thay đổi bản chất vấn đề”. Theo phản ánh của tiểu thương tại buổi gặp gỡ: Năm 1991, tiểu thương góp vốn xây dựng chợ với Công ty TNHH Việt Hoa. Sau 20 năm, năm 2011, Công ty Việt Hoa bàn giao chợ về cho UBND Q.5 quản lý là “trên danh nghĩa giấy tờ, chứ không như chương trình BOT như UBND Q.5 thông tin”. Và đáng nói hơn, trong biên bản ghi là “nguồn thu nâng cấp sữa chữa chợ” nhưng khi ra hợp đồng lại là “thu tiền thuê quầy sạp”...
Ngoài việc kiến nghị thành phố xem xét UBND Q.5 đã thu của tiểu thương năm 2012 - 2013 là 237 tỉ đồng, 219 tỉ đồng hay 217 tỉ đồng mà cứ mỗi lần gặp, tiểu thương được báo cáo một con số khác nhau từ BQL và UBND Q.5. Ngoài ra, lâu nay cả hai cơ quan quản lý này đều cho biết nguồn tiền này được gửi “nằm yên” trong kho bạc, không phát sinh đồng lãi nào. Tuy nhiên, mới đây, trưởng BQL chợ thông tin trong khoảng thời gian tiền được tiểu thương chuyển vào tài khoản của ông Trần Văn Tứ (nguyên Trưởng BQL chợ An Đông), chờ chuyển về Kho bạc Nhà nước, đã có 400 triệu đồng tiền lãi. Tất cả những vấn đề này, tiểu thương đã yêu cầu phải thanh tra làm rõ.
Tại buổi gặp với đại diện gần 2.300 tiểu thương, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định các đơn thư của tiểu thương gửi UBND và Thành ủy TP.HCM đã nhận được. UBND TP sẽ tiến hành xem xét lại các quy định pháp luật liên quan đến việc thu tiền của tiểu thương, sẽ thanh tra vấn đề này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.