Tài xế Grab tại TPHCM thu nhập từ 600.000- 700.000/ngày

11/09/2018 16:29 GMT+7

Sức tăng trưởng “chóng mặt” của Grab tại Việt Nam đang giúp thu nhập của các tài xế tăng cao hơn mức bình quân chung của người dân Việt Nam.

10 người dân có 2 người dùng Grab 

 

Thông tin trên được bà Tan Hooi Ling, đồng sáng lập Công ty TNHH Grab (Grab), cung cấp tại buổi gặp mặt báo chí diễn ra ngày 11.9 tại Hà Nội. 

 

Một điều dễ nhận thấy trên khắp các đường phố tại Hà Nội và TP.HCM hiện nay là màu xanh lá cây trên trang phục của các tài xế grab, từ mũ, áo đến logo. Song nhìn vào các con số bà Tan Hooi Ling công bố cho thấy, sức tăng trưởng doanh thu tại Việt Nam của Grab rất mạnh mẽ.

 

“Mảng dịch vụ cốt lõi giao thông vận tải tiếp tục tăng mạnh tháng vừa qua. Đáng kinh ngạc hơn là các dịch vụ mới trên con đường trở thành siêu ứng dụng. 1 tháng vừa qua, GrabFood (dịch vụ giao đồ ăn) tăng 2,2 lần, dịch vụ giao nhận hàng hoá tăng 22%. Khối lượng giao dịch không dùng tiền mặt chi trả giao thông vận tải tăng 21%”, bà Tan thông báo. 

 

Grab mới chỉ được thành lập 6 năm, có mặt tại 8 nước và 234 thành phố lớn, nhưng đã hợp tác với 8 triệu nhà kinh doanh nhỏ lẻ. Theo bà Tan Hooi Ling, ở khu vực Đông Nam Á, tham vọng của Grab là nâng mức đầu tư mới lên 3 tỉ USD trong năm 2018 và doanh số ở khu vực này dự báo sẽ tăng gấp đôi trong năm 2019.

 

Tại Việt Nam, Grab có mặt tại 36 tỉnh thành, trong đó 5 tỉnh, thành trong phạm vi thí điểm dịch vụ GrabCar và 31 tỉnh thành khác triển khai dịch vụ GrabTaxi, GrabBike và GrabExpress. Hiện Grab có 175.000 đối tác tài xế. Bên cạnh lĩnh vực truyền thống là đặt xe, Grab cho biết công ty đang tiếp tục mở rộng dịch vụ giao nhận đồ (GrabExpress, GrabFood) và công nghệ tài chính với Grab Financial, GrabPay.

 

Grab Financial hướng đến việc cho vay những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Đóng 223 tỉ đồng tiền thuế 

Năm 2017 phần mềm gọi xe công nghệ Grab Việt Nam đã đóng 190 tỉ đồng tiền thuế. Trong 7 tháng đầu năm nay, Grab Việt Nam đã đóng 223 tỉ đồng tiền thuế và công ty này cho biết, năm nay sẽ đóng thuế gấp 3 lần con số đã đóng của năm 2017.

 

Giám đốc Grab tại Việt Nam, ông Jerry Lim, chia sẻ hiện dịch vụ của Grab đã “chạm” đến tỉ lệ 2 trên 10 người dân Việt Nam. Năm 2020, tỷ lệ ngày sẽ được tăng lên 50%(5/10

người dân). 

 

Cũng theo ông Jerry Lim, về phía khách hàng, thời gian chờ để gọi xe 2 bánh đã giảm 50%; xe 4 bánh giảm 9%. Đặc biệt, với các đối tác GrabCar, tổng thời gian có khách trên toàn bộ thời gian lái xe là 70%.

 

Về mức thu nhập của tài xế Grab, CEO của ứng dụng này cho biết, với người lái Grab toàn bộ thời gian, thu nhập gấp đôi mức trung bình người Việt Nam. Riêng tháng 8, tại TP.HCM, thu nhập 1 lái xe Grab tăng 20% so với 1 tháng trước đó, với mức 600-700.000 đồng/ngày.

 

"Sự tăng tưởng này đạt được bằng cách tăng thêm các dịch vụ mới. Một tài xế không chỉ vận chuyển khách mà có thể làm thêm dịch vụ giao nhận đồ ăn, giao nhận hàng hoá, từ đó tăng thêm thu nhập một cách bền vững", Giám đốc Grab Việt Nam khẳng định.

 

“Bắt tay” với MOCA

 

Cũng trong ngày 11.9, Grab và Công ty cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca (Moca) đã công bố hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab và tại Việt Nam. Moca là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử được ngân hàng nhà nước cấp giấy phép từ đầu năm 2016 và hiện đang liên kết với 11 ngân hàng trong nước.

 

Bà Tan Hooi Ling đánh giá cao Moca ở công nghệ và giải pháp. Bà hi vọng khi kết hợp với chuyên gia của Grab, họ có thể thực sự “đưa Việt Nam tiến tới nền kinh tế phi tiền mặt”.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Grab Financial của Grab tại Việt Nam, cho biết: “Hợp tác chiến lược với Moca đánh dấu cột mốc quan trọng đối với Grab tại Việt Nam trong bối cảnh chúng tôi tìm kiếm tăng trưởng tại một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á”.

 

Hai công ty không cung cấp thêm chi tiết về quan hệ hợp tác nhưng tiết lộ sẽ giới thiệu dịch vụ vào tháng 10. Moca và Grab sẽ tận dụng công nghệ và mạng lưới đối tác của nhau để cung cấp các dịch vụ thanh toán đến hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Đối tác của Moca sớm được hưởng lợi từ cơ sở khách hàng rộng lớn của Grab, bao gồm cả tài xế lẫn hành khách. Ngược lại, khách hàng của Grab sớm được sử dụng trọn bộ dịch vụ thanh toán do Moca phát triển, bao gồm thanh toán hóa đơn, nạp tiền vào tài khoản trả trước (airtime topup), trả tiền tại các cửa hàng bán lẻ như McDonalds, 7-Eleven.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.