Tại sao cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
12/09/2019 18:50 GMT+7

Cơ quan Thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn cảnh báo ngân hàng cho vay cầm số sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.

Cầm cố sổ tiết kiệm vay tiền cũng phải có phương án

Theo NHNN, qua công tác thanh tra, giám sát thấy có hiện tượng một số ngân hàng cho khách hàng vay vốn bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn theo quy định, vi phạm quy định về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.
Cầm cố sổ tiết kiệm là sản phẩm dịch vụ đi kèm mà ngân hàng triển khai cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm khi có nhu cầu vay tiền gấp. Bà Nga (Q.Tân Bình, TP.HCM) gửi 2 tỉ đồng tiết kiệm ngân hàng với kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 8,6%/năm. Gửi được 4 tháng thì bà Nga cần 500 triệu đồng để cho người thân mượn. Nếu rút toàn bộ 2 tỉ đồng để lấy 500 triệu đồng, tiền lãi trong khoảng thời gian gửi 4 tháng chỉ được tính theo lãi suất không kỳ hạn ở mức 0,1%/năm, tức 2 triệu đồng thay vì hơn 57 triệu đồng (tính theo lãi suất tiết kiệm 8,6%/năm). Vì thế, bà Nga thực hiện cầm cố sổ tiết kiệm 2 tỉ đồng để vay 500 triệu đồng.
TS Nguyễn Trí Hiếu - Cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cho hay sản phẩm cầm cố sổ tiết kiệm nhằm giải quyết vấn đề cần tiền gấp của khách hàng, lãi suất vay sẽ cao hơn lãi suất huy động. Các ngân hàng Mỹ cũng triển khai hình thức này, tuy nhiên các ngân hàng cũng hạn chế bởi nó có thể làm tăng tài sản của ngân hàng, tăng tín dụng “ma”, tín dụng “ảo”.

Chặn cuộc đua huy động không lành mạnh

Đồng tình với cảnh báo của NHNN phải kiểm soát được mục đích cho vay đối với cầm cố sổ tiết kiệm, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, nếu không rất dễ xảy ra tình trạng chạy đua huy động vốn không lành mạnh trong hệ thống ngân hàng, dẫn đến lãi suất tăng lên. Giải thích thêm về điều này, ông Hiếu cho hay, một khách hàng đã gửi tiết kiệm ở ngân hàng A chưa đến thời hạn rút, nhưng ngân hàng B lúc đó đang có chương trình huy động vốn lãi suất cao hơn. Khách hàng này thế chấp sổ tiết kiệm để vay toàn bộ số tiền này chuyển qua ngân hàng B gửi. Tình trạng này nếu xảy ra phổ biến, đặc biệt ngân hàng đang đua huy động vốn lãi suất cao sẽ là rủi ro cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Người dân gửi tiết kiệm 100 triệu đồng, ngân hàng mang tiền cho vay, sau đó khách hàng này quay lại vay, tạo áp lực cho ngân hàng phải huy động được 100 triệu đồng này. Đó là chưa kể, chỉ có 100 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm mà hệ thống ngân hàng cho vay đến 200 triệu đồng. Khi các ngân hàng cùng rơi vào tình trạng này dễ bị thiếu thanh khoản và tạo áp lực tăng lãi suất huy động cao hơn. Dù vậy, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ngân hàng cũng không nên gây khó dễ đối với khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm. Nhiều khách hàng thế chấp sổ tiết kiệm để cho người thân mượn tiền, chi tiêu khi đi du lịch… thì làm sao chứng minh mục đích sử dụng vốn vay.
Đa số các ngân hàng cho rằng hầu như khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn do nhu cầu đột xuất, việc tính toán chuyển tiền qua ngân hàng khác để gửi lãi suất cao là khó. Quy định khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm sẽ giải quyết tâm lý để họ quyết định chọn gửi các kỳ hạn dài. Thế nhưng gây khó cho họ khi cầm cố sổ, phải yêu cầu lên phương án, chứng minh mục đích sử dụng vốn vay bằng cầm cố sổ tiết kiệm (giống nhu vay tiền thế chấp tài sản)…, khách hàng sẽ e ngại gửi trung dài hạn, trong khi các ngân hàng đang cố gắng huy động nguồn vốn trung dài hạn.
Trong công văn cảnh báo gửi đến các ngân hàng, NHNN yêu cầu các ngân hàng không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chấp hành các quy định về cho vay, lãi suất huy động bằng ngoại tệ, sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là mục đích sử dụng vốn đối với những khoản vay cầm cố sổ tiết kiệm. Để ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN sẽ xử lý nghiêm các tổ chức vi phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.