Tài sản bốc hơi, ông chủ Hòa Phát rớt khỏi danh sách tỉ phú đô la

Mai Phương
Mai Phương
04/12/2018 14:22 GMT+7

Trong danh sách tỉ phú thế giới được cập nhật vào ngày 3.12 của tạp chí Forbes , không còn tên ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.

Lọt khỏi danh sách tỉ phú
Tháng 3.2018, ông Trần Đình Long lần đầu lọt vô danh sách các tỉ phú thế giới của tạp chí Forbes. Với tài sản được ghi nhận trị giá 1,3 tỉ USD, ông Trần Đình Long xếp hạng 1.756. Ông Trần Đình Long được mô tả là người thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, nhà phân phối phụ tùng và thiết bị tại Hà Nội từ năm 1992. Hiện tập đoàn này đang sản xuất ống thép, thép xây dựng và được xem là nhà sản xuất thép lớn nhất của Việt Nam.
Trên sàn chứng khoán Việt Nam, ông Trần Đình Long cũng liên tục đứng trong Top 10 người giàu nhất. Năm 2015, ông là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán với tổng tài sản gần 5.500 tỉ đồng. Năm 2016, ông là người giàu thứ 3 với tổng tài sản lên tới hơn 10.000 tỉ đồng. Cuối năm 2017, ông Trần Đình Long đứng ở vị trí thứ 4 trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán với trị giá tài sản đạt hơn 17.875,9 tỉ đồng nhờ giá trị cổ phiếu liên tục gia tăng.
Thế nhưng từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát liên tục đi xuống. Cuối ngày 3.12, giá HPG là 34.800 đồng/cổ phiếu, giảm gần 30% so với giá trên 45.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm (tính theo giá điều chỉnh sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu). Như vậy giá trị số cổ phiếu đang sở hữu của ông Trần Đình Long đạt hơn 12.325,4 tỉ đồng, giảm đi hơn 5.550 tỉ đồng.
Việc cổ phiếu HPG liên tục đi xuống được các chuyên gia chứng khoán phân tích có lẽ bị ảnh hưởng từ nỗi lo của nhà đầu tư khi Mỹ có chủ trương tăng thuế nhập khẩu thép để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Hiện thép Việt Nam cũng đang bị áp thuế tự vệ ở nhiều nước khác và đó là một rào cản để tăng lượng xuất khẩu cho những doanh nghiệp ngành này. Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh trong 3 quý đầu năm 2018, HPG vẫn đạt doanh thu 41.988 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.833 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Tài sản tỉ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm 2,4 tỉ USD
Xe ô tô VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup mới được giới thiệu ra thị trường Khả Hòa
Trái ngược với tài sản ông chủ Hòa Phát, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - người đứng đầu Tập đoàn Vingroup - lại được tạp chí Forbes ghi nhận gia tăng mạnh. Tính đến hết ngày 3.12, Forbes thống kê tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đạt 6,7 tỉ USD và xếp hạng 224 người giàu nhất thế giới. So với tài sản trị giá 4,3 tỉ USD và thứ hạng 499 trong danh sách này vào tháng 3.2018 thì tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã cộng thêm 2,4 tỉ USD và tăng 275 bậc. Ông Phạm Nhật Vượng cũng là người nhiều năm liền giữ ngôi vị đầu bảng Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Hiện giá cổ phiếu VIC đang ở mức 101.900 đồng/cổ phiếu, tăng 32% so với đầu năm.
Mới đây, Vingroup chính thức đưa ra thị trường những sản phẩm ô tô và xe máy điện đầu tiên của VinFast và sắp tới đây tiếp tục là điện thoại di động thông minh Vsmart. Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng đã ra nghị quyết về việc thành lập cùng lúc 4 công ty con với tổng số vốn 390 tỉ đồng. Trong đó, có 3 công ty công nghệ và 1 công ty du lịch, từng bước hướng đến mục tiêu đã công bố là trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính.
Khá thú vị khi tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng  hiện cao hơn gấp đôi so với tài sản của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tháng 3.2018, tạp chí Forbes ghi nhận Tổng thống Donald Trump đang sở hữu khối tài sản trị giá 3,1 tỉ USD và xếp hạng 766. Đến ngày 3.12, tài sản của vị Tổng thống Mỹ đứng yên ở mức 3,1 tỉ USD nhưng vượt lên vị trí 719 trong danh sách người giàu thế giới, tăng thêm 47 bậc.
Chính những thương hiệu mới trong ngành công nghệ cao này đã giúp khối tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng tăng cao, vượt qua cả những ông chủ tập đoàn ô tô thế giới như ông Chung Mong-Koo của tập đoàn Huyndai hiện xếp thứ 534 hay ông Piero Farrari xếp thứ 931…
Tài sản người giàu sụt giảm
Mặc dù vẫn còn nằm trong bảng xếp hạng các tỉ phú trên thế giới của Forbes tính đến hết ngày 3.12 nhưng tài sản của hai tỉ phú đô la khác là bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trần Bá Dương đều sụt giảm. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Vietjet - hiện đứng ở vị trí 876 trong bảng xếp hạng với tài sản trị giá 2,6 tỉ USD. Theo danh sách tỉ phú USD đầu năm nay của Forbes với tài sản trị giá 3,1 tỉ USD, đứng ở vị trí 766 thì tài sản của nữ doanh nhân này bị giảm đi 500 triệu USD và tụt 110 bậc.
Điều này là do cổ phiếu VJC của Vietjet giảm khá nhiều so với đỉnh cao hơn 200.000 đồng vào đầu tháng 3.2018. Hiện VJC đứng ở giá 132.000 đồng/cổ phiếu. Nếu so với giá điều chỉnh sau khi đã chia cổ tức bằng cổ phiếu vào giữa năm nay thì giá VJC cũng đã mất đi gần 25%. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu HDB của Ngân hàng Phát triển TP.HCM mà bà Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu trực tiếp và gián tiếp khá nhiều cũng mất đi 18% so với giá chào sàn vào đầu năm nay, hiện còn 32.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, tài sản của ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải hiện được Forbes công bố đạt 1,7 tỉ USD, giảm 100 triệu USD so với trị giá tài sản vào đầu năm nay khi ông được tạp chí này lần đầu tiên đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, xếp hạng của ông Trần Bá Dương lại tăng 7 bậc so với vị trí 1.339 vào đầu năm nay.
Một nhân vật nữa là tỉ phú gốc Việt Hoàng Kiều cũng bị giảm về giá trị tài sản khi hiện chỉ còn 1,6 tỉ USD, xếp ở vị trí 1.432 trong danh sách người giàu thế giới của Forbes.  Tài sản của ông Hoàng Kiều đã “bốc hơi” 1,2 tỉ USD và giảm mạnh 573 bậc so với thời điểm tháng 3.2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.