Tái khởi động dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

04/07/2018 09:56 GMT+7

TP.HCM đã đồng ý ký xác nhận khối lượng thi công, giải tỏa ách tắc cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đang ngưng thi công do thiếu tiền.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6 của UBND TP.HCM diễn ra ngày 3.7, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết UBND TP đã đồng ý ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để nhà đầu tư hoàn thành thủ tục tái cấp vốn. Do đó dự án "Chống ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)" trị giá 10.000 tỉ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư sẽ thi công trở lại sau thời gian tạm ngưng.
Theo ông Hoan, quá trình giải quyết thủ tục thanh toán của dự án gặp khó khăn khi có tới “ba bên bốn bề”. Ngoài nhà đầu tư, ngân hàng BIDV, UBND TP thì còn có Ngân hàng Nhà nước - đơn vị cấp vốn cho vay lại thông qua ngân hàng BIDV. Do có sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước nên thủ tục thanh toán có phần phức tạp hơn như phải kiểm tra, rà soát lại nhãn hàng, giá cả vật liệu, thẩm định chậm… dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm.
Đại diện thành phố cho rằng những dự án lớn như vậy, khó khăn trong việc thanh toán là bình thường và hiện nay thành phố đã giải ngân gần như đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải hoàn thành hồ sơ khối lượng công việc thực hiện để được giải ngân nhiều hơn.
Không chỉ khó khăn về vốn, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng còn đang "mắc" ở khâu giải phóng mặt bằng. Ông Võ Văn Hoàn cũng thông tin UBND TP đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư thi công, sớm hoàn thành dự án.
Trước đó, Tập đoàn Trung Nam đã gửi văn bản đến Thường trực UBND TP thông báo tạm ngưng thi công dự án, bắt đầu từ ngày 27.4. Nguyên nhân do UBND TP chưa ký xác nhận báo cáo giải ngân để thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Việc chậm xác nhận báo cáo cho vay xảy ra từ tháng 9.2017 khiến ngân hàng BIDV thông báo tạm dừng cấp vốn cho dự án, chủ đầu tư không có đủ vốn để tiếp tục thi công.
Được biết trong thời gian hơn 2 tháng tạm ngưng thi công, doanh nghiệp đã chuyển hầu hết nhân lực, vật lực sang thi công tại dự án khác. Việc tập hợp nguồn lực không mất nhiều thời gian nhưng để các thiết bị có thể hoạt động vào guồng, "nóng" máy, đáp ứng kỹ thuật có thể sẽ phải mất 6 tháng. Dù phải kéo dài thêm nửa năm nhưng chủ đầu tư vẫn cam kết sẽ hoàn thành công trình, đưa vào hoạt động trong năm 2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.